[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 4: Dân chủ là gì?

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 4: Dân chủ là gì?

Tất cả chúng ta đều có những mục tiêu mà chúng ta không thể tự làm một mình. Nhưng, thông qua quá trình hợp tác với những người chia sẻ những mục đích tương tự, chúng ta có thể giành được một số mục tiêu của mình.

Giả sử rằng muốn thực hiện một số mục đích chung nhất định nào đó, bạn và vài trăm người khác thỏa thuận thành lập một hiệp hội. Xin để sang một bên những mục đích đặc thù của hiệp hội, để tập trung chú ý vào vào câu hỏi do đầu đề của chương này đặt ra: Dân chủ là gì?

Giả sử thêm rằng ngay tại buổi họp đầu tiên một vài thành viên đề nghị là hiệp hội của bạn cần một bản hiến chương. Quan điểm của họ được mọi người tán thành. Vì mọi người nghĩ rằng bạn có kiến thức về những vấn đề như thế, một thành viên đề nghị mời bạn chấp bút bản hiến chương, kì họp sau bạn sẽ mang tới cho các thành viên xem xét. Mọi người vỗ tay hoan hô.

Khi nhận nhiệm vụ bạn có thể nói đại khái như sau đây:

“Tôi tin rằng tôi hiểu những mục tiêu mà chúng ta cùng chia sẻ, nhưng tôi không biết cách thức ban hành quyết định của chúng ta. Thí dụ, chúng ta có muốn là hiến chương giao cho một vài người có khả năng nhất và thông thạo nhất quyền đưa ra tất cả những quyết định quan trọng hay không? Cách này không những bảo đảm có những quyết định khôn ngoan hơn mà còn giúp cho những người khác tiết kiệm được thời giờ và công sức nữa”.

Tuyệt đại đa số bác bỏ giải pháp này. Một thành viên, mà tôi sẽ gọi là Phát ngôn viên chính, tranh luận:

“Nói về những vấn đề quan trọng nhất mà hiệp hội này sẽ xử lí thì không ai trong chúng ta là khôn ngoan hơn hẳn những người khác đến mức quan điểm của anh ta hay chị ta nghiễm nhiên có quyền giữ thế thượng phong. Nếu một số người có thể biết nhiều hơn về một vấn đề nào đó tại một thời điểm nào đó, thì tất cả chúng ta cũng đều có khả năng học hỏi những thứ chúng ta cần biết. Tất nhiên là chúng ta sẽ cần thảo luận và bàn bạc trước khi quyết định. Bàn bạc và thảo luận rồi mới quyết định chính sách là một trong những lí do vì sao chúng ta thành lập hiệp hội này. Nhưng tất cả chúng ta đều có quyền tham gia như nhau vào quá trình thảo luận các vấn đề và rồi sau đó quyết định các chính sách mà hiệp hội của chúng ta nên theo. Do đó, hiến chương của chúng ta phải dựa trên giả thiết như thế. Nó phải bảo đảm rằng tất cả chúng ta đều có quyền tham gia trong việc ban hành quyết định của hiệp hội. Nói một cách đơn giản, bởi vì tất cả chúng ta đều bình đẳng, chúng ta phải tự quản theo lối dân chủ”.

Thảo luận thêm cho thấy rằng quan điểm do Phát ngôn viên chính đưa ra phù hợp với quan điểm của đa số. Sau đó bạn đồng ý chấp bút bản hiến chương phù hợp với những giả định này.

Nhưng vừa bắt tay vào làm nhiệm vụ, bạn lập tức phát hiện ra rằng các hiệp hội và tổ chức khác nhau tự gọi là “dân chủ” đã thông qua nhiều hiến chương khác nhau. Ngay cả trong những nước “dân chủ”, bạn cũng thấy những hiến pháp khác nhau về nhiều vấn đề quan trọng. Thí dụ như hiến pháp của Hoa Kì qui định chức vụ tổng thống, đứng đầu ngành hành pháp, là một người đầy quyền lực và đồng thời ngành lập pháp, tức là quốc hội cũng có nhiều quyền lực như thế: mỗi nhánh này lại tương đối độc lập với nhánh kia. Ngược lại, hầu hết các nước châu Âu thích một hệ thống nghị viện, trong đó người đứng đầu ngành hành pháp, tức là thủ tướng, do quốc hội bầu. Có thể dễ dàng chỉ ra nhiều khác biệt quan trọng khác. Như vậy là không có một hiến pháp “dân chủ” duy nhất (tôi sẽ quay lại vấn đề này trong chương 10).

Bây giờ bạn bắt đầu tự hỏi: liệu những bản hiến pháp khác nhau này có gì chung, có thể biện minh cho lời tuyên bố rằng đấy là những bản hiến pháp “dân chủ” hay không. Một số bản hiến pháp có “dân chủ” hơn những bản hiến pháp khác hay không? Dân chủ có nghĩa là gì? Than ôi, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng thuật ngữ này được sử dụng theo nhiều cách đến mức có thể làm người ta bối rối. Bạn quyết định một cách khôn ngoan là bỏ qua những định nghĩa khác nhau rối rắm này, vì bạn có nhiệm vụ cụ thể hơn: thiết kế một tập hợp các quy định và nguyên tắc, tức là một bản hiến chương, ấn định cách thức thông qua quyết định của hiệp hội. Và bản hiến chương của bạn phải phù hợp với một nguyên lí sơ đẳng: mọi thành viên phải được đối xử (theo hiến chương) như những người bình đẳng trong việc tham vào quá trình thông qua quyết định về những chính sách mà hiệp hội sẽ đi theo. Dù những vấn đề khác có như thế nào đi nữa thì trong quá trình cai quản hiệp hội, tất cả các thành viên đều phải được coi là bình đẳng về mặt chính trị.

NHỮNG TIÊU CHÍ CHO TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ

Trong một mớ bùng nhùng và nhiều khi không thể nào xâm nhập nổi của những tư tưởng về dân chủ, liệu có thể nhận dạng được một số tiêu chí mà quá trình cai quản một hiệp hội phải hội đủ nếu muốn nói rằng nó đáp yêu cầu là tất cả các thành viên đều có quyền tham gia một cách bình đẳng trong việc thông qua quyết định của hiệp hội về những chính sách của nó hay không? Tôi tin rằng ít nhất có năm tiêu chí như thế (hình 4).

Tham gia một cách hiệu quả. Mọi thành viên đều phải có cơ hội trình bày một cách bình đẳng và hiệu quả quan điểm của mình về một chính sách nào đó trước khi chính sách đó được hiệp hội thông qua.

Bình đẳng trong quá trình bỏ phiếu. Cuối cùng, khi quyết định chính sách, mọi thành viên đều phải có cơ hội bình đẳng và hữu hiệu trong việc bỏ phiếu, và tất cả các lá phiếu đều phải được được coi là có giá trị như nhau.

Hiểu biết thấu đáo. Trong khuôn khổ chấp nhận được về mặt thời gian, mỗi thành viên đều phải có những cơ hội bình đẳng và hữu hiệu để tìm hiểu những chính sách có thể được lựa chọn và những hậu quả mà chúng có thể gây ra.

Kiểm soát chương trình nghị sự. Các thành viên phải có cơ hội quyết định những vấn đề sẽ được trình bày như thế nào và nếu họ chọn, thì những vấn đề nào sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Như vậy là tiến trình dân chủ đáp ứng ba tiêu chí bên trên không phải là tiến trình đóng. Các thành viên có thể thay đổi chính sách của hiệp hội, nếu họ muốn.

Bao gồm những người đã trưởng thành. Tất cả hoặc hầu hết những thường trú nhân đã trưởng thành đều có tất cả quyền công dân ngụ ý bằng bốn tiêu chí trên đây. Trước thế kỉ XX, hầu hết những người cổ vũ cho chế độ dân chủ không chấp nhận tiêu chí thứ năm này. Muốn biện hộ cho nó, chúng ta phải xem xét tại sao chúng ta cần đối xử với người khác như là những người bình đẳng với chúng ta về mặt chính trị. Sau khi chúng ta khảo sát vấn đề này trong các chương 6 và 7, tôi sẽ quay trở lại với tiêu chí này.

HÌNH 4. Dân chủ là gì?

Dân chủ tạo cơ hội cho:

  1. Tham gia một cách hiệu quả
  2. Bình đẳng trong quá trình bỏ phiếu
  3. Hiểu biết thấu đáo
  4. Kiểm soát chương trình nghị sự
  5. Bao gồm những người đã trưởng thành

 

Trong khi đó, bạn có thể bắt đầu tự hỏi phải chăng bốn tiêu chí đầu tiên chỉ là sự lựa chọn khá tuỳ tiện từ nhiều tiêu chí khả dĩ khác. Chúng ta có những lí do vững chắc để áp dụng những tiêu chuẩn cụ thể này cho tiến trình dân chủ hay không?

TẠI SAO LẠI LÀ NHỮNG TIÊU CHÍ NÀY?

Câu trả lời ngắn gọn chỉ đơn giản là như thế này: muốn cho tất cả các thành viên (dù có bao nhiêu người đi chăng nữa) đều bình đẳng về mặt chính trị trong quá trình quyết định những chính sách của hiệp hội thì đây là những tiêu chí cần thiết. Nói cách khác, chỉ cần một đòi hỏi bất kì bị vi phạm thì các thành viên sẽ không còn bình đẳng về mặt chính trị nữa.

Thí dụ, nếu một số thành viên có cơ hội trình bày quan điểm của họ hơn những người khác thì có nhiều khả năng là chính sách do họ đề xuất sẽ giữ thế thượng phong. Trong trường hợp xấu nhất, một nhóm nhỏ thành viên - bằng cách tước đoạt cơ hội thảo luận các đề xuất trong chương trình nghị sự - trên thực tế, có thể định đoạt các chính sách của hiệp hội. Tiêu chí về tham gia một cách hiệu quả là nhằm chống lại kết cục như thế.

Hay giả sử là những lá phiếu của các thành viên khác nhau có giá trị khác nhau. Thí dụ như phiếu có giá trị tỉ lệ thuận với số tài sản của thành viên và các thành viên có sở hữu tài sản rất khác nhau. Nếu chúng ta tin rằng tất cả các thành viên đều bình đẳng trong việc tham gia vào những quyết định của hiệp hội, thì tại sao phiếu của một số người lại có giá trị hơn phiếu của các những người khác?

Mặc dù hai tiêu chí đầu gần như là hiển nhiên, bạn có thể tự hỏi liệu có cần tiêu chí về sự hiểu biết thấu đáo hoặc tiêu chí này có phù hợp hay không. Nếu các thành viên đều bình đẳng, thì tại sao lại cần tiêu chí này? Và nếu các thành viên không phải là những người bình đẳng với nhau thì tại sao lại thiết kế một bản hiến chương với giả thiết rằng họ là những người bình đẳng?

Nhưng, như Phát ngôn viên chính đã nói, nguyên lí về bình đẳng chính trị giả thiết rằng tất cả thành viên đều hoàn toàn bình đẳng trong việc tham gia vào những quyết định miễn là họ có đầy đủ cơ hội để học hỏi – bằng cách tìm hiểu, bàn luận và thảo luận - những vấn đề đặt ra trước hiệp hội. Tiêu chí thứ ba nhằm đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều có những cơ hội như thế. Bản chất của nó đã được ông Pericles, một nhà lãnh đạo Athens nói tới trong một bài điếu văn nổi tiếng nhằm tưởng niệm các chiến sĩ trận vong vào năm 431 trước Công nguyên. “Mặc dù bận bịu với nghề nghiệp của mình, những người công dân bình thường của chúng ta còn là những vị phán quan công bình về những vấn đề công cộng;… và không những không coi thảo luận là một chướng ngại đối với hành động, chúng ta cho rằng đấy là khởi đầu tuyệt đối cần thiết cho bất cứ hành động khôn ngoan nào.” 1

Gộp chung lại, ba tiêu chí đầu tiên có thể được coi là đầy đủ. Nhưng giả sử là một vài thành viên bí mật chống lại ý tưởng cho rằng mọi người phải được đối xử như là những người bình đẳng về mặt chính trị trong quá trình cai quản công việc của hiệp hội. Họ bảo bạn rằng quyền lợi của những người có những khối tài sản lớn nhất thực sự là quan trọng hơn rất nhiều so với những quyền lợi của những người khác. Họ cho rằng tốt nhất là gán cho phiếu của những người sở hữu khối tài sản lớn nhất giá trị lớn đến mức bao giờ họ cũng có thể thắng, dường như đây là vấn đề không cần tranh luận nữa. Do đó, cần phải có điều khoản quy định rằng bao giờ họ cũng giữ thế thượng phong dù trong một cuộc bỏ phiếu tự do và công bằng đa số thành viên có thể thông qua bất cứ điều gì.

Trong quá trình tìm kiếm một giải pháp thông minh, họ đề nghị một bản hiến chương đáp ứng được một cách trọn vẹn ba tiêu chí đầu và như vậy là dường như đã hoàn toàn dân chủ rồi. Nhưng, để vô hiệu hoá những tiêu chí này, họ lại đề nghị là tại những phiên họp toàn thể, các thành viên chỉ có thể thảo luận và bỏ phiếu về những vấn đề đã được ban chấp hành đưa vào chương trình nghị sự; còn thành viên của ban chấp hành lại chỉ gồm những người có trong tay những tài sản lớn nhất mà thôi. Bằng cách kiểm soát chương trình nghị sự, nhóm người ít ỏi này có thể tin chắc rằng hiệp hội sẽ không giờ có hành động đi ngược lại quyền lợi của họ, bởi vì nó sẽ không bao giờ cho phép đưa ra đề nghị có thể dẫn đến kết quả như thế.

Chỉ cần suy nghĩ một chút là bạn sẽ bác bỏ đề nghị của họ vì nó vi phạm nguyên tắc bình đẳng chính trị mà bạn có trách nhiệm phải giữ gìn. Bạn sẽ tìm kiếm những dàn xếp trong bản hiến chương sao cho nó sẽ đáp ứng được tiêu chí thứ tư và như thế là đảm bảo rằng toàn thể các thành viên đều có quyền kiểm soát tối hậu đối với chương trình nghị sự.

Như vậy là, muốn cho các thành viên là những người bình đẳng về mặt chính trị trong việc cai quản công việc hiệp hội thì bản hiến chương phải đáp ứng tất cả bốn tiêu chí. Dường như chúng ta đã khám phá được những tiêu chí mà hiệp hội phải đáp ứng nếu muốn nó được quản lí một cách dân chủ.

MỘT SỐ CÂU HỎI THEN CHỐT

Chúng ta đã trả lời câu hỏi “Dân chủ là gì?” hay chưa? Chả lẽ lại dễ trả lời đến thế! Mặc dù câu hỏi tôi vừa đưa ra là một khởi đầu tốt, nhưng nó lại nêu ra rất nhiều câu hỏi khác.

Nếu ngay cả khi những tiêu chí này có thể được áp dụng cho việc quản lí một hiệp hội tự nguyện, rất là nhỏ, thì có thể áp dụng chúng cho việc cai quản một nhà nước hay không?

