[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 9: Bản chất của chính phủ quá lớn (Phần 2)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 9: Bản chất của chính phủ quá lớn (Phần 2)

Tại sao chính phủ ngày càng phình to ra

Thomas Jefferson viết: “Nếu cứ để sự vật diễn ra một cách tự nhiên thì tự do sẽ teo đi, còn chính phủ thì sẽ phình to ra”. Hai trăm năm sau, James M. Buchanan, giải Nobel về kinh tế học cho những công trình nghiên cứu suốt đời của ông, khẳng định lại nhận thức thấu triệt của Jefferson. Buchanan cùng với Gordon Tullock đề xuất và triển khai lý thuyết gọi là Lựa chọn công (Public Choice). Lý thuyết này được xây dựng trên luận điểm căn bản sau đây: Các quan chức và các chính trị gia cũng chỉ là những kẻ tư lợi như tất cả chúng ta. Nhưng rất nhiều học giả đã - và vẫn tiếp tục ấp ủ – một niềm tin khác và đấy là lý do vì sao những cuốn sách giáo khoa do họ viết lại nói với chúng ta rằng người dân trong nền kinh tế tư nhân là những người tư lợi, còn chính phủ thì làm việc vì lợi ích chung. Bạn có nhận ra trò ảo thuật trong câu cuối cùng hay không? Tôi viết: “người dân trong nền kinh tế tư nhân”, nhưng sau đó tôi lại viết “chính phủ làm”. Chuyển từ cá nhân sang tập thể làm cho vấn đề trở thành rắc rối. Bởi vì trên thực tế, chính phủ không làm. Một số người trong chính phủ làm. Và tại sao một chàng trai tốt nghiệp đại học và đi làm cho Microsoft là người tư lợi, trong khi người bạn cùng phòng của anh ta đi làm trong Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị lại bất ngờ có lòng vị tha và bắt đầu làm vì lợi ích chung? Hóa ra giả định kinh tế đơn giản là các chính trị gia và các quan chức cũng hành động giống như tất cả mọi người, mà cụ thể là, vì quyền lợi của chính họ, có khả năng thuyết phục rất lớn.

Mô hình Lựa chọn công giải thích sự phân bố phiếu bầu, nỗ lực vận động hành lang, chi tiêu thâm hụt ngân sách (deficit spending1), tham nhũng, sự phình ra của chính phủ, sự chống đối của những người vận động hành lang và giới hạn nhiệm kỳ của các nghị sĩ tốt hơn hẳn so với mô hình đơn giản được trình bày trong những cuốn sách giáo khoa về quyền công dân, tức là những mô hình nói rằng các quan chức chính phủ hành động vì quyền lợi chung. Ngoài ra, mô hình Lựa chọn công còn giải thích được vì sao trên thị trường cạnh tranh, hành vi tư lợi lại tạo ra những kết quả tích cực, nhưng trong tiến trình chính trị thì lại tạo ra kết quả tiêu cực.

Tất nhiên là các chính trị gia và các quan chức hành động vì quyền lợi riêng của họ. Một trong những khái niệm quan trọng nhất của lý thuyết Lựa chọn công cộng là lợi ích tập trungchi phí phân tán. Nghĩa là lợi ích của bất kỳ chương trình nào của chính phủ cũng tập trung vào một số ít người, trong khi chi phí cho những chương trình đó thì được phân tán cho nhiều người dân phải chịu. Xin lấy khoản trợ cấp cho quá trình sản xuất ethanol ở tập đoàn Archer-Daniels-Midland (ADM) Corporation làm ví dụ. Nếu mỗi năm ADM nhận 200 triệu USD thì mỗi người Mỹ phải chi 1 USD. Bạn có biết chuyện đó không? Có lẽ là không. Bây giờ bạn đã biết, bạn sẽ viết thư cho vị nghị sĩ của bạn và phàn nàn ư? Có lẽ là không. Bạn sẽ bay đến Washington, rồi mời vị thượng nghị sĩ của bạn đi ăn tối, đóng góp cho ông ta 1.000 USD và yêu cầu ông ta không bỏ phiếu thông qua khoản trợ cấp để sản xuất ethanol ư? Tất nhiên là cũng không. Nhưng bạn có thể tin chắc rằng Chủ tịch tập đoàn ADM, Dwayne Andreas, đang làm tất cả những việc đó và nhiều việc khác nữa. Hãy suy nghĩ đi: Bạn sẽ chi bao nhiêu để được nhận 200 triệu USD trợ cấp từ chính phủ liên bang? Tôi tin rằng nếu cần bạn có thể cho tới 199 triệu. Vậy các nghị sĩ sẽ nghe ai? Nghe những người Mỹ bình thường, những người không biết rằng mỗi người trong số họ đều phải trả cho Dwayne Andreas một USD? Hay nghe Andreas, người đang lập danh sách và sẽ kiểm tra đi kiểm tra lại để xem ai là người bỏ phiếu thông qua khoản trợ cấp cho mình?

Tất nhiên, nếu chỉ có ethanol thì sẽ không thành vấn đề. Nhưng hầu hết các chương trình của liên bang đều diễn ra theo cách đó. Xin xem xét chương trình trợ cấp nông nghiệp. Mấy tỷ USD dùng để trợ cấp cho nông dân, mà nông dân chỉ chiếm khoảng 1% dân số Hoa Kỳ, mỗi người đóng thuế phải chi mấy USD một năm. Chương trình tài trợ cho nông nghiệp còn phức tạp hơn chương trình tài trợ cho ethanol. Nhiều khoản chi phí làm cho giá lương thực thực phẩm tăng, tức là người tiêu dùng tài trợ cho nó mà không biết.

Mỗi năm người ta bỏ ra hàng tỷ USD ở Washington để nhận về một phần nhỏ những khoản chi trị giá hàng ngàn tỷ USD tiền thuế mà Quốc hội chi tiêu hàng năm. Xin hãy đọc  đoạn quảng cáo trên tờ Washington Post:

Cơ sở hạ tầng… là một từ mới, khá thông dụng ở Washington, có nghĩa là: A. Khối tài sản đổ của Mỹ? Cần 3 ngàn tỷ để sửa chữa đường cao tốc, cầu, cống..v.v..; B. Cần hàng tỷ USD để tái thiết? Mỗi gallon xăng phải đóng thuế 5 xu, đấy chỉ là khởi đầu. C. Cuốn cẩm nang hướng dẫn về những khoản chi cho cơ sở hạ tầng – tiền được dùng vào đâu và làm sao nhận được phần của mình – tất cả đều có trong bản tin ngắn gọn, hai tuần ra một lần? ĐÁP: Tất cả những điều vừa nói. Đăng ký ngay hôm nay.

Có rất nhiều bản tin nói về số tiền mà chính phủ sắp chi, cũng như cách tiếp cận với những khoản tiền đó.

Năm 1987, trong một đoạn quảng cáo in trên tờ Herald, của thành phố Durango, bang Colorado, ca ngợi đập nước và công trình thủy lợi Animas-La Plata đã chỉ cho dân chúng thấy những tính toán mà những người tìm cách tiếp cận với những khoàn tiền của liên bang thường tìm cách che dấu: “Tại sao chúng ta phải ủng hộ các Animas-La Plata: Bởi vì người khác phải thanh toán hóa đơn! chúng ta được nước. Chúng ta được hồ chứa nước. Còn họ thì được hóa đơn”. 

Các nhà kinh tế học gọi quá trình này là tìm kiếm lợi nhuận độc quyền (rent-seekinh) hay tìm kiếm lợi thế (transfer-seeking). Đấy là một minh họa nữa về sự khác biệt giữa biện pháp kinh tế và biện pháp chính trị mà Oppenheimer đã chỉ ra. Một số người và doanh nghiệp làm ra của cải. Họ trồng cấy hay xây dựng những công trình mà mọi người muốn mua hay thực hiện những dịch vụ có ích. Trong khi một số người khác lại cho rằng tốt nhất là đến Washington, thủ đô của đất nước hay đến tòa thị chính thành phố để nhận được trợ cấp, nhận thuế xuất nhập khẩu, hạn ngạch, hoặc những biện pháp nhằm ngăn cản những đối thủ cạnh tranh với họ. Đấy là những biện pháp chính trị nhằm tìm kiếm tài sản, và đáng buồn là, những biện pháp này lại phát triển nhanh hơn là những biện pháp kinh tế.

Dĩ nhiên là, trong thế giới hiện đại, khi các chính phủ ban phát những món quà trị giá hàng ngàn tỷ USD – hệt như những ông già Noel trong mùa giáng sinh - thì khó mà phân biệt được đâu là người sản xuất, đâu là những người tìm kiếm lợi thế, đâu là kẻ săn mồi và đâu là con mồi. Nhà nước tìm cách làm cho chúng ta rối trí, hệt như những kẻ chia bài ba lá, bằng cách lấy tiền của chúng ta càng lặng lẽ càng tốt, rồi sau đó thì trả lại cho chúng ta một ít trong tiếng kèn tiếng trống vang trời. Kết quả là tất cả chúng ta đều phàn nàn về thuế khóa nhưng lại đòi phải có bảo hiểm y tế, phải có trợ cấp cho các phượng tiện vận tải công cộng, phải tài trợ cho nông nghiệp, công viên quốc gia phải miễn phí ..v.v.. và ..v.v... Ngay từ thế kỷ XIX, Frederic Bastiat đã giải thích như sau: “Nhà nước là cuốn tiểu thuyết hư cấu vĩ đại, nhờ nó mà một số người tìm cách sống bằng chi phí của tất cả những người khác”. Nói một cách tổng quát, tất cả chúng ta đều thua, nhưng trong những hoàn cảnh cụ thể thì khó biết ai là người thắng và ai là người thua.

Trong tác phẩm Demosclerosis (tạm dịch: Chính phủ đánh mất dần khả năng thích nghi), nhà báo Jonathan Rauch mô tả quá trình hay tìm kiếm lợi thế (transfer-seeking) như sau:

Ở Mỹ, chỉ có vài giai tầng có quyền lấy tiền của bạn, nếu bạn không kháng cự lại họ. Một là, bọn tội phạm hình sự. Những kẻ đột nhập vào ô tô của bạn hay ăn cướp nhà bạn (hoặc chui qua lỗ trên mái nhà bạn) – đấy là những người tham gia vào nền kinh tế ăn bám theo nghĩa kinh điển của từ này: chúng tước đoạt của cải của bạn, nếu bạn không tích cực chống lại chúng. Bọn đó buộc xã hội phải chi nhiều khoản khá tốn kém, đấy không chỉ là những thứ chúng lấy, mà còn cả những khoản chi để chống lại chúng. Chúng buộc chúng ta phải mua ổ khóa, mua thiết bị báo động, làm cổng sắt, thuê bảo vệ, nuôi lực lượng cảnh sát, mua bảo hiểm..v..v..

Nhưng bọn tội phạm không phải là những kẻ duy nhất chơi trò phân phối lại của cải. Tìm kiếm lợi thế (transfer-seeking) hợp pháp, không hề phạm tội hình sự, hoàn toàn có thể diễn ra - với một điều kiện. Bạn cần có sự giúp đỡ của pháp luật. Nghĩa là, bạn cần thuyết phục các chính trị gia hay tòa án nhân danh bạn can thiệp.

Do đó, ông viết tiếp, mỗi nhóm người trong xã hội đều tìm cách tiếp cận với chính phủ để nhờ chính phủ giúp đỡ hoặc trừng phạt đối thủ cạnh tranh với họ: các doanh nghiệp tìm cách nhận lại thuế nhập khẩu, công đoàn đòi thông qua luật lương tối thiểu (làm cho việc thuê lao động có tay nghề cao, lương cao trở thành tiết kiệm hơn là thuê lao động có tay nghề thấp, lương thấp), các nhân viên bưu điện đòi Quốc hội cấm cạnh tranh tư nhân, các doanh nghiệp tìm cách đưa vào luật lệ những thủ thuật tinh vi làm cho đối thủ cạnh tranh với họ bị thiệt hại nhiều hơn là doanh nghiệp của họ. Và bởi vì những luật lệ đó chỉ mang lại lợi ích cho một ít người, trong khi chi phí lại dàn trải cho nhiều người tiêu dùng hay người đóng thuế, một ít người được lợi trong khi nhiều người bị và những người được lợi tưởng thưởng cho các chính trị gia đã giúp đỡ họ.

Một lý do nữa làm cho chính phủ trở thành quá lớn mà Milton và Rose Friedman gọi là “sự chuyên chế của tình trạng hiện tại”. Nghĩa là, khi một chương trình mới của chính phủ được đề xuất thì nó liền trở chủ đề tranh luận nóng bỏng. (Chí ít là nếu chúng ta nói về những chương trình lớn như trợ cấp nông nghiệp hoặc bảo hiểm y tế. Nhiều chương trình nhỏ hơn chui vào ngân sách mà không có hoặc có rất ít tranh luận và sau vài năm thì một số đã trở thành khá lớn). Nhưng, một khi chương trình đã được thông qua thì hầu như không còn tranh luận nữa. Sau đó, hàng năm Quốc hội chỉ xem cần tăng bao nhiêu mà thôi. Có cần chương trình này nữa hay không, không còn là vấn đề được đem ra bàn luận nữa. Những cuộc cải cách, như lập ngân sách từ “con số không” (zero-based budgeting[30]) và luật “hoàng hôn” (sunset law[31]) được cho là để giải quyết vấn đề này, nhưng không đem lại nhiều kết quả. Năm 1979, khi chính phủ liên bang quyết định giải tán Cục Hàng không dân dụng thì họ mới phát hiện ra rằng không có quy định về việc đóng cửa cơ quan của chính phủ - chưa bao giờ có chuyện như thế. Thậm chí bản Báo cáo về Hiệu quả Quốc gia do chính Tổng thống Clinton khuyến khích – một dự án được người ta ca ngợi là “tái phát minh ra chính phủ” còn viết: “Chính phủ liên bang dường như không thể từ bỏ những thứ đã lỗi thời. Chính phủ biết cách cộng chứ không biết trừ”. Bạn có thể nghiên cứu ngân sách của Clinton và bạn sẽ không tìm thấy đề xuất loại bỏ bất cứ chương trình nào.

Một trong những yếu tố của sự chuyên chế của hiện trạng là cái mà dân Washington gọi là tam giác sắt, có nhiệm vụ bảo vệ từng cơ quan và từng chương trình. Tam giác sắt bao gồm ủy ban hoặc tiểu ban của Quốc hội, chuyên theo dõi chương trình, các quan chức quản lý chương trình, và những nhóm lợi ích đặc biệt, được hưởng lợi từ chương trình đó. Giữa những nhóm này có một cánh cửa quay: nhân viên văn phòng Quốc hội soạn thảo quy định, sau đó người này chuyển qua nhánh hành pháp để thực hiện quy định đó, rồi sau đó thì chuyển sang lĩnh vực tư nhân và thay mặt cho nhóm lợi ích mang một khoản tiền lớn đi vận động chính các đồng nghiệp cũ của mình. Có cả trường hợp người vận động hành lang đóng góp cho các nghị sĩ để vận động thành lập một cơ quan quản lý mới, sau đó ông này được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của cơ quan đó - bởi vì còn ai hiểu được vấn đề kỹ hơn ông ta?

Nếu các quan chức và chính trị gia là những kẻ tư lợi, tương tự như tất cả chúng ta, họ sẽ hành động như thế nào khi tham gia vào chính phủ? Vâng, chắc chắn là đôi khi họ cũng sẽ tìm cách phục vụ quyền lợi chung. Hầu hết mọi người đều tin rằng có những người cố gắng làm việc thiện. Nhưng những động cơ trong chính phủ là không tốt. Trong nền kinh tế tư nhân, muốn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn phải cung cấp cho người ta cái mà họ muốn. Nếu bạn làm như thế, bạn sẽ lôi kéo được khách hàng; nếu bạn không làm như thế, bạn có thể bật ra khỏi thương trường, hoặc mất việc, hoặc mất những khoản đầu tư của bạn. Điều đó buộc các doanh nghiệp phải hoạt động một cách tích cực, phải cố gắng tìm cách phục vụ khách hàng một cách tốt hơn. Nhưng các quan chức không có khách hàng. Họ không kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách đáp ứng nhu cầu của nhiều người tiêu dùng. Các quan chức tích lũy tiền bạc và quyền lực bằng cách khuếch trương cơ quan của họ. Các quan chức “tối đa hóa” cái gì? Quan chức! Động cơ của họ là để tìm cách thuê thêm người, mở rộng thêm quyền lực của mình, và tiêu thêm nhiều tiền của người đóng thuế. Nếu phát hiện vấn đề mới mà cơ quan của bạn có thể giải quyết, Quốc hội có thể cho bạn thêm một tỷ USD, thêm một ông phó, và thành lập thêm một cục nữa trong tổng cục do bạn lãnh đạo. Thậm chí nếu bạn không phát hiện được vấn đề mới thì cũng không sao, chỉ cần thường xuyên nói rằng vấn đề mà bạn phải xử lý đang ngày càng phức tạp thêm và có khả năng là bạn sẽ nhận được nhiều tiền và nhiều quyền hơn.

Nhưng mặt khác, nếu bạn giải quyết được vấn đề, ví dụ, cải thiện được kết quả trong các kì thi của các cháu học sinh hay tất cả những người nhận trợ cấp đều có công ăn việc làm thì Quốc hội hay cơ quan lập pháp tiểu bang của bạn có thể sẽ quyết định rằng bạn không cần thêm tiền nữa. (Họ có thể thậm chí còn quyết định đóng cửa cơ quan của bạn, mặc dù đây chỉ là mối đe dọa vô căn cứ). Hệ thống có sức khích lệ tuyệt hảo! Có bao nhiêu vấn đề có thể được giải quyết khi mà hệ thống trừng phạt người giải quyết được vấn đề?

Câu trả lời dường như rõ ràng là phải thay đổi hệ thống khuyến khích. Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Chính phủ không có khách hàng, tức là không có người có thể sử dụng sản phẩm của họ hoặc chuyển sang mua sản phẩm hay dịch vụ của đối thủ cạnh tranh với nó, cho nên rất khó nói khi nào chính phủ đang làm việc tốt. Nếu mỗi năm đều có thêm người gửi thư thì Bưu điện Mỹ có làm tốt công việc phục vụ khách hàng của mình hay không? Không chắc, bởi vì khách hàng cũng là tù binh của họ. Nếu khách hàng muốn gửi thư, họ phải thông qua Bưu điện (trừ phi họ sẵn sàng trả ít nhất là gấp mười lần cho dịch vụ chuyển phát nhanh). Khi một tổ chức nào đó nhận tiền bằng cách cưỡng chế, thông qua những khoản tiền phải trả đúng luật, thì khó nếu không nói là không thể đo lường được sự thành công của nó trong việc phục vụ khách hàng. Trong khi đó, nhóm lợi ích đặc biệt bên trong hệ thống – các chính trị gia, các nhà quản lý, công đoàn - chiến đấu để giành quyền lợi và chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm đo lường năng suất hay hiệu quả của họ.

Chỉ cần nhìn vào bất kỳ tờ báo hàng ngày nao là ta sẽ thấy ngay bản chất tư lợi của những người làm việc trong nhà nước. Hãy kiểm tra xem hệ thống lương hưu của các viên chức liên bang tốt hơn gấp mấy lần hệ thống an sinh xã hội. Hãy nhìn vào khoản lương hưu trị giá 2 triệu USD mà các nghị sĩ về hưu sẽ được hưởng. Xin nhớ rằng khi Quốc hội và Tổng thống tạm thời đóng cửa chính phủ liên bang, họ vẫn tiếp tục nhận lương, trong khi các nhân viên bình thường phải đợi.

Nhà chính trị học James L. Payne đã nghiên cứu hồ sơ của 14 phiên điều trần về ngân sách, các cuộc họp ủy ban, nơi nghị sĩ Quốc hội quyết định tài trợ cho những những chương trình nào và tài trợ bao nhiêu. Ông thấy rằng trong số 1.060 người phát biểu thì 1.014 người ủng hộ các khoản chi được đề nghị và chỉ có 7 người chống đối (số còn lại không thể hiện rõ ràng ủng hộ hay phản đối). Nói cách khác, chỉ có nửa số buổi điều trần là có một người phản đối chương trình được đem ra thảo luận. Nhân viên quốc hội khẳng định rằng trong văn phòng các nghị sĩ tình trạng cũng hệt như thế: Tỷ lệ những người đến để yêu cầu nghị sĩ chi tiền so với những người phản đối bất kỳ chương trình cụ thể nào là “mấy ngàn trên một”.

Dù ông nghị mới có phản đối khoản chi đến mức nào thì những lời yêu cầu chi tiền, suốt ngày này sang ngày khác, suốt năm này sang năm khác, vẫn có kết quả. Ông ta sẽ thường xuyên nói: “Chúng ta phải giảm chi, nhưng chương trình này là quan trọng”. Các công trình nghiên cứu cho thấy rằng người nào càng làm việc lâu trong Quốc hội thì càng ủng hộ chi tiêu nhiều hơn. Đó là lý do vì sao Payne gọi Washington là nền Văn hoá Chi tiêu, nơi phải có những cố gắng của siêu nhân thì mới nhớ được lợi ích chung và bỏ phiếu chống lại những chương trình mang lại lợi ích cho một người cụ thể, tức là người đến thăm văn phòng của bạn hoặc đã điều trần trước ủy ban của bạn.

Khoảng một thế kỷ trước, một nhóm các học giả xuất sắc người Ý đã quyết định nghiên cứu bản chất của nhà nước và những vấn đề tài chính của nó. Một người trong nhóm, Amilcare Puviani, tìm cách trả lời câu hỏi sau: Nếu chính phủ tìm cách bóp nặn dân chúng cho được thật nhiều tiền, họ sẽ làm như thế nào? Ông tìm được mười một chiến lược mà chính phủ đó sẽ áp dụng:

1. Sử dụng các loại thuế gián thu chứ không sử dụng thuế trực thu, để thuế nằm trong giá cả hàng hóa

2. Lạm phát, bằng cách đó, nhà nước sẽ làm giảm giá trị đồng tiền của tất cả mọi người

3. Vay mượn, để làm chậm lại, chưa đánh những khoản thuế cần phải đánh

4. Đánh thuế quà tặng và hàng xa xỉ phẩm, tức là thuế đi kèm với việc nhận hoặc mua một món hàng đặc biệt, làm giảm sự bực bội đối với thuế khóa

5. Ban hành những sắc thuế “tạm thời”, rồi tìm cách không bãi bỏ, mặc dù tình trạng khẩn cấp đã không còn

6. Thuế ăn bám vào các xung đột xã hội: thuế suất cao đối với những nhóm người không được dân chúng ưa thích (ví dụ như những người giàu có, hay người hút thuốc lá, hoặc những người có những món lời đột xuất)

7. Nguy cơ sụp đổ xã hội hay dịch vụ độc quyền của nhà nước sẽ không còn nếu giảm thuế

8. Tăng gánh nặng thuế khóa bằng những lần tăng thuế nhỏ giọt (thuế doanh thu hoặc thuế thu nhập) chứ không tăng mỗi năm một lần

9. Không thể đoán trước được thuế suất, làm cho đối tượng nộp thuế không biết phải đóng bao nhiêu

10. Cơ cấu ngân sách cực kỳ phức tạp làm cho xã hội không thể hiểu được

11. Sử dụng các loại tiêu chí chi tiêu tổng quát, ví dụ như “giáo dục” hay “quốc phòng”, làm người bên ngoài khó đánh giá những thành phần riêng lẻ của ngân sách.

Bạn có nhận thấy điều gì trong danh sách này hay không? Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng tất cả những chiến lược này – phần lớn các chính phủ nước ngoài cũng thế. Điều đó có thể làm cho người yếm thế nghĩ rằng chính phủ thực sự tìm cách nặn bóp người nộp thuế càng nhiều tiền cáng tốt chứ không phải là, ví dụ, thu số tiền đủ để thực hiện những chức năng thiết yếu nhất.

Bản năng không bao giờ thay đổi của chính phủ là phình to ra bằng những cách như thế để nắm thêm nhiều nhiệm vụ hơn, chiếm được nhiều quyền lực hơn, hút được nhiều tiền của dân chúng hơn. Dường như Jefferson nói đúng: “Nếu cứ để sự vật diễn ra một cách tự nhiên thì tự do sẽ teo đi, còn chính phủ thì sẽ phình to ra”.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Chính sách vay tiền nước ngoài để khuyến khích kinh tế và chống thất nghiệp.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan