Phục vụ tốt nhất, hưởng nhiều nhất

Phục vụ tốt nhất, hưởng nhiều nhất

“Tấn công trước là cách phòng thủ tốt nhất” có thể là một chiến lược hiệu quả trong chiến tranh hay nhiều bộ môn thể thao tranh tài nhằm quyết định kẻ thắng và người thua. Tuy vậy thuật ngữ tấn công-phòng thủ này rất dễ gây hiểu lầm khi đề cập tới sự cạnh tranh trong thị trường tự do. Trao đổi tự nguyện không phải là một trò chơi và cũng chẳng là một trận chiến; nó chỉ là một hình thức hợp tác giữa người mua và kẻ bán để chia sẻ các lợi thế mà ai cũng có của mình. Vì vậy, quy luật của thị trường vận hành gần như theo nguyên tắc: “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”. Các mức lợi nhuận mà một doanh nhân kiếm được là thước đo khả năng anh ta sử dụng hiệu quả những tư liệu sản xuất khan hiếm và có giá trị để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của người tiêu dùng.

Khi đã có khả năng cạnh tranh thành công trên thị trường, người chủ cơ nghiệp cố gắng tìm cách bảo vệ thành quả của mình. Và thị trường tự do vẫn tiếp tục kiên trì với nguyên tắc “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”. Nói một cách khác, phương cách để bảo tồn lợi nhuận của bạn là phải tiếp tục phục vụ khách hàng một cách hiệu quả; và đó là phương pháp bảo vệ thành quả duy nhất mà thị trường tự do có thể cung ứng.

Chúng ta cần phải lưu ý ở đây rằng thị trường tự do công nhận và điều phối nhiều loại tài sản khác nhau. Nhưng có lẽ loại cốt yếu và quan trọng nhất là quyền sở hữu của cá nhân đối với chính bản thân mình – tức sự tự do sử dụng các ý tưởng, các loại năng lực, các quan năng và của cải của mình một cách thoải mái cho những mục tiêu hoà bình. Là một con người tự chủ và có trách nhiệm, anh ta hoàn toàn có quyền tự do chọn lựa giữa làm việc hay nghỉ ngơi, giữa tiết kiệm hay tiêu xài hoang phí, giữa chuyên môn hoá công việc rồi đem trao đổi hay tự cung tự cấp, giữa học hành qua trường lớp hay tự học, giữa cách sống nổi trội hay lối sống bình dị – tức lựa chọn bất kỳ thứ gì một cách hòa bình bằng cách hy sinh một thứ gì đó của mình. Trong mọi trường hợp, thị trường luôn túc trực để phục vụ cho anh ta ở mức độ anh ta phục vụ người khác, tức là theo nguyên tắc: “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”.

Ngoài quyền sở hữu chính bản thân mình, thị trường tự do còn công nhận và tôn trọng các loại tài sản cá nhân khác. Đó là đất đai – khoảng không gian mà một người chiếm hữu với quyền hạn loại trừ những kẻ khác không có phận sự hay không được mời đến để chia sẻ khoảng không gian đó. Đó là những công sở hay hãng xưởng và máy móc, dụng cụ do con người làm ra để dùng vào mục đích sản xuất. Đó là thực phẩm, quần áo, chỗ cư trú, phương tiện đi lại, bảo hiểm y tế, báo chí và thông tin, sách vở, giáo dục, nghỉ ngơi, giải trí, các dịch vụ thượng vàng hạ cám do những người lao động phổ thông cho đến những chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp cung cấp. Tất cả những thứ này là những loại tài sản tư hữu, những thứ do các cá nhân trong xã hội sở hữu hay quản lý thông qua quá trình sản xuất và trao đổi mua bán một cách hoà bình – những giao dịch tự nguyện trên thị trường theo nguyên tắc: “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”.

Một quốc gia giàu có

Những người khi nói về nước Mỹ như một quốc gia giàu có thực sự muốn nói rằng công dân của quốc gia này tương đối khá giả. Tuy nhiên, chúng ta nên điều chỉnh lại phát biểu này dưới những dạng chặt chẽ hơn sau đây: (1) Một số công dân Mỹ sở hữu nhiều tài sản hơn một số công dân khác, và (2) một công dân tiêu biểu của Mỹ sở hữu nhiều tài sản hơn một công dân tiêu biểu của các quốc gia khác.

Nếu không có những điều chỉnh này, khi nhắc đến một nước Mỹ giàu có, người ta có thể hiểu sai rằng chính quyền Mỹ có một nguồn tài nguyên khổng lồ không giới hạn – và đây là một quan niệm rất phổ biến.

Có lẽ chúng ta nên bỏ qua cho những người tại các quốc gia còn kém phát triển thuộc Thế giới Thứ ba khi những người này cho rằng của cải của nước Mỹ chủ yếu dưới dạng tài sản do nhà nước sở hữu và quản lý. Các công dân của những vùng đất đi theo chế độ cộng sản lâu năm lại càng không lăn tăn về niềm tin rằng con đường đi tới thịnh vượng và hạnh phúc là phải thông qua sự sở hữu và quản lý của nhà nước đối với mọi tài nguyên đất nước. Nhưng điều gì có thể bào chữa được cho những người Mỹ chúng ta, những người đóng thuế cho nước Mỹ, cũng nghĩ rằng chú Sam có một nguồn cung cấp tài nguyên vô tận? Nhà nước của chúng ta hoặc là tự giàu có và không cần tới người đóng thuế, hoặc là nhà nước của chúng ta phải lệ thuộc vào người đóng thuế để cung cấp nguồn ngân sách. Thật sự có cần thiết đặt ra một câu hỏi về điều này hay không (vì chúng ta đã biết thừa câu trả lời)?

Thật bất hạnh, nhiều công dân nước Mỹ coi bộ nghi ngờ về hai điều trên. Họ tự cho mình quyền đòi hỏi sự bảo trợ và phúc lợi tức thời, được trả bằng ngân sách quốc gia, cứ như thể là không có ngày mai, không có những gánh nặng thuế má kèm theo hay không khiến cho hoạt động kinh doanh, mua bán bị gián đoạn. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Tin tức hằng ngày cho thấy có hàng tá thứ thuế được đánh thêm vào những mặt hàng mua sắm, hay những khoản khấu trừ mới trên chi phiếu lương được phát ra mỗi tuần hay nửa tháng, hay những khoản thuế mới được tính vào những mùa khai thuế cá nhân hàng năm. Chúng ta hoàn toàn biết thừa rằng mọi hoạt động của chính phủ đều được trả bằng thuế, cho dù đó là hoạt động bảo vệ sinh mạng và tài sản công dân hay để giữ gìn hoà bình, duy trì công lý, hay chuyển giao tài sản từ người này sang cho người khác, dù vì bất kỳ lý do nào.

Tại sao có những người giàu hơn những người khác

Vì thị trường tưởng thưởng cho từng cá nhân tuỳ theo mức độ cung cấp dịch vụ mà họ cung cấp, kết quả là một số người sẽ kiếm được và sở hữu nhiều tài sản hơn những người khác. Nói thẳng ra, một số cá nhân đã trở nên cực kỳ giàu có khi cung ứng những dịch vụ cho một số đông của nhân loại. Họ đã nắm giữ cương vị quản lý một khối lượng tài sản khổng lồ bởi vì họ đã chứng minh được khả năng của mình trong việc sử dụng những nguồn lực khan hiếm một cách hữu hiệu để tạo ra những hàng hoá hay những dịch vụ cần thiết và có giá trị cao nhất cho mọi người khác. Nhưng nếu như tới một lúc nào đó và vì một lý do nào đó, những người chủ hiện tại của những nguồn lực khan hiếm này mất đi sự nhạy bén, không còn đáp ứng được thị trường một cách hiệu quả, thì quá trình cạnh tranh liên tục của thị trường sẽ đem những tài sản kể trên vào tay của những người chủ mới có khả năng phục vụ tốt hơn.

Trong khi đó, diễn tiến của thị trường phải chịu đựng vô số kẻ trong chúng ta, những kẻ lừa phỉnh rằng mình biết nhiều hơn những gì mình làm, những kẻ cho rằng mình có một thứ trí tuệ không biểu hiện được trong công việc hàng ngày. Và một trong những phiên bản “trí tuệ” kiểu này cho rằng “chúng ta” biết nhiều hơn những kẻ giàu có trong việc làm sao để sử dụng và phân phối những tài sản của “họ”, và “chúng ta” cho rằng có một phương pháp phân phối những nguồn lực sản xuất khan hiếm và đáng giá này một cách nhân bản và công bằng hơn là để cho thị trường quyết định, thông qua quá trình cạnh tranh giữa những chủ nhân của các tài sản này. Nói một cách khác, tài sản và thành quả lao động nên được phân phối “theo nhu cầu”, và không nên tuân theo quy luật của thị trường: “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”. Và nếu thế thì làm thế nào để đóng cửa thị trường? Bằng bạo lực! Thay vì phải ủng hộ nhân phẩm và các quyền tư hữu của chủ nhân lựa chọn cách sống hoà bình, chính quyền sẽ can thiệp, lúc thì đẩy một nhà cung cấp chưa sẵn sàng vào thị trường, lúc thì ngăn cản, hay hạn chế anh ta tham gia thị trường; lúc lại bảo vệ tài sản của những chủ nhân hiện tại nào đó một cách lâu dài bất chấp sự đào thải của thị trường, và lúc thì cưỡng ép chuyển giao tài sản từ những người biết sử dụng tài sản đó một cách hiệu quả nhất đến tay những kẻ kém tài, những kẻ đã thất bại trầm trọng trong việc phục vụ những người khác dù ở bất kỳ phương diện nào.

Hệ thống tốt nhất

Vì thế chúng ta một lần nữa trở lại quy tắc duy nhất mà thị trường tuân thủ: “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”. Dù có sự không đồng đều về tài sản do quy luật này đem lại, nhưng không ai có thể đưa ra một quy luật khác tốt hơn một cách thuyết phục cho hoạt động của con người trong xã hội. Không có gì sai trái và phi đạo đức khi phục vụ và đáp ứng nhu cầu những người khác một cách tự nguyện. Một người không nên lập luận một cách phi lý rằng anh ta trở nên nghèo là bởi vì những người khác đã lao động để phục vụ cho những nhu cầu bức thiết nhất của anh ta. Khi hai phía tự nguyện trao đổi những nguồn lực sản xuất hay tài sản cá nhân, thì mọi người đều được lợi – nếu không thì họ đã không trao đổi mua bán; và không có bên thứ ba không liên quan đến sự trao đổi này lại có thể bị thiệt hại bởi quá trình này.

Trong khi quy luật của thị trường cho phép những người phục vụ tốt nhất được hưởng nhiều nhất, nó cũng không thể đảm bảo cho họ được hưởng mãi những thành quả này trừ khi họ lại tiếp tục sử dụng nó một cách hữu hiệu để phục vụ những người khác. Nói cách khác, thị trường đảm bảo rằng những nguồn lực khan hiếm này sẽ được sở hữu bởi những người tài giỏi nhất trong việc đáp ứng những nhu cầu cho những khách hàng muốn sử dụng, và đó là cách thức tốt nhất nhằm giảm thiểu sự lãng phí trong việc phân phối của cải trong xã hội mà chúng ta có thể có được. Thay đổi cấu trúc quyền sở hữu được định đoạt bằng cơ chế thị trường theo cách thức độc tài và cưỡng bức sẽ dẫn đến lãng phí; và không có một bằng chứng lịch sử hay một lý thuyết kinh tế thuyết phục nào cho rằng sự lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực sản xuất lại đem đến lợi ích cho xã hội. Và khi phân tích đến tận cùng thì bất cứ sự lãng phí nguồn lực sản xuất nào cũng là sự lãng phí đời sống của con người – đó là hậu quả không tránh khỏi khi chủ nghĩa tập thể can thiệp thô bạo hay thay thế quá trình cạnh tranh của thị trường tự do.

Thật là hạnh phúc và thoải mái khi được làm công dân một nước giàu có. Nhưng một quốc gia trở nên giàu có chỉ có thể dựa trên một nguyên lý bất di bất dịch duy nhất: các nguồn lực sản xuất được sở hữu và quản lý theo nguyên tắc: “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”. Và con đường duy nhất cho một nhà nước phục vụ một cách hữu hiệu trong xã hội này là duy trì thị trường tự do, ngăn chặn và trừng phạt những kẻ vi phạm nguyên tắc, ngoài ra thì hãy để cho mọi người tự do cạnh tranh.

Nguồn: Trích chương 5 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 5/1975

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Hendrickson, Mark W.