Bài toán giảm biên chế giáo viên

Bài toán giảm biên chế giáo viên

Hiện đang nảy sinh một nghịch lý, nhiều nơi đang thiếu giáo viên (theo Bộ Nội vụ, tổng cộng 29 tỉnh, thành đề xuất tuyển thêm hơn 40.000 người) nhưng không được tuyển thêm có nơi lại đang tìm cách cắt giảm 10% biên chế giáo viên như một bước quan trọng cụ thể hóa chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn trước năm 2021.

Nghịch lý này nói lên nhiều điều; trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc cắt giảm bất kỳ biên chế nào cũng chỉ thành công khi có kế hoạch chuyển đổi việc làm cho các biên chế bị cắt giảm. Thập niên 1990 hàng loạt cán bộ, viên chức rời bỏ việc làm trong biên chế nhà nước và ngay lập tức được thị trường lao động đón nhận bởi chủ trương khuyến khích sự ra đời và lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tương tự, chủ trương “giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước” phải gắn liền với “giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập”.

Giảm như thế đòi hỏi phải có những chương trình rất cụ thể, chẳng hạn cổ phần hóa, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp như các hãng phim, nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện… Hiện nay chỉ mới cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam mà cũng đã trầm trầy trầm trật, phải thanh tra và thay nhà đầu tư. Nếu không có một chương trình tổng thể, một nhạc trưởng chỉ huy việc chuyển đổi, làm sao trông mong giảm được 10% biên chế nếu không bằng cách dễ nhất là giảm giáo viên?

Một minh họa khác, chính Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cho biết tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin-Truyền thông, hiện nay nhân lực làm trong ngành truyền hình đang thừa nhiều quá. Thử nghĩ vì sao tỉnh thành nào cũng có đài truyền hình để cuối cùng tính ra cả nước có đến 67 đài truyền hình và trung tâm truyền hình (một đài truyền hình địa phương trung bình có 100 người, nhiều hơn là 150 -200 người)! Phải có chủ trương chuyển các đài truyền hình này thành một bộ phận gọn nhẹ chuyên lo video trong một nền tảng đa phương tiện chủ yếu dựa vào Internet thì mới giải quyết được tình trạng thừa nhân lực như ông Minh nói.

Theo kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 mà Tổng cục Thống kê mới công bố, so với năm 2012, số đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 2,3% lên 143.700 đơn vị và lao động tăng 11,3% lên 3,8 triệu người. Nếu tách ra, chúng ta có 34.800 đơn vị hành chánh (gần 1 triệu người); 73.600 đơn vị sự nghiệp (gần 2,5 triệu người); 35.100 đơn vị thuộc tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội (trên 237.000 người).

Trong các đơn vị sự nghiệp, chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn là ngành giáo dục (61,7% về cơ sở, 68,7% về lao động), sau đó là ngành y tế tỷ lệ tương ứng là 19,3% và 17%. Các ngành khác chỉ có tỷ lệ nhỏ. Chính vì vậy khi triển khai chủ trương “giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước” đến năm 2021 thì các địa phương biết nhìn vào đâu nếu không nhìn vào ngành giáo dục? Thế nhưng chú ý vào cụm từ “hưởng lương từ ngân sách nhà nước” chúng ta sẽ thấy chỉ cần các đơn vị sự nghiệp như các chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ… chuyển đổi mô hình hoạt động, tự chủ về tài chính, thậm chí chỉ cần chuyển đổi quan hệ lao động thì mục tiêu giảm 10% biên chế vẫn có thể đạt được mà không cần nhìn vào ngành giáo dục như hiện nay.

Quay trở lại vấn đề giảm biên chế giáo viên, một điểm khác có thể rút ra là việc tuyển dụng giáo viên lại không nằm trong thẩm quyền của ngành giáo dục mà nằm trong tay chính quyền địa phương. Để thay đổi điều này, trách nhiệm chính là ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ phải có những nghiên cứu, có ứng dụng công nghệ thông tin, để dự báo cho chính xác nhu cầu giáo viên của từng cấp học, từng địa phương, xác định rõ cung cầu giáo viên từng thời điểm để từ đó chuyển thông tin chính xác về các sở Giáo dục – Đào tạo ở từng tỉnh thành, các phòng Giáo dục – Đào tạo ở từng huyện để những nơi này, trong giai đoạn đầu, tham mưu cho chính quyền địa phương trong tuyển dụng hay giảm biên chế giáo viên. Chính quyền địa phương là nơi trả lương cho giáo viên nên họ có quyền tuyển dụng hay sa thải nhưng Bộ phải đòi hỏi thông tin đầu vào của mình phải được đáp ứng – bằng không chính quyền trung ương sẽ cắt giảm ngân sách cho địa phương đó theo đề nghị của Bộ.

Từng bước Bộ phải xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý ít nhất là giáo viên cấp phổ thông trung học để có thể tiếp nhận, điều động giáo viên từ địa phương thừa đến địa phương thiếu. Giáo dục mà làm theo đơn vị huyện thì khó lòng điều chuyển giáo viên thừa ở huyện này đến huyện khác đang thiếu nên vai trò của Bộ cũng phải là đầu mối nắm rõ thông tin cụ thể, chi tiết đến từng giáo viên khi đó mới đòi được quyền can thiệp vào quy trình tuyển dụng nhân lực cho ngành.  

Điểm thứ ba rút ra từ nghịch lý nơi thừa nơi thiếu giáo viên là chuyện biên chế hay hợp đồng. Vướng mắc hiện nay phần nào cũng do chúng ta quá xem nặng chuyện biên chế trong khi không thấy được biên chế đang là rào cản cho ngành giáo dục cải tổ chất lượng đội ngũ giáo viên của mình. Những giáo viên không theo kịp các cải cách của ngành không bị đào thải theo quy luật để nhường chỗ cho thế hệ mới được đào tạo bài bản hơn.

Ngay cả đề xuất tuyển 40.447 giáo viên của 29 tỉnh thành chỉ vướng mắc ở khía cạnh biên chế chứ còn ký hợp đồng lao động bình thường như những ngành khác thì đâu có vấn đề gì – địa phương đã đề xuất, ắt đã có kinh phí để trả lương. Kết hợp với thông tin từ Bộ về nhu cầu giáo viên, chuyện tuyển thêm giáo viên cho phù hợp với lượng học sinh tăng lên là hoàn toàn có thể giải quyết dễ dàng. Việc chạy chọt để có một chỗ dạy thực chất cũng vì quan niệm “biên chế nhà nước” chứ dùng quan hệ hợp đồng để chi phối, ắt nạn chạy việc không đến nỗi như dư luận phản ánh. Hiện nay số giáo viên dạng hợp đồng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở; hầu hết giáo viên cấp phổ thông trung học đều nằm trong biên chế.  

Để dư luận hiểu đúng bản chất của câu chuyện biên chế, thiết nghĩ không nên sử dụng cụm từ “bỏ biên chế” mà chỉ nói rõ giáo viên không phải là công chức hay viên chức nhà nước. Giáo viên là giáo viên cùng với những trách nhiệm và quyền lợi mà nhà nước phải lo như một đội ngũ nhân lực quan trọng để đào tạo những thế hệ công dân tương lai. Thậm chí sửa luật để có thêm một danh xưng trong hành chính cho danh chính ngôn thuận cũng không phải là vấn đề lớn.

Nguồn: Nguyễn Vạn Phú, Bài toán giảm biên chế giáo viên, NVP Blogspot, 15/10/2018

 

Bài viết liên quan