Chủ nghĩa Tự do cá nhân  (Phần 1)

Chủ nghĩa Tự do cá nhân (Phần 1)

Các nhà tự do cá nhân tin rằng cá nhân là tối cao, chứ không phải nhà nước hay bất cứ tổ chức nào. Họ tin tưởng vào sự tự do tiêu cực, tức tự do khỏi sự can thiệp từ bên ngoài. Thúc đẩy sở hữu tư nhân và tự do kinh tế thực chất là tôn trọng cho tự do cá nhân. Trật tự xã hội không mâu thuẫn với tự do cá nhân mà phát triển từ tự do cá nhân. Việc sử dụng sự ép buộc duy nhất hợp pháp là để tự vệ hay hiệu chỉnh sự sai lầm. Chính quyền bị ràng buộc bởi các quyên tắc đạo đức tương tự như cá nhân. Hành động của chính quyền bị coi là bất hợp pháp khi sử dụng sự ép buộc để cướp bóc, gây hấn, tái phân phối, và các mục đích khác nằm ngoài việc bảo vệ tự do cá nhân.

Những người tự do cá nhân tin rằng hầu hết các chính sách đang được thực hiện bởi nhà nước nên hoặc bị bãi bỏ hoặc chuyển cho tư nhân. Phiên bản nổi tiếng nhất của kết luận này được trình bày trong các lý thuyết về “nhà nước tối thiểu” của Robert Nozick, Ayn Rand, và những người khác. Theo đó, họ cho rằng nhà nước có thể cung cấp một cách hợp pháp các dịch vụ cảnh sát, tòa án, và quân đội, ngoài ra không còn gì khác. Bất cứ các chính sách nào của nhà nước như: kiểm soát hay ngăn cấm việc buôn bán, và sử dụng thuốc cấm, nhập ngũ bắt buộc, thuế để hỗ trợ người nghèo, và thậm chí xây dựng các con đường công cộng… là vi phạm các quyền (cá nhân) và do đó là bất hợp pháp.

Chủ nghĩa tự do cá nhân khác với chủ nghĩa tư bản vô chính phủ và chủ nghĩa tự do cổ điển. Những người theo chủ nghĩa tư bản vô chính phủ tin rằng ngay cả nhà nước tối thiểu là quá lớn, và sự tôn trọng đúng đắn cho các quyền cá nhân đòi hỏi loại bỏ hoàn toàn nhà nước và việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ sẽ được dành cho thị trường tư nhân. Trong khi đó, những người tin theo chủ nghĩa tự do cổ điển, trong khi chia sẻ niềm tin vào thị trường tự do, cũng như sự bi quan về quyền lực của chính phủ với chủ nghĩa tự do cá nhân, họ sẵn sàng cho phép một phạm vi lớn hơn cho các hoạt động mang tính cưỡng bức của nhà nước, như cung cấp các tiện ích chung hay thậm chí tái phân phối ở một mức độ giới hạn nào đó.

Sự đa dạng của các lý thuyết tự do cá nhân

Chủ nghĩa tự do cá nhân là một lý thuyết về vai trò đúng đắn của chính quyền, vai trò này có thể dựa trên các nền tảng khác nhau như: siêu hình học, nhận thức luận, hay đạo đức học. Một số nhà tự do cá nhân là người hữu thần, tức họ tin rằng lý thuyết bắt nguồn từ luật tự nhiên. Trong khi những người khác lại là người vô thần, tức tin rằng lý thuyết có thể được xây dựng trên các cơ sở thuần túy thế tục. Một số nhà tự do cá nhân là người theo chủ nghĩa duy lý, tức tin rằng có thể rút ra các kết luận tự do cá nhân từ các tiền đề đầu tiên. Những người khác lại rút ra các kết luận tự do cá nhân trên cơ sở những sự khái quát hóa kinh nghiệm… Một số nhà tự do cá nhân là những người theo thuyết vị kỉ, tức tin rằng cá nhân không có bổn phận tự nhiên phải giúp đỡ người khác, trong khi những người khác lại tin tưởng vào một nguyên tắc đạo đức nào đó trong đó khẳng định rằng những người giàu có hơn có bổn phận giúp đỡ những người nghèo khó hơn. Một số nhà tự do cá nhân là người theo thuyết nghĩa vụ, trong khi những người khác là người theo thuyết kết quả, thuyết khế ước… Bài này tập trung chủ yếu vào ba phiên bản của chủ nghĩa tự do cá nhân: chủ nghĩa tự do cá nhân quyền tự nhiên, chủ nghĩa tự do cá nhân kết quả, và chủ nghĩa tư bản vô chính phủ.

Chủ nghĩa tự do cá nhân dựa trên nền tảng quyền tự nhiên

Chắc chắn đây là phiên bản nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất, ít nhất, là giữa các triết gia hàn lâm, nó đặt cơ sở trên lý thuyết về quyền tự nhiên. Các lý thuyết về quyền tự nhiên khá đa dạng, nhưng thống nhất ở một niềm tin chung là cá nhân có một số quyền đạo đức nào đó đơn giản bởi vì họ là con người. Và những quyền này tồn tại trước và độc lập với sự tồn tại của chính quyền, nó quy định cách thức, sự cho phép về mặt đạo đức, cho các cá nhân khác hay chính quyền khi đối xử với những con người cá nhân.

Các nguồn gốc lịch sử: Locke

Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy một số dấu vết của học thuyết này ở những người chủ chương bình đẳng ở Anh (Levellers) hay trường phái Salamanca ở Tây Ban Nha, song tư tưởng chính trị của John Locke thường được coi là nguồn ảnh hưởng quan trọng nhất đối với phiên bản chủ nghĩa tự do dựa trên quyền tự nhiên đương đại. Các yếu tố quan trọng nhất trong lý thuyết của Locke, được phác thảo ra trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền là: niềm tin của ông về luật tự nhiên, và học thuyết của ông về quyền tư hữu đối với tài sản bên ngoài (bản thân con người).

Ý tưởng của Locke về luật tự nhiên đề ra một sự phân biệt giữa luật và chính quyền, và sự phân biệt này có một sự ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển của tư tưởng tự do cá nhân. Theo Locke, ngay cả khi chính quyền không tồn tại, thì trạng thái tự nhiên không phải là trạng thái “phóng túng bừa bãi”. Nói cách khác, con người vẫn bị cai trị bởi luật, mặc dù luật này không có bất cứ nguồn gốc chính trị nào. Luật này, mà Locke gọi là “luật tự nhiên”, cho rằng “mọi người bình đẳng và độc lập, không ai có quyền làm tổn hại đến tính mạng, sự tự do, hay tài sản của người khác”. Luật tự nhiên này có chức năng là một tiêu chuẩn quy phạm (quy định con người phải làm gì) trong việc quản lý hành vi con người. Và Locke tin rằng luật này có thể khám phá ra bằng lý tính con người, và với tư cách là con người duy lý, nó ràng buộc lên tất cả chúng ta như nhau.

Niềm tin của Locke vào sự ngăn cấm làm tổn hại đến người khác bắt nguồn từ một niềm tin cơ bản hơn đó là mỗi cá nhân “có quyền sở hữu đối với chính anh ta”. Nói cách khác, cá nhân là ông chủ của mình. Nguyên tắc này có một ảnh hưởng to lớn đối với các nhà tư tưởng tự do cá nhân sau đó, và nó còn được gọi là “nguyên tắc tự sở hữu”. Dù còn nhiều tranh cãi, song mọi người thừa nhận nó hàm ý rằng mỗi cá nhân sở hữu đối với thân thể của anh ta, tuy nhiên vấn đề là làm sao anh ta lại có quyền sở hữu những thứ bên ngoài anh ta như cây cối, đất đai… Locke cho rằng chúng ta phải có một cách nào đó để có thể sở hữu những tài sản bên ngoài này, nếu không thì không ai có thể sử dụng chúng. Locke cho rằng, đó là vì chúng ta sở hữu chính mình, nên chúng ta sở hữu sức lao động của mình. Và bằng cách “trộn” sức lao động của chúng ta với những tài sản bên ngoài, chúng ta đi đến sở hữu những thứ này. Điều này cho phép cá nhân tư nhân hóa thế giới mà Thượng đế ban đầu đã ban chung cho họ. Tuy nhiên, có một giới hạn đối với sự chiếm hữu các tài sản bên ngoài cho sự sử dụng tư nhân, mà Locke thể hiện trong “mệnh đề” nổi tiếng của mình là: một hành động chiếm hữu là hợp pháp khi còn để lại “đủ và tốt… cho người khác”. Tuy nhiên, ngay cả với sự giới hạn này, thì theo thời gian, sự kế thừa, khả năng, động cơ, sự may mắn… sẽ dẫn đến một sự bất bình đẳng lớn về tài sản giữa con người, và Locke cho rằng điều này là một hệ quả chấp nhận được của học thuyết của ông.

Các quyền tự nhiên đương đại: Nozick

Cho đến nay, người có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với nhận thức về chủ nghĩa tự do cá nhân trong giới hàn lâm là Robert Nozick, với tác phẩm Vô chính phủ, nhà nước, và không tưởng (1974). Cuốn sách này, vốn là một sự giải thích và khảo sát tỉ mỉ về các quyền tự do cá nhân, cố gắng cho thấy rằng: làm thế nào mà một nhà nước tối thiểu, và không lớn hơn tối thiểu, xuất hiện thông qua tiến trình “bàn tay vô hình” từ một trạng thái tự nhiên, lại không vi phạm các quyền của cá nhân; đồng thời đáp trả lại các tuyên bố cực kì ảnh hưởng của John Rawls, vốn cho rằng một nhà nước lớn hơn nhà nước tối thiểu là có thể được bảo chữa; và cuối cùng cho thấy rằng một chế độ cai trị với các quyền tự do cá nhân có thể thiết lập một “khuôn khổ cho các thử nghiệm không tưởng” trong đó các cá nhân khác nhau có thể tự do tìm kiếm và tạo ra các thiết chế trung gian (giữa nhà nước và cá nhân) để giúp cho anh ta thành tựu được tầm nhìn riêng của mình về một đời sống tốt lành.
Chi tiết về các luận điểm của Nozick có thể tìm thấy trong bài Robert Nozick. Ở đây, chúng ta chỉ trình bày tóm tắt một số yếu tố quan trọng trong tư tưởng chính trị của Nozick: sự tập trung của ông vào mặt “tiêu cực” của tự do và quyền, sự bảo vệ kiểu Kant của ông đối với các quyền, lý thuyết về quyền sở hữu trên cơ sở lịch sử của ông, và sự chấp nhận của ông đối với mệnh đề kiểu Locke nhưng đã được điều chỉnh cho việc chiếm hữu tài sản. Thảo luận của ông về nhà nước tối thiểu được bàn trong phần về chủ nghĩa tư bản – vô chính phủ ở bên dưới.

Đầu tiên, Nozick, giống như hầu hết các nhà tư tưởng tự do cá nhân quyền tự nhiên, đề cao các tự do và các quyền tiêu cực so với các tự do và các quyền tích cực. Sự phân biệt giữa tự do tích cực và tiêu cực, vốn được đưa ra bởi Berlin, thường được nghĩ về như là sự phân biệt giữa “tự do để” và “tự do khỏi”. Một người có sự tự do tích cực khi anh ta có cơ hội và khả năng để làm điều anh ta mong muốn (hoặc có lẽ, điều mà anh ta mong muốn “một cách duy lý”, hay “phải” mong muốn). Mặt khác, một người có sự tự do tiêu cực khi không có mặt sự can thiệp từ bên ngoài đối với việc anh ta đang làm cái anh ta muốn – đặc biệt, khi không có sự can thiệp từ bên ngoài của người khác. Một người quá ốm yếu không thể lấy thức ăn vẫn có sự tự do tiêu cực đầy đủ - nhưng không có sự tự do tích cực vì anh ta không thể lấy thức ăn dù anh ta muốn làm như vậy. Nozick và hầu hết các nhà tự do cá nhân cho rằng vai trò thích hợp của nhà nước là bảo vệ sự tự do tiêu cực, chứ không phải là đi thúc đẩy sự tự do tích cực, và trên cơ sở này Nozick tập trung vào các quyền tiêu cực, cũng như phản đối các quyền tích cực. Các quyền tiêu cực là các yêu sách (đòi hỏi) bắt người khác kiềm chế không hành động một số dạng hành động mà chống lại bạn. Các quyền tích cực là các yêu sách bắt người khác thực hiện một số dạng hành động tích cực. Ví dụ, quyền phản đối sự hành hung là quyền tiêu cực, vì chúng đơn giản đòi hỏi người khác không hành hung bạn. Mặt khác, các quyền phúc lợi là các quyền tích cực vì chúng đòi hỏi người khác phải cung cấp cho bạn tiềm hay các dịch vụ. Bằng cách củng cố các quyền tiêu cực, nhà nước bảo vệ sự tự do tiêu cực của chúng ta. Có một câu hỏi là liệu việc củng cố đơn thuần các quyền tự do tiêu cực, như các triết gia tự do cánh tả muốn thúc đẩy, hay củng cố một sự trộn lẫn giữa các quyền tự do tiêu cực và các quyền tích cực sẽ thúc đẩy tốt hơn sự tự do tiêu cực.

Thứ hai, trong khi Nozick đồng ý với bức tranh kiểu Locke về nội dung và tính độc lập (với chính quyền) của luật tự nhiên và quyền tự nhiên, thì sự bảo vệ của ông đối với các quyền này lại lấy cơ sở của nó từ Immanuel Kant hơn là từ Locke. Nozick không cung cấp lý lẽ đủ mạnh để biện minh cho các quyền tự do cá nhân chống lại các lý thuyết về quyền khác không thuộc khuôn khổ của tư tưởng tự do cá nhân – một điều mà ông đã chịu nhiều sự chỉ trích, mà nổi tiếng nhất là từ Thomas Nagel. Nhưng những gì mà ông muốn nói trong sự bảo vệ của ông đối với các quyền tự do cá nhân cho thấy rằng ông xem các quyền tự do cá nhân là một sự kế thừa từ một yếu tố trong sự hình thành Mệnh lệnh nhất quyết thứ hai của Kant - đó là: chúng ta đối xử với con người (chúng ta và người khác) như là các các mục đích tự thân, không bao giờ chỉ đơn thuần như là các phương tiện (cho chúng ta hay người khác sử dụng). Theo Nozick, cả thuyết công lợi và các lý thuyết mà củng cố các quyền tự do tích cực, cho phép sự hi sinh không tự nguyện các lợi ích của một cá nhân cho các mục đích của cá nhân khác. Chỉ các quyền tự do cá nhân, mà đối với Nozick, trong hình thức của một sự kiềm chế tuyệt đối chống lại bao lực và lừa dối, mới cho thấy sự tôn trọng đúng mức đối với tính cá biệt của con người khi khước từ một sự hi sinh như vậy, và cho phép mỗi cá nhân tự do theo đuổi các mục tiêu của mình mà không chịu sự can thiệp.

Thứ ba, một điều quan trọng cần lưu ý là, chủ nghĩa tự do cá nhân của Nozick đánh giá tính công bằng của các vấn đề, như phân phối tài sản dựa vào quá trình hay lịch Sử mà nó xuất hiện, mà không phải dựa vào mức độ mà nó thỏa mãn điều mà ông gọi là nguyên tắc công bằng khuôn mẫu. Theo Nozick, sự phân phối tài sản là công bằng khi chúng phát sinh từ một sự phân phối công bằng trước đó thông qua các phương thức công bằng. Để biết được tính công bằng của sự phân phối hiện tại đòi hỏi chúng ta phải thiết lập một lý thuyết về công bằng trong việc trao đổi – cho chúng ta biết phương thức nào là sự trao đổi tài sản hợp pháp giữa con người – và một lý thuyết công bằng về sự chiếm hữu – cho chúng ta biết làm thế nào cá nhân đi đến chiếm hữu các tài sản bên ngoài mà trước đó không ai sở hữu. Dù Nozick không phát triển một cách hoàn chỉnh các lý thuyết này, song lập trường chính của ông rất có ý nghĩa, vì nó chỉ ra rằng chỉ một phả hệ (pedigree) lịch sử đúng đắn mới làm cho một sự phân phối là công bằng, và những sự chệch khỏi phả hệ đúng đắn này khiến cho sự phân phối là không công bằng. Một hàm ý trong quan điểm này là bạn không thể nhìn vào một mình số liệu thống kê – chỉ một số ít người giàu kiểm soát 80% tài sản của nước Mỹ - kết luận rằng một sự phân phối như vậy là không công bằng. Thay vào đó, tính công bằng của một sự phân phối phụ thuộc vào việc sự phân phối đó được thực hiện như thế nào – bởi bạo lực hay bởi thương mạng? Bởi mức độ khác nhau về sự làm việc chăm chỉ và may mắn? Hay bởi lừa đảo và trộm cắp? Do đó nằm ở trung tâm về mặt lịch sử của chủ nghĩa tự do cá nhân là một nguyên tắc chống lại: quan điểm quân bình – về kết quả, vốn cho rằng chỉ những sự phân phối bình đẳng là công bằng, quan điểm công lợi, vốn cho rằng sự phân phối là công bằng khi nó tối đa hóa hóa công lợi, và quan điểm ưu tiên, vốn cho rằng sự phân phối là công bằng khi chúng mang lại lợi ích cho những người có hoàn cảnh kém thuận lợi. Sự công bằng trong phân phối nằm ở sự tôn trọng các quyền của con người, mà không phải là để đạt được một kết quả nào đó.

Yếu tố cuối cùng trong tư tưởng của Nozick là việc ông chấp nhận phiên bản sửa đổi của mệnh đề của Locke là một phần trong lý thuyết về sự chiếm hữu công bằng của ông. Nozick điều chỉnh yêu sách của Locke rằng hành động chiếm hữu là hợp pháp khi để lại đủ và tốt cho người khác thành yêu sách rằng sự chiếm hữu phải không được làm xấu đi tình trạng của người khác. Thoạt nhìn, điều này dường như chỉ là một sự thay đổi nhỏ so với phát biểu ban đầu của Locke, nhưng Nozick tin rằng nó cho phép một sự tự do lớn hơn cho việc tự do trao đổi và chủ nghĩa tư bản. Nozick đạt được kết luận này trên cơ sở của một số niềm tin dựa trên kinh nghiệm về ảnh hưởng tích cực của sở hữu tư nhân. 

Sở hữu tư nhân làm gia tăng sản lượng xã hội bằng cách đặt các phương tiện sản xuất vào trong tay của những người có thể sử dụng chúng hiệu quả nhất; sự thử nghiệm được khuyến khích, bởi vì các nguồn lực do các cá nhân riêng biệt kiểm soát, anh ta không phải xin phép ai, hay nhóm nào để tiến hành thử nghiệm một ý tưởng mới; sở hữu tư nhân bảo vệ con người tương lai bằng cách khiến một số người đi đến giữ lại một số nguồn lực từ sự tiêu dùng hiện tại cho thị trường tương lai…

Nếu những điều này đúng, thì mọi người sẽ không bị làm cho khốn khó thêm bởi hành động chiếm hữu ban đầu ngay cả khi những hành động này không để lại đủ và tốt cho người khác chiếm hữu. Sở hữu tư nhân và thị trường tư bản chủ nghĩa tạo ra sự sung túc, và những người đến sau trò chơi chiếm hữu (như chúng ta hiện nay) ở trong một hoàn cảnh tốn hơn nhiều. Như David Schmidtz chỉ ra:

Sự chiếm hữu ban đầu làm giảm bớt nguồn (kho) của những gì có thể được chiếm hữu ban đầu, ít nhất là trong trường hợp của đất đai, nhưng điều này không có nghĩa là sẽ làm giảm bớt nguồn (kho dự trữ) của những gì mà chúng ta có thể sở hữu. Trái lại, khi tiến hành kiểm soát các nguồn lực và do đó di chuyển những nguồn lực cụ thể này khỏi nguồn (kho) tài sản, mà có thể đạt được bởi sự chiếm hữu ban đầu, mọi người tạo ra một sự gia tăng nguồn (kho) tài sản, mà có thể đạt được thông qua thương mại. Bài học là sự chiếm hữu không phải là cuộc chơi tổng lợi ích không thay đổi (zero – sum). Nó là một cuộc chơi tổng lợi ích tăng lên (positive – sum). 

Về mức độ thịnh vượng trong một thế giới mà không có gì để chiếm hữu tư nhân, thì cá nhân nhìn chung không bị làm cho tồi tệ hơn bởi hành động chiếm hữu tư nhân. Do đó, Nozick kết luận rằng, mệnh đề của Locke sẽ “không cung cấp một cơ hội cho các hành động trong tương lai của nhà nước” trong dạng thức của một sự tái phân phối hay điều tiết tài sản tư nhân.

(Còn nữa)

Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Libertarianism

Nguồn: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó

Dịch giả:
Minh Anh