Làm thế nào để trở thành nhà lô-gic học? Nghệ thuật suy luận (Phần cuối)

Làm thế nào để trở thành nhà lô-gic học? Nghệ thuật suy luận (Phần cuối)

II.2 – Khoa học hiện đại, tính xác suất và phép quy nạp

Bây giờ, nếu trong tư cách nhà lô-gic học, bạn tự hỏi bản chất của sự hiển nhiên cho những tin tưởng không chắc chắn trên lý thuyết mà chỉ có tiềm năng thôi, như về Napoleon và núi Everest chẳng hạn, bạn sẽ thấy rằng, trong mọi trường hợp, sự kiện chỉ hiển nhiên nếu nguyên lý quy nạp được chấp nhận dưới một số hình thức nào đấy. Tại sao ta tin vào sự tồn tại của Napoleon? Bởi vì có bằng chứng. Tại sao ta tin vào bằng chứng? Bởi vì chúng ta nghĩ rằng khó lòng mà một số người độc lập với nhau, lại có thể cùng bịa đặt ra một câu chuyện giống hệt nhau. Vì sao? Bởi vì kinh nghiệm cho ta thấy rằng kẻ nói láo thường không nhất trí trừ phi họ đang cùng dựng lên một âm mưu. Cuối cùng, chúng ta phải đạt tới một điểm, ở đấy ta sử dụng kinh nghiệm về cái đã biết như cơ sở để suy đoán cái chưa biết, và thứ suy diễn này chỉ có giá trị nếu phép quy nạp có giá trị.

II.2.a – Những nỗ lực đặt nền cho phương pháp quy nạp

Laplace nghĩ rằng thứ xác suất bao hàm trong một suy luận quy nạp thuộc loại xác định, và có thể được đo bằng số. Ông đưa ra một nguyên tắc, từ đấy có thể suy ra rằng nếu bạn đến một ngôi làng của xứ Wales chẳng hạn, rồi hỏi tên người đàn ông đầu tiên bạn gặp, và nếu ông ta trả lời “Williams”, thì đánh cuộc 2 chọi 1 là người bạn gặp tiếp theo cũng sẽ được gọi là Williams. Nếu tên của người sau cũng đúng như vậy, thì đánh cuộc 3 chọi 1 là người kế tiếp cũng sẽ mang tên này, và cứ như thế: nếu 100 người đầu tiên được gọi là Williams, thì tỷ lệ để người thứ 101 có tên là Williams sẽ là 101 chọi 1. Nếu nguyên tắc này là đúng, thì những quy nạp khoa học - đặc biệt là khi dựa trên các định luật ở đấy chúng được kết hợp với nhau thành một quy nạp rộng lớn - sẽ có những tỷ lệ thuận cao đến nỗi không một ai cần phải bận tâm về rủi ro sai lầm của chúng trên thực tế nữa. Tuy nhiên, điều không may là trong lập luận của Laplace có nhiều ngụy lý, do đó, ngày nay nó đã bị bác bỏ. Cho dù điều này là khả thi đi nữa, chúng ta cũng không dễ gì đạt được một ước tính bằng số về xác suất xảy ra của những quy nạp. Hume, người tự cho phép mình nghi ngờ mọi thứ, đã nghi ngờ ngay chính cái nguyên tắc quy nạp. Từ thời ông, các nhà lô-gic học đã viết rất nhiều về vấn đề này, nhưng không giải quyết nổi. Nói chung, có ba khả năng. Thứ nhất, nguyên tắc này là có thể chứng minh được. Thứ hai, mặc dù không thể được chứng minh, nó có thể được chấp nhận là tự nó đã hiển nhiên. Thứ ba, nó có thể bị bác bỏ như một thói quen động vật không thể có biện minh hợp lý. Tất cả ba khả năng này đều gặp phản biện.

Những nỗ lực để chứng minh nguyên tắc [quy nạp], chẳng hạn như quan điểm của Laplace, đều đã gãy đổ. Và đối với bất cứ ai quen thuộc với việc cân nhắc xem điều gì có thể được suy ra từ điều gì khác chăng, thì có vẻ như xác suất để tìm ra một chứng minh là quá thấp, trừ phi ta chấp nhận một số nguyên tắc khác, chẳng hạn như sự thống trị của các định luật, nhưng sự chấp nhận này cũng đòi hỏi phải được chứng minh không kém gì nguyên tắc kia. Mặc dù chúng ta không thể phán một cách giáo điều rằng ta sẽ không bao giờ tìm ra một bằng chứng, khả năng này phải được xem là rất nhỏ.

Chúng ta có thể nói rằng nguyên tắc này là “tự nó hiển nhiên” chăng? Trước hết, mệnh đề này có nghĩa gì là điều cũng chưa rõ ràng. Người ta có thể nói rằng một điều gì đó là hiển nhiên đối với bạn, khi bạn không thể không tin nó; nhưng trong trường hợp này cái “tự nó hiển nhiên” có thể là sai. Từng là “tự nó hiển nhiên” khẳng định rằng không thể có người sống ở hai cực [của Trái đất], bởi vì họ sẽ rơi ra. Chúng ta có thể tăng cường định nghĩa về “tự nó hiển nhiên” bằng cách nói rằng một điều gì đó là “tự nó hiển nhiên” khi không ai còn có thể nghi ngờ nó nữa, dù đã cố thử hết sức. Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa này, ta phải nói rằng nguyên tắc [quy nạp] là không “tự nó hiển nhiên”, bởi vì Hume đã nghi ngờ nó thành công. Có một tình huống kỳ quặc về các suy luận quy nạp, đó là đối với một đầu óc không suy nghĩ thì cái kết luận của nó là không thể còn nghi ngờ gì được, trong khi nếu được xác định một cách hình thức thì sự suy luận này có vẻ còn phải để ngỏ cho việc xét lại. Để trở lại với một ví dụ ở phần trước: kinh nghiệm của bạn về quả táo khiến bạn trông đợi một cách tự tin rằng quả táo mà bạn sắp ăn này sẽ có vị như quả táo chứ không giống như vị của miếng thịt bò. Nhà lô-gic quy nạp sẽ cố gắng biến điều này thành một luận cứ: “Vì vài trái táo trước nếm giống vị táo, nên trái này cũng vậy”. Nhưng trên thực tế, quả táo cũ có lẽ không có trong suy nghĩ của bạn. Nguyên nhân gây ra kỳ vọng về quả táo này nằm trong sinh lý của bạn, chứ không có căn cứ trong suy nghĩ của bạn. Khi nhà lô-gic học cố gắng tìm căn cứ, ông ta cũng nỗ lực làm suy yếu sự tự tin của bạn; ông ta nói với bạn rằng quả táo này chỉ có thể sẽ không có vị như miếng thịt bò. Tới đây, bạn có thể sẽ la lên: “Xéo đi chỗ khác hết đi! Các nhà lô-gic học chỉ cố gắng làm tôi bối rối về những chuyện mà ai cũng biết một cách hoàn hảo”. Nhưng những gì mọi người biết, hoặc nghĩ rằng mình biết, đều là những kết luận của quy nạp, chứ không phải là sự kết nối của chúng với các tiên đề. Chính thân xác hơn là lý trí đã làm cái công việc kết nối các tiên đề vào kết luận trong một quy nạp. Thử nghiệm xử lý quy nạp như một nguyên tắc tự nó hiển nhiên, vì vậy, có vẻ như cũng đã gãy đổ.

Liệu chúng ta sẽ phải đồng ý với người hoài nghi chăng, và nói “Vất hết quy nạp đi! Nó là một mê tín, và tôi không muốn có một quy nạp nào cả”? Người hoài nghi có thể trả lời hầu hết những phản biện mà bạn thấy có thể đưa ra để chống lại anh ta. Bạn có thể nói: “Ít nhất ông cũng phải thừa nhận rằng quy nạp có tác dụng”. Và người hoài nghi sẽ trả lời: “Chắc ông muốn nói đã từng có tác dụng, bởi vì chỉ chính quy nạp mới có thể bảo đảm với ta rằng, cái đã từng có tác dụng sẽ tiếp tục có tác dụng”. Có lẽ ngày mai đá sẽ là chất dinh dưỡng và bánh mì là chất độc, mặt trời sẽ lạnh và mặt trăng nóng. Nguyên nhân của sự không tin của ta về các khả năng đó là thói quen động vật của chúng ta; nhưng những thói quen này cũng có thể thay đổi, và chúng ta có thể sẽ bất ngờ bắt đầu trông đợi điều trái ngược với mọi thứ chúng ta mong đợi hiện nay.

II.2.b – Giá trị của khoa học

Về luận cứ này, giáo sư Hans Reichenbach (1891-1953)2, người có thẩm quyền lớn về xác suất, đã đưa ra một hình thức trả lời. Đại khái, ông ta nói như sau: nếu quy nạp có giá trị, thì có thể có khoa học; nếu nó không có giá trị, thì không thể có khoa học, bởi vì ta không thể tưởng tượng ra một nguyên tắc nào khác có khả năng thay thế nó. Vì vậy, tốt hơn bạn nên hành động trên giả định rằng quy nạp là có giá trị, bởi nếu không thì bạn không có lý do gì để làm điều này thay vì điều kia. Câu trả lời này không phải là một ngụy lý, nhưng tôi không thể nói rằng tôi thấy thỏa mãn với nó. Tôi hy vọng và ít nhiều tin tưởng rằng, với thời gian, chúng ta sẽ tìm ra một câu trả lời thỏa đáng hơn. Nếu bạn trở thành nhà lô-gic học, không chừng chính bạn sẽ là người tìm ra câu trả lời tốt hơn đó.

Tôi không biết liệu sự hữu ích của lô-gic học đã trở nên hiển nhiên qua suốt những gì đã được trình bày chưa, nhưng trong trường hợp chưa, chúng ta có thể kết thúc đề tài này bằng một vài từ. Tất cả chúng ta đều thường xuyên đưa ra hoặc chấp nhận những suy luận, và trong số này nhiều suy luận thật ra không có giá trị, mặc dù chúng có vẻ thuyết phục ngay từ đầu. Khi chúng ta hành động dựa trên một kết luận không có giá trị, ta có thể sẽ thất bại, không đạt được mục đích. Trong chính trị học và kinh tế học, hầu hết các lập luận đều là ngụy lý. Vào thế kỷ thứ IV, Tây Ban Nha đã bị phá sản vì chấp nhận một luận cứ cho rằng dân chúng nên giữ vàng ở nhà. Tôi sẽ không nhắc đến những luận điệu gần đây hơn, vì ngại bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp chính trị. Tuy nhiên, tôi sẽ nói như sau: khi cuộc chiến tranh hiện nay chấm dứt1, việc xây dựng lại sẽ đòi hỏi rất nhiều suy nghĩ sáng suốt, và những ngụy lý sẽ là một trở ngại rất lớn cho các biện pháp đáng được mong muốn của nhà nước, nhất là khi chúng được phổ biến rộng rãi. Hiện nay là lĩnh vực phục tùng lô-gic học hơn là chính trị, khoa học đã đạt được những thành công vĩ đại; nếu chúng ta muốn đạt được những thành tựu tương tự ở các bộ phận khác của đời sống xã hội, thì điều thiết yếu là con người phải học cách suy nghĩ hợp với lô-gic nhiều hơn, và ít giống những tên nô lệ của định kiến ​​và đam mê hơn. Có thể một hy vọng như vậy là không tưởng; tuy nhiên, cũng rất có thể là những bài học từ kinh nghiệm sẽ có khả năng làm cho sự bám víu vào những tín điều phi lý đầy rẫy trong thế giới hiện đại trở nên lỏng lẻo hơn.

(Hết)

Chú thích

(1) Xin nhắc lại là loạt bài này đã được viết vào năm 1942.

(2) Hans Reichenbach (1891-1953) là giáo sư và triết gia khoa học người Đức, thành viên của trường phái kinh nghiệm lô-gic. Tác phẩm tiêu biểu (tiếng Anh): The theory of relativity and a priori knowledge (1965); Axiomatization of the theory of relativity (1969); From Copernicus to Einstein (1942); The Philosophy of Space and Time (1957); Atom and cosmos (1932); The theory of probability (1949); Experience and prediction (1938); Philosophic Foundations of Quantum Mechanics (1944); Philosophy and physics (1948); The Rise of Scientific Philosophy (1951); The Direction of Time (1956); Modern philosophy of science (1959); Selected writings, 1909-1953 (1978); Hans Reichenbach, logical empiricist (1979).

Nguồn: Làm thế nào để trở thành nhà lô-gic học? Nghệ thuật suy luận (B. Russell, 1942), Ired.Edu.Vn, 15.04.2019

Dịch giả:
Nguyễn Văn Khoa