.jpg)
Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần cuối)
Tại sao chúng ta phải lưu tâm?
Những hạn chế của kinh tế học hành vi, Dữ liệu lớn, cùng với các ứng dụng của chúng có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định chính sách ở Singapore. Khi các nhà hoạch định chính sách dựa vào những lý thuyết và công cụ này để phân tích hành vi xã hội và đưa ra quyết định1, nguy cơ thất bại chính sách có thể gia tăng, đặc biệt khi các nhà chính trị gia ưu tú cũng đối mặt với những giới hạn về tri thức. Kinh tế học hành vi, dù khó nhận thấy, có thể khiến các nhà hoạch định chính sách trở nên quá tự tin vào trí tuệ của , đặc biệt khi họ coi công chúng là những cá nhân thiếu duy lý.
Ngoài ra, những hạn chế của Dữ liệu lớn còn có tác động trực tiếp đến chính sách kinh tế. Kể từ khi giành được độc lập, Singapore đã tiến hành hoạch định kinh tế một cách cẩn trọng để tái cấu trúc ngành công nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động, và đưa nền kinh tế lên các ngành nghề có giá trị gia tăng ngày càng cao hơn (Chia, 2005). Nỗ lực này đã đạt đến đỉnh cao trong kế hoạch quốc gia toàn diện của Ủy ban Kinh tế Tương lai năm 2017, bao gồm Kế hoạch Chuyển đổi Công nghiệp chi tiết cho 23 ngành công nghiệp khác nhau, cùng với các sáng kiến chính sách công nghiệp khác2.
Với mức độ nghiêm trọng của vấn đề tri thức đã được nhắc đến, chúng ta có lý do để hoài nghi về tính hiệu quả của việc hoạch định kinh tế từ trung ương nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh kinh tế trong tương lai. Thực tế, vấn đề này có thể còn rõ ràng hơn trong trường hợp của Singapore, khi xét đến quy mô nhỏ và tính chất mở của nền kinh tế, dẫn đến việc các công nghệ và xu hướng ngành mới thường xuất hiện ở nước ngoài trước khi được áp dụng trong nước. Việc Singapore phải đối mặt với những biến động của cạnh tranh toàn cầu và sự gián đoạn vốn có trong nền kinh tế toàn thế giới làm cho việc hoạch định kinh tế chính xác cho tương lai trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Khi nói đến các chính sách cú hích thúc đẩy hành vi, chúng tôi thừa nhận rằng việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng với những cân nhắc đến cấu trúc tâm lý của đối tượng mục tiêu là một bước tiến lớn so với các chính sách truyền thống. Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn chưa thực sự thấu hiểu hết tính phức của nền kinh tế và chỉ đang củng cố phong cách quản lý kỹ trị và chủ nghĩa gia trưởng của Singapore, nơi mà "chính phủ luôn biết rõ nhất." Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận đúng đắn đối với hiện tượng phức là chấp nhận lập luận của chủ nghĩa tự do cổ điển về một trật tự đa tâm của sự cạnh tranh trong thị trường và xã hội dân sự, nơi các giải pháp cạnh tranh có thể cùng tồn tại và phát triển.
Tuy vậy, chúng tôi không phủ nhận hoàn toàn giá trị của kinh tế học hành vi hay Dữ liệu lớn. Thay vào đó, các chỉ trích của chúng tôi tập trung vào việc áp dụng chúng trong chính sách công, thay vì lĩnh vực tư nhân. Sự phân biệt này cần được nhấn mạnh rõ ràng. Trong lĩnh vực tư nhân, sai lầm từ các công ty khi sử dụng những công cụ này chủ yếu ảnh hưởng đến cổ đông. Nhưng khi được triển khai dưới sự quản lý độc quyền của chính phủ, hiệu quả của các công cụ này cần được đánh giá nghiêm ngặt hơn bởi những tác động rộng lớn hơn đối với xã hội.
Luận điểm của chúng tôi còn có những ngụ ý lớn hơn. Tính chính danh của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) chưa bao giờ xuất phát từ nguyên tắc dân chủ dựa trên sự đồng thuận của người; đó là vì Singapore là một nền dân chủ có tổ chức bầu cử nhưng mang tính độc đoán. Thay vào đó, tính chính danh của PAP được xây dựng dựa trên hiệu quả, một đặc trưng của các quốc gia kiến tạo phát triển (Wong & Huang, 2010). Kinh tế học hành vi đã trở thành một công cụ quan trọng củng cố thêm nỗ lực của nhà nước Singapore trong việc duy trì tính chính danh dựa trên hiệu quả này. Chính sách cú hích thúc đẩy hành vi là một công cụ bổ sung vào bộ công cụ chính sách đa dạng mà nhà nước Singapore sử dụng để duy trì sự hài hòa xã hội, thúc đẩy tiến bộ kinh tế và duy trì trật tự xã hội – những yếu tố nền tảng của tính chính danh này. Sự thành công thực tế của chính sách này, hoặc thậm chí chỉ là cảm nhận về thành công trong mắt công chúng, càng giúp chính phủ Singapore củng cố thông điệp rằng “chúng tôi thực sự biết rõ nhất”. Điều này được minh chứng qua một bài viết trên BBC, nơi Singapore được mô tả như một quốc gia “phát triển thịnh vượng” nhờ vào chính sách cú hích thúc đẩy chính người dân của mình3. Những ai quan tâm đến vấn đề dân chủ ở Singapore nên tập trung sự phê phán của họ vào mô hình kinh tế học hành vi, việc sử dụng nó để xây dựng chính sách cú hích, và cách thức nó củng cố các chuẩn mực của chính phủ mang tính gia trưởng.
Chú thích:
(1) Nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy điều này đang diễn ra, khi Trường Cao đẳng Công vụ đã tích cực lồng ghép đào tạo kinh tế học hành vi vào chương trình dành cho công chức và công việc của họ tại các cơ quan chính phủ.
(2) Bộ Công Thương, Singapore. (2017). Report of the Committee on the Future Economy. Trích từ: https://www.mti.gov.sg/-/media/MTI/Resources/Publications/Report-of-the-Committee-on-the-Future-Economy/CFE_Full-Report.pdf.
(3) BBC. (2018). The nation that thrived by nudging its population. Trích từ https://www. bbc.com/future/article/20180220-the-nation-that-thrived-by-nudging-its-population
Nguồn: Chương 4 tác phẩm Cheang B. Và Choy D. (2021). Liberalism unveiled : forging a new third way in Singapore. World Scientifc Publishing Co. Pte. Ltd.