Bàn về từ ngữ

Bởi vì thuật ngữ nhà nước thường được sử dụng một cách tùy tiện và mơ hồ, tôi xin nói một cách vắn tắt về ý nghĩa mà tôi dùng ở đây. Tôi dùng từ nhà nước để chỉ một loại hiệp hội đặc biệt, khác với các hiệp hội khác ở chỗ là nó có thể bảo đảm – bằng những phương tiện cưỡng chế đầy sức mạnh - rằng luật lệ của nó được những người nằm dưới quyền tài phán của nó tuân thủ. Khi người ta nói “chính quyền”, thì thường là họ muốn nói đến chính phủ của nhà nước có quyền tài phán đối với họ. Trong suốt chiều dài của lịch sử, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, nhà nước đã thi hành quyền tài phán đối với những người sống trên một vùng lãnh thổ xác định (hoặc trong một số trường hợp, chưa xác định hoặc còn trong vòng tranh chấp). Như vậy là, chúng ta có thể coi nhà nước như một thực thể trên một vùng lãnh thổ xác định. Mặc dù, trong một số giai đoạn và ở một số khu vực, lãnh thổ của nhà nước chỉ là một thành phố; nhưng trong những thế kỉ gần đây, nói chung, nhà nước đã tuyên bố quyền tài phán trên lãnh thổ của cả nước. Người ta có thể tìm ra nhiều thứ để phản bác cố gắng của tôi trong việc chuyển tải ý nghĩa của từ nhà nước. Cần phải đốn cả một khu rừng nhỏ mới sản xuất được đủ giấy để in các tác phẩm viết về nhà nước của các triết gia chuyên về lĩnh vực chính trị và pháp lí. Nhưng tôi tin rằng đối với mục đích của chúng ta thì như thế cũng đã đủ 2.

Xin trở lại câu hỏi của chúng ta. Có thể áp dụng những tiêu chí đó cho chính quyền của một quốc gia hay không? Dĩ nhiên là có! Thực vậy, từ lâu các tư tưởng dân chủ tập trung chú ý trước hết là vào nhà nước. Dù những kiểu hiệp hội khác, đặc biệt là một số tổ chức tôn giáo, sau này đã có một phần vai trò trong lịch sử của những tư tưởng và thực hành dân chủ; ngay từ khởi thủy, nền dân chủ ở Hi Lạp và La Mã cổ đại vốn là những định chế chính trị mà chúng ta thường nghĩ là đặc diểm của chế độ dân chủ đã phát triển triển trước hết như là phương tiện dân chủ hoá chính quyền nhà nước.

Có lẽ cần nhắc lại là, giống như các hiệp hội khác, chẳng có nhà nước nào có một chính phủ đáp ứng một cách trọn vẹn những tiêu chí của tiến trình dân chủ. Chưa có chính phủ nào có khả năng đó. Nhưng, tôi hi vọng sẽ chỉ ra rằng các tiêu chí đó cho ta những tiêu chuẩn có thể dễ dàng áp dụng trong việc xác định thành tựu và triển vọng của chính phủ dân chủ.

Câu hỏi thứ hai: Nghĩ rằng một lúc nào đó, một hiệp hội nào đó có thể đáp ứng trọn vẹn những tiêu chí này có phải là ý nghĩ thực tế hay không? Hỏi một cách khác, trên thực tế, có bao giờ, có một hiệp hội nào đó là dân chủ trọn vẹn hay không? Trong thế giới hiện thực, liệu có thể xảy ra là tất cả các thành viên của một hiệp hội sẽ thực sự có những cơ hội tham gia một cách bình đẳng, có hiểu biết đầy đủ về các vấn đề, và có ảnh hưởng đối với chương trình nghị sự?

Có lẽ là không. Nhưng nếu thế thì những tiêu chí này có ích lợi gì không? Hay đấy chỉ là những cái bánh vẽ, chỉ là ảo tưỡng hão huyền? Câu trả lời, đơn giản là, đấy là những tiêu chuẩn lí tưởng hữu ích, và đấy là những tiêu chuẩn thích đáng và hữu ích hơn nhiều tiêu chuẩn khác. Chúng thực sự cung cấp những tiêu chuẩn làm thước đo hành động của những hiệp hội tự xưng là dân chủ. Cũng có thể coi đấy là kim chỉ nam trong việc định hình và tái định hình những dàn xếp cụ thể, những bản hiến chương, những cách hành xử và những định chế chính trị. Đối với những người mong mỏi chế độ dân chủ, chúng cũng gợi ra những câu hỏi có liên quan đến vấn đề và giúp tìm câu trả lời.

Bởi vì phải qua thử thách mới biết dở hay, tôi hi vọng là trong những chương còn lại sẽ trình bày cách sử dụng những tiêu chí này trong việc giải quyết những vấn đề trung tâm của lí thuyết và thực hành dân chủ.

Câu hỏi thứ ba: Cứ giả sử rằng những tiêu chí này có thể đóng vài trò là những trợ thủ hữu ích, thì đấy có là tất cả những gì chúng ta cần trong quá trình thiết kế những định chế chính trị dân chủ hay không? Nếu, như tôi giả định bên trên, bạn được giao nhiệm vụ thiết kế một bản hiến chương mang tính dân chủ và đề xuất những định chế của một chính quyền dân chủ, bạn có thể sử dụng trực tiếp những tiêu chí đó cho việc thiết kế hay không? Tất nhiên là không. Người kiến trúc sư với những tiêu chí mà khách hàng cung cấp – địa điểm, kích thước, kiểu dáng tổng quát, số phòng và loại phòng, chi phí, thời gian xây dựng..v.v.. – chỉ có thể vẽ được sau khi đã tính đến nhiều nhân tốc đặc thù khác. Các định chế chính trị thì cũng thế.

Hiểu một cách kĩ lưỡng các tiêu chuẩn dân chủ của chúng ta, áp dụng chúng cho hiệp hội đặc thù, và tạo ra những cách làm và định chế dân chủ mà chúng đòi hỏi, dĩ nhiên không phải là nhiệm vụ đơn giản. Để làm được như thế, chúng ta phải dấn thân vào thực tiễn chính trị, trước khi lựa chọn chúng ta phải cân nhắc một cách kĩ lưỡng, cả về lí thuyết lẫn thực hành. Còn có khó khăn là, khi chúng ta thử áp dụng vài tiêu chí – ít nhất là bốn – chúng ta rất có thể phát hiện ra rằng đôi khi chúng mâu thuẫn với nhau và chúng ta sẽ phải đánh giá về sự thỏa hiệp giữa các giá trị có xung đột như thế, như chúng ta thấy trong quá trình khảo sát những bản hiến pháp dân chủ trong chương 10.

Cuối cùng, câu hỏi còn có tính nền tảng hơn: dường như những quan điểm của Phát ngôn viên chính đã được chấp thuận mà không có ai phản đối. Nhưng vì sao người ta nên chấp nhân những quan điểm như thế? Vì sao chúng ta tin rằng chế độ dân chủ là chế độ đáng ao ước, nhất là trong việc cai trị hiệp hội quan trọng gọi là nhà nước? Và nếu muốn có chế dân chủ thì cũng đương nhiên là phải muốn có bình đẳng về mặt chính trị, thế thì tại sao chúng ta lại tin vào cái điều mà mới nhìn thì có vẻ ngớ ngẩn như thế? Nhưng nếu chúng ta không tin vào quyền bình đẳng chính trị, thì làm sao chúng ta có thể ủng hộ chế độ dân chủ? Nhưng nếu chúng ta qúa tin vào quyền bình đẳng chính trị giữa các công dân của một đất nước thì điều đó có buộc chúng ta phải áp dụng tiêu chí thứ năm – tức là quyền công dân của tất cả mọi người hay không?

Bây giờ chúng ta quay sang thảo luận những câu hỏi đầy thách thức này.

Chú thích:

(1) Thucydides, Complete Writings: The Peloponnesian War, unabridged Crawley translation with introduction by John H. Finley, Jr. (New York: Random House, 1951), 105.

(2) Các độc giả Mĩ đã quen sử dụng thuật ngữ state (bang) cho các bang hợp thành hệ thống liên bang của Hợp chủng quốc Hoa Kì đôi khi có thể cho rằng cách sử dụng này gây ra lầm lẫn. Nhưng thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong luật quốc tế, trong khoa học chính trị, trong triết học và trong các nước khác, kể cả những nước có hệ thống liên bang, ở đấy các đơn vị hợp thành có thể được gọi là tỉnh (Canada), tổng (Thụy Sĩ), Lande (Đức)..v.v..

Nguồn: Robert Alan Dahl (1998), On Democrary. Yale University Press. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường