Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2014:

Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2014: "Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu"

Tài liệu sách: File Audio File PDF

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô 2014 được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).

TAGS:

LỜI GIỚI THIỆU

Để đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm và khuyến nghị chính sách cho các năm tiếp theo, phục vụ cho các nhiệm vụ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô”, do UNDP tài trợ và Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện định kỳ hàng năm xây dựng Báo cáo Kinh tế vĩ mô.

Báo cáo kinh tế vĩ mô là ấn phẩm được Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) xây dựng nhằm tổng kết và đánh giá diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô của kinh tế Việt Nam và thế giới, phân tích chuyên sâu một số vấn đề kinh tế và chính sách vĩ mô nổi bật trong năm, đồng thời đề cập những vấn đề mang tính trung và dài hạn đối với nền kinh tế, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách. Báo cáo hy vọng sẽ cung cấp tới các vị Đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế của năm, đồng thời thông qua những phân tích chuyên sâu về những vấn đề kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và dài hạn sẽ góp phần nâng cao khả năng hoạch định chính sách.

Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014 lựa chọn chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu” với mục đích đánh giá những diễn biến kinh tế vĩ mô và chính sách của năm 2013, qua đó chỉ ra một số điểm nghẽn về mặt thể chế đang cản trở quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Báo cáo được xây dựng gồm 7 chương, trong đó Chương 1 đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 và 6 chương tiếp theo đi sâu phân tích các vấn đề về thể chế. Cụ thể là đánh giá cơ chế điều hành tỷ giá và những rủi ro đi kèm; đánh giá quản trị DNNN và đề xuất đổi mới khung quản trị DNNN theo thông lệ tốt trên thế giới; đánh giá vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý vốn đầu tư công; phân tích thực trạng và đề xuất khuyến nghị hoàn thiện thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích; đánh giá phản ứng đổi mới thể chế từ sức ép hội nhập kinh tế quốc tế và cuối cùng là đánh giá công tác thống kê Việt Nam - một trong những điểm nghẽn thể chế ít được đề cập trong các nghiên cứu nhưng lại có vai trò quyết định đến chất lượng và sự hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng chiến lược phát triển kinh tế cũng như công tác thẩm tra, giám sát.

Nhận định, phân tích và đánh giá trong báo cáo này thể hiện quan điểm của các tác giả mà không phản ánh quan điểm của Ủy ban Kinh tế cũng như của Ban Quản lý Dự án.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

TS. Nguyễn Văn Giàu

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội