[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Lời Nhà xuất bản và Lời tựa của tác giả

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Lời Nhà xuất bản và Lời tựa của tác giả

Tags: Đói nghèo

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Bức tranh cách biệt giàu nghèo nổi lên rõ rệt trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Tìm kiếm học thuyết lý giải được sự thịnh vượng hay đói nghèo của các nước - từ đó xây dựng một mô hình phát triển - là đề tài đã có rất nhiều nhà kinh tế học theo đuổi kể từ khi nền kinh tế hàng hóa hình thành sau Cách mạng công nghiệp ở Anh lần đầu tiên, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Từng có nhiều luận thuyết về cách biệt giàu nghèo dựa trên giả thuyết do địa lý, do văn hóa, do sự thiếu hiểu biết (giả thuyết vô minh). Giờ đây, Tại sao các quốc gia thất bại trình bày luận thuyết của hai nhà kinh tế học Daron Acemoğlu và James A. Robinson, lập luận rằng nguồn gốc của đói nghèo và thịnh vượng của các nước là do thể chế. Hơn 600 trang sách (ấn bản tiếng Việt) này là công trình đồ sộ mà hai tác giả dày công nghiên cứu lịch sử kinh tế - chính trị toàn cầu, từ thời tìm ra Tân thế giới cho đến nay. Những sự kiện và dữ liệu lịch sử tinh tế, tỉ mỉ, cho thấy những chương đen tối nhất cũng như huy hoàng nhất của xã hội loài người thời cận đại và hiện đại, công trình nhằm tập hợp lập luận cho giả thuyết giải thích cách biệt giàu nghèo là do thể chế. Những lập luận này chỉ rõ: dù có yếu tố ngẫu nhiên lịch sử, có sức hút mạnh mẽ của vòng xoáy đi xuống từ thể chế chiếm đoạt này sang thể chế chiếm đoạt khác, có yếu tố quyết định của thời cơ và cá nhân lãnh đạo, nhưng thịnh vượng hay đói nghèo không phải là định mệnh, không phải là số phận mặc định với bất cứ quốc gia hay dân tộc nào. Những thể chế dung hợp về chính trị và kinh tế đã đưa nