[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chủ nghĩa tự do và các chính đảng (Phần 3)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chủ nghĩa tự do và các chính đảng (Phần 3)

Đây là phần trích đăng từ chương "LIBERALISM AND THE POLITICAL PARTIES" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

3. Sự khủng hoảng của chế độ đại nghị và ý tưởng về nghị viện đại diện cho các nhóm đặc biệt

Chế độ đại nghị, thể chế phát triển một cách từ từ ở Anh và các nước thuộc địa của Anh từ thế kỉ XVII và trên lục địa châu Âu sau khi lật đổ được Napoleon và những cuộc cách mạng tháng 7 năm 1830 và tháng 2 năm 1848, cho rằng phải chấp nhận toàn bộ hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Tất cả các nghị sĩ có trách nhiệm quyết định cách thức cai trị đất nước đều phải tuyệt đối tin tưởng rằng lợi ích được hiểu một cách đúng đắn của tất cả các nhóm người và của từng thành viên trong xã hội là đồng nhất, và mọi hình thức đặc quyền đặc lợi dành cho các nhóm người và các giai cấp đều có hại cho lợi ích chung và phải bị bãi bỏ. Tất cả các đảng phái trong quốc hội được quyền thực hiện các chức năng mà hiến pháp hiện hành giao cho họ; đương nhiên là về những vấn đề chính trị cụ thể, họ có thể giữ những quan điểm khác nhau, nhưng họ phải coi mình là người đại diện cho toàn thể dân tộc chứ không phải là đại diện cho một khu vực hay một giai tầng nhất định. Vượt lên trên tất cả những khác biệt về ý kiến, họ đều phải cùng chia sẽ niềm tin rằng, xét đến cùng, họ có cùng mục đích và mục tiêu của họ là giống nhau, và chỉ có phương tiện để đạt mục đích là cần phải tranh luận. Khoảng cách giữa các đảng phái không phải là không thể vượt qua, lợi ích của họ cũng không xung đột đến mức họ phải sẵn sàng chiến đấu đến cùng, mặc cho những đau khổ của dân chúng và sự tan hoang của đất nước. Quan điểm về những chính sách cụ thể là sự khác biệt giữa các đảng với nhau. Vì vậy mà chỉ có hai loại đảng: đảng đang cầm quyền và đảng muốn cầm quyền. Ngay cả đảng đối lập cũng không tìm cách giành quyền lực để thúc đẩy những lợi ích cụ thể nào đó hay đưa người của mình vào nắm những vị trí quyền lực nào đó; họ chỉ tìm cách giành quyền lực để chuyển những ý tưởng của mình thành luật pháp và thực hiện chúng trong quá trình lãnh đạo đất nước. Chỉ có như thế thì các nghị sĩ và chính phủ đại nghị mới trở nên hữu dụng.

Một thời những điều kiện như thế từng tồn tại ở các nước Anglo-Saxon, và hiện nay ở đấy cũng còn một vài dấu tích như thế. Còn trên lục địa châu Âu thì ngay cả trong cái thời được gọi là hoàng kim của chủ nghĩa tự do người ta cũng chỉ có thể nói đến cái gọi là sự tiệm cận với những điều kiện như thế. Trong hàng chục năm qua, những cuộc họp của các cơ quan đại diện lại có vẻ như hoàn toàn ngược lại. Có rất nhiều đảng, mỗi đảng lại chia ra thành các phe phái khác nhau, những phe phái đó tạo thành mặt trận thống nhất nhằm chống lại thế giới bên ngoài, nhưng trong nội bộ thì họ lại chống báng lẫn nhau cũng dữ dội như chống báng các đảng khác vậy. Mỗi đảng và mỗi phe phái đều coi mình là người bảo vệ duy nhất cho đặc quyền đặc lợi nào đó, và sẵn sàng chiến đấu bằng mọi giá cho đến thắng lợi cuối cùng. Nội dung và bản chất chính sách của họ là đưa càng nhiều ngân quỹ vào "két" của mình, giành được càng nhiều ưu tiên ưu đãi thông qua chính sách thuế khóa, hạn chế nhập cư và những đặc quyền đặc lợi bằng cách hi sinh quyền lợi của những người khác trong xã hội, thì càng tốt.

Về nguyên tắc, những yêu sách như thế là vô hạn, không đảng nào có thể giành được các mục tiêu mà họ đặt ra. Không thể tưởng tượng được là một lúc nào đó yêu sách của đảng nông dân hay công nhân có thể được thực hiện một cách trọn vẹn. Thế mà mỗi đảng lại cố tìm cách giành được mức độ ảnh hưởng đủ sức giúp họ thỏa mãn càng nhiều khát vọng càng tốt, trong khi đó họ lại luôn tỏ ra thận trọng để có thể biện hộ trước cử tri vì sao ước mơ của họ lại không được thực hiện. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách làm như đảng của họ đang ở thế đối lập, dù trên thực tế đảng đang nắm quyền hoặc bằng cách đổ vấy cho những lực lượng mà nó không điều khiển được như nhà vua (nếu đấy là nhà nước quân chủ) và nước ngoài v.v. Đảng Bolshevik không thể làm cho nhân dân Nga hạnh phúc, những người xã hội chủ nghĩa Áo cũng không làm được như thế vì bị "chủ nghĩa tư bản phương Tây" ngăn cản. Các đảng bài chủ nghĩa tự do đã cầm quyền ở Đức và Áo trong vòng hơn năm mươi năm qua, thế nhưng trong những bản tuyên ngôn và tuyên bố công khai, thậm chí trong những tác phẩm mang tinh thần "khoa học", ta vẫn thấy họ cho rằng tất cả những điều xấu xa hiện nay đều là do ảnh hưởng của những nguyên lí tự do. Quốc hội chỉ gồm những người ủng hộ các đảng bài chủ nghĩa tự do và đại diện cho các nhóm đặc quyền đặc lợi sẽ không thể thực hiện được công việc của mình, và về lâu dài nhất định sẽ làm cho tất cả mọi người đều thất vọng. Đấy chính là điều mọi người đã và đang nghĩ tới khi họ nói về sự khủng hoảng của chế độ đại nghị.

Để giải quyết vấn đề này, một số người cho rằng cần phải bãi bỏ nền dân chủ và chế độ đại nghị, và thiết lập chế độ độc tài. Chúng tôi không muốn thảo luận những luận cứ chống lại chế độ độc tài. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này một cách kĩ lưỡng rồi.

Đề nghị thứ hai nhằm sửa chữa những khuyết tật của quốc hội có các thành viên được bầu trực tiếp bởi tất cả các công dân là bổ sung thêm hay thay thế toàn bộ thành viên quốc hội bằng những đại biểu được các công ty độc lập hoặc các phường hội đại diện cho các ngành công nghiệp và thương mại khác nhau bầu ra. Người ta nói rằng đại biểu quốc hội thường thiếu khách quan và không có kiến thức kinh tế. Trong khi cái mà chúng ta cần là chính sách kinh tế chứ không phải chính sách nói chung. Đại diện của các ngành công nghiệp sẽ dễ dàng đồng thuận về những vấn đề mà những đại biểu được bầu theo khu vực địa lí không thể hiểu được hoặc chỉ hiểu sau khi sự kiện đã xảy ra khá lâu rồi.

Nói về quốc hội chỉ gồm những đại biểu đại diện cho những hiệp hội nghề nghiệp khác nhau thì vấn đề trọng nhất phải làm rõ là thủ tục bỏ phiếu sẽ như thế nào, hay nếu mỗi đại biểu đều có một phiếu thì mỗi hiệp hội phải có bao nhiêu đại biểu. Vấn đề này phải được giải quyết trước khi quốc hội họp, nhưng bởi vấn đề này đã được giải quyết rồi nên không cần lo lắng đến việc triệu tập quốc hội nữa vì kết quả của cuộc bỏ phiếu đã được quyết định từ trước. Chắc chắn là còn câu hỏi: sau khi phân chia ngôi thứ, các hiệp hội có thể giữ vững được quyền lực của mình hay không? Nó sẽ chẳng bao giờ - xin chớ ảo tưởng về vấn đề này - được đa số dân chúng chấp nhận. Muốn tạo ra cơ quan đại diện được đa số chấp nhận thì không cần phải có quốc hội phân chia theo nghề nghiệp. Tất cả phụ thuộc vào việc là liệu sự bất bình với chính sách mà các đại biểu của các hiệp hội thông qua có đủ sức dẫn tới việc lật đổ toàn bộ hệ thống bằng vũ lực hay không. Trái ngược với hệ thống dân chủ, hệ thống này không bảo đảm rằng việc thay đổi chính sách mà đa số dân chúng mong muốn sẽ được thực hiện. Nói như thế nghĩa là chúng tôi đã nói tất cả những điều cần phải nói nhằm chống lại ý tưởng hình thành quốc hội trên cơ sở đại diện theo nghề nghiệp. Người theo trường phái tự do coi những hệ thống không loại bỏ được sự gián đoạn mang tính bạo lực của sự phát triển xã hội một cách hòa bình đều là không đáng được thảo luận.

Nhiều người ủng hộ ý tưởng thành lập quốc hội bao gồm những người đại diện cho các hiệp hội nghề nghiệp nghĩ rằng không được giải quyết xung đột bằng cách buộc phe phái này phải khuất phục phe phái kia mà bằng cách cùng điều chỉnh các khác biệt. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đảng phái không thể thỏa thuận được với nhau? Thỏa hiệp sẽ chỉ xảy ra khi nguy cơ của giải pháp không thuyết phục buộc từng đảng phải tiếp tục thảo luận nhằm đạt cho bằng được một sự nhượng bộ nào đó. Không ai cản trở các đảng phái khác nhau thỏa thuận ngay cả khi các đại biểu được toàn dân trực tiếp bầu ra. Cũng không ai có thể buộc các đại biểu quốc hội do các hiệp hội nghề nghiệp bầu ra phải thỏa hiệp với nhau.

Như vậy nghĩa là, quốc hội gồm những người như thế không thể hoạt động như một nghị viện trong chế độ dân chủ. Đấy không phải là nơi các quan điểm chính trị khác nhau được đem ra thảo luận và điều chỉnh một cách hòa bình. Nó cũng không thể ngăn chặn được sự gián đoạn mang tính bạo lực của sự phát triển hòa bình những cuộc bạo loạn, cách mạng và nội chiến gây ra. Vì những quyết định quan trọng nhất, những quyết định định đoạt việc phân chia quyền lực trong quốc gia, không được đưa ra các viện của quốc hội và trong các cuộc bầu cử xác định thành phần của các viện đó. Nhân tố quyết định việc phân chia quyền lực là tương quan lực lượng đã được hiến pháp quy định cho mỗi hiệp hội trong việc hình thành chính sách công. Nhưng vấn đề này lại được giải quyết ở bên ngoài các viện của quốc hội và không liên quan tới những cuộc bầu cử thành viên quốc hội.

Chính vì vậy, việc ta không dùng từ "nghị viện" cho một hội đồng gồm toàn đại diện của các hiệp hội nghề nghiệp là điều hoàn toàn đúng đắn. Thuật ngữ chính trị hình thành trong hai thế kỉ qua đã tạo ra sự phân biệt rõ rệt giữa nghị viện và hội đồng kiểu như thế. Ta phải phân biệt rõ như vậy nếu không muốn làm rối tất cả các khái niệm của khoa chính trị học.

Sidney và Beatrice Webb cũng như nhiều người xã hội chủ nghĩa hoạt động trong các hiệp hội và phong trào công đoàn đi theo những kiến nghị mà những người ủng hộ việc cải cách thượng viện ở lục địa châu Âu trước đây đã làm, đề nghị giữ nguyên hệ thống hai viện. Một viện do toàn dân bầu, còn viện kia được bầu từ các khu vực bầu cử theo nghề nghiệp.

Nhưng rõ ràng là đề nghị này cũng không thể sửa chữa được những khiếm khuyết của hệ thống đại diện theo nghề nghiệp. Trên thực tế, hệ thống hai viện chỉ có thể hoạt động nếu một viện chiếm ưu thế hơn và có thể áp đặt vô điều kiện ý chí của mình cho viện kia, hay khi hai viện có những quan điểm khác nhau về vấn đề nào đó thì người ta phải cố gắng đạt cho được giải pháp thỏa hiệp. Nếu không có những cố gắng như thế thì xung đột sẽ phải được giải quyết bên ngoài các viện của quốc hội, biện pháp cuối cùng sẽ là vũ lực. Dù có vặn vẹo vấn đề thế nào đi nữa thì cuối cùng người ta cũng phải quay về với những khó khăn không thể vượt qua. Đấy là trở ngại mà tất cả những đề nghị tương tự sẽ gặp, dù chúng có được gọi là chủ nghĩa xã hội phường hội hay chủ nghĩa nghiệp đoàn thì cũng vậy. Cuối cùng người ta sẽ thấy sự thiếu thực tiễn của những sơ đồ kiểu này khi họ chấp nhận những đề xuất cải tiến phi lí, ví dụ như thành lập các hội đồng kinh tế với chức năng cố vấn.

Những người ủng hộ ý tưởng thành lập hội đồng gồm toàn đại diện của các hiệp hội đã nhầm lẫn nghiêm trọng khi cho rằng có thể giải quyết những mâu thuẫn đối kháng đang xâu xé sự thống nhất của quốc gia bằng cách chia dân chúng và hội đồng dân tộc theo nghề nghiệp. Vá víu hiến pháp không phải là biện pháp giải quyết. Chỉ có hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do mới giải quyết được những mâu thuẫn đối kháng như thế.

4. Chủ nghĩa tự do và đảng đòi đặc quyền đặc lợi

Những đảng đòi đặc quyền đặc lợi, vốn chẳng thấy gì khác ngoài chính sách bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho những nhóm người của mình, không chỉ làm cho hệ thống nghị viện trở thành bất khả thi mà còn phá hoại sự thống nhất quốc gia và xã hội. Họ làm cho không chỉ chế độ đại nghị mà toàn thể hệ thống chính trị và xã hội lâm vào khủng hoảng. Về lau dài, xã hội sẽ không thể tồn tại được nếu nó bị chia thành từng nhóm riêng biệt, mỗi nhóm lại cố tình giành giật đặc quyền đặc lợi cho mình, lúc nào cũng cảnh giác để không bị thua thiệt và sẵn sàng hi sinh ngay cả những định chế chính trị quan trọng nhất miễn là giành được lợi ích dù nhỏ đến đâu.

Đối với các đảng đòi đặc quyền đặc lợi thì mọi vấn đề chính trị đều chỉ là vấn đề chiến thuật. Mục đích cuối cùng của họ đã được xác định ngay từ đầu. Mục tiêu của họ là giành cho bằng được lợi thế và đặc quyền đặc lợi cho nhóm người mà họ đại diện, những người khác trong xã hội sẽ phải trả giá. Cương lĩnh của đảng phải tìm cách che đậy mục tiêu này và tạo cho nó vẻ chính đáng, nhưng trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không được tuyên bố công khai mục đích chính sách của đảng. Dù thế nào thì các đảng viên cũng biết rõ mục đích của mình; họ không cần phải giải thích. Còn phổ biến ra ngoài đến mức nào thì lại là vấn đề chiến thuật.

Tất cả các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi chẳng muốn gì ngoài việc bảo vệ ưu quyền cho nhóm người của mình, và họ hoàn toàn không đếm xỉa đến nguy cơ tan rã toàn bộ cơ cấu xã hội. Họ không thể chống lại được sự phê phán của chủ nghĩa tự do. Nếu đem các yêu sách của họ ra phân tích thì sẽ không phủ nhận được rằng hoạt động của họ là phản xã hội và mang tính chất phá hoại; thậm chí chỉ cần nghiên cứu một cách hời hợt nhất cũng đủ thấy rằng hoạt động của những đảng vì đặc quyền đặc lợi và luôn chống báng lẫn nhau sẽ chẳng tạo ra bất kì thiết chế hữu ích nào. Chắc chắn là những người không có khả năng nhìn xa hơn những điều đang diễn ra hàng ngày sẽ không thấy rõ như thế. Đa số người dân không quan tâm đến những chuyện sẽ diễn ra sau đấy vài ngày. Họ chỉ nghĩ đến những chuyện diễn ra hôm nay, nhiều lắm là ngày mai. Họ không bao giờ hỏi điều gì sẽ diễn ra nếu tất cả các nhóm khác, trong khi theo đuổi đặc quyền đặc lợi của mình, đều không quan tâm tới phúc lợi của toàn xã hội nữa. Họ hi vọng không chỉ thực hiện được yêu sách của mình mà còn đập tan được yêu sách của những người khác. Đối với một ít người mà đòi hỏi hoạt động của các đảng phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao, và ngay cả hoạt động chính trị cũng phải tuân thủ các yêu cầu đạo đức ("Chỉ hành động trên nguyên tắc mà anh có thể coi là luật phổ quát, nghĩa là không có mâu thuẫn khi coi hành động của anh là luật mà mọi người đều phải tuân thủ") thì hệ tư tưởng của những đảng đòi đặc quyền đặc lợi chắc chắn chỉ là con số không.

Chủ nghĩa xã hội đã giành được ưu thế đáng kể là do quan điểm của các đảng đấu tránh giành đặc quyền đặc lợi đã có những khiếm khuyết về mặt logic. Nguyên lí của chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều người, đấy là nói những người chưa nắm được lí tưởng vĩ đại của chủ nghĩa tự do nhưng lại có tư duy rõ ràng và không chấp nhận yêu sách đòi đặc quyền đặc lợi cho những nhóm người cụ thể. Ý tưởng về chủ nghĩa xã hội - ta không thể phủ nhận được sự vĩ đại của nó, dù nó có những khiếm khuyết bẩm sinh (đã thảo luận một cách kĩ lưỡng ở trên) - được dùng để che đậy và đồng thời khẳng định sự yếu kém trong quan điểm của các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi. Nó tạo ra kết quả là chuyển được sự chú ý của giới phê bình từ hoạt động của đảng sang những vấn đề lớn hơn, những vấn đề mà dù người ta có nghĩ thế nào thì cũng là những điều đáng phải xem xét một cách thận trọng và với sự chú tâm cao nhất.

Trong một trăm năm qua, lí tưởng của chủ nghĩa xã hội đã tìm được những người ủng hộ trong số những người chân thành và lương thiện. Nhiều người tốt nhất và trung thực nhất đã hân hoan chấp nhận nó. Nó trở thành ngôi sao dẫn đường cho những chính khách lỗi lạc. Nó giành được vị trí thượng phong trong các trường đại học, và là nguồn cảm hứng cho giới trẻ. Nó lấp đầy tư duy và tình cảm của thế hệ trước và cả thế hệ hiện nay, và đến một lúc nào đó lịch sử sẽ hoàn toàn có lí khi gọi thời đại của chúng ta là thời đại xã hội chủ nghĩa. Trong mấy chục năm gần đây, trong tất cả các nước, người ta đã làm tất cả mọi việc có thể - từ quốc hữu hóa và tập thể hóa các doanh nghiệp cho đến áp dụng những biện pháp nhằm thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa để biến lí tưởng xã hội chủ nghĩa thành hiện thực.

Những khiếm khuyết không thể tránh khỏi của quản lí xã hội chủ nghĩa - ảnh hưởng tiêu cực đối với năng suất lao động và việc tính toán kinh tế là bất khả thi - đã dẫn tới tình trạng là hầu như mỗi bước tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa đều trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc cung cấp những món hàng tiêu dùng cho người dân. Chính cảnh thiếu thốn như thế đã chặn đứng phong trào xã hội chủ nghĩa, còn lí tưởng xã hội chủ nghĩa - dù vẫn còn giữ được ảnh hưởng về mặt ý thức hệ - trong lĩnh vực chính sách cụ thể đã trở thành tấm mặt nạ che đậy cho các đảng lao động trong cuộc đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi cho họ.

Có thể chứng minh sự đúng đắn của kết luận như thế đối với bất kì đảng xã hội chủ nghĩa nào, ví dụ như các phe phái khác nhau của đảng xã hội chủ nghĩa Thiên Chúa giáo. Nhưng chúng tôi đề nghị chỉ thảo luận về những đảng xã hội chủ nghĩa theo đường lối marxist, không nghi ngờ gì nữa, đấy chính là những đảng xã hội chủ nghĩa quan trọng nhất. Marx và những người kế tục ông có thái độ thực sự nghiêm túc đối với chủ nghĩa xã hội. Marx bác bỏ tất cả những biện pháp mà các đảng đấu tranh đòi đặc quyền đặc lợi - nhân danh các nhóm và các giai tầng trong xã hội - kiến nghị. Ông không bao giờ tỏ ra nghi ngờ giá trị những luận cứ của phe dân chủ khi phe này cho rằng những hành động can thiệp như thế chỉ dẫn tới kết quả là năng suất lao động sẽ giảm. Khi suy nghĩ, viết và nói một cách nhất quán, ông đều giữ quan điểm cho rằng mọi hành động can thiệp của chính phủ hoặc của các tổ chức xã hội có lực lượng cưỡng chế khác nhằm thay đổi cơ chế của hệ thống tư bản chủ nghĩa đều là những hành động vô nghĩa, vì chúng không dẫn đến những kết quả mà họ kì vọng, ngược lại, chúng sẽ chỉ làm giảm hiệu suất của nền kinh tế. Marx muốn đưa giai cấp công nhân vào cuộc đấu tranh nhằm thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải nhằm giành một số đặc quyền đặc lợi trong lòng xã hội dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Marx muốn một đảng lao động xã hội chủ nghĩa, chứ không phải đảng tiểu-tư sản nhắm vào những cải cách vụn vặt, như ông nói.

Marx, do lòng trung thành mù quáng đối với những định kiến xuất phát từ hệ thống triết học kinh viện của chính mình, đã không thể nhìn thấy những sự thực như chúng vốn là. Ông nghĩ rằng những người công nhân, được những tác gia dưới ảnh hưởng của ông tổ chức thành đảng "xã hội chủ nghĩa", sẽ bình tĩnh quan sát quá trình tiến hóa của hệ thống tư bản theo đúng như học thuyết và sẽ không trì hoãn cái ngày chủ nghĩa tư bản hoàn toàn chín muồi cho sự tước đoạt những kẻ từng tước đoạt và "biến thành" chủ nghĩa xã hội. Ông không thấy rằng các đảng lao động, cũng như các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi xuất hiện nhan nhản khắp nơi, trong khi về nguyên tắc họ chấp nhận cương lĩnh xã hội chủ nghĩa, nhưng trong chính sách cụ thể họ lại chỉ quan tâm đến việc giành đặc quyền đặc lợi ngay trước mắt cho giai cấp công nhân. Lí thuyết của Marx về sự thống nhất lợi ích của giai cấp công nhân toàn thế giới lại nhắm đến những mục đích hoàn toàn khác. Nó đã giúp một số nhóm công nhân che đậy một cách cực kì khéo léo cho thực tế là những nhóm công nhân khác phải trả giá cho chiến thắng của họ. Điều đó có nghĩa là trong lĩnh vực lập pháp "vì người lao động" cũng như trong những cuộc đấu tranh của các tổ chức công đoàn, lợi ích của người vô sản không bao giờ trùng nhau. Về khía cạnh này, học thuyết marxist cũng có ích cho các đảng đấu tranh cho đặc quyền đặc lợi của giai cấp công nhân y như tôn giáo đã giúp ích cho đảng trung dung và các đảng phái khác của các giáo sĩ ở Đức, hay tinh thần dân tộc đã giúp cho các đảng mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, hay luận điểm cho rằng lợi ích của những người sản xuất nông nghiệp là giống nhau đã giúp ích cho các đảng nông dân, hay học thuyết về tính tất yếu của các sắc thuế nhằm bảo vệ lao động trong nước đã giúp ích cho các đảng theo đuổi chính sách bảo hộ nền sản xuất nội địa. Các đảng dân chủ xã hội càng phát triển thì ảnh hưởng của phong trào công đoàn - đấy là nói ngay trong nội bộ các đảng đó - càng gia tăng, và các đảng đó ngày càng giống như tổ chức công đoàn, tức là tổ chức coi mọi vấn đề chỉ là hạn chế số thành viên và tăng lương cho người của mình.

Chủ nghĩa tự do chẳng có gì chung với những đảng phái này. Nó đứng trên cực đối lập với tất cả các đảng phái đó. Nó không hứa mang đến cho bất kì ai bất cứ ưu tiên ưu đãi nào. Nhằm bảo vệ xã hội, nó đòi hỏi mọi người phải hi sinh. Nhưng hi sinh như thế - đúng hơn phải nói là hi sinh những lợi ích trực tiếp - dĩ nhiên chỉ là tạm thời, và sẽ được đền bù bằng những lợi ích lớn hơn và lâu dài hơn. Tuy nhiên, hiện thời đấy đúng là hi sinh. Vì vậy, ngay từ đầu, trong cuộc đấu tranh với các đảng phái khác, chủ nghĩa tự do đã nằm trong hoàn cảnh đặc biệt. Ứng cử viên của các đảng phái bài chủ nghĩa tự do hứa mang lại cho mỗi nhóm cử tri đặc quyền đặc lợi khác nhau: người sản xuất bán được giá cao, còn người tiêu dùng thì được mua với giá thấp; quan chức được hưởng lương cao, còn người đóng thuế thì đóng thấp. Anh ta sẵn sàng đồng ý với mọi chi tiêu lấy từ ngân sách quốc gia hay từ túi người giàu. Anh ta chẳng coi nhóm nào là quá nhỏ, và sẵn sàng tìm sự ủng hộ của họ bằng cách lấy tiền nhà nước để mua quà tặng cho họ. Còn ứng cử viên của đảng tự do thì chỉ có thể nói với tất cả cử tri rằng tìm kiếm đặc quyền đặc lợi là hành động phản xã hội.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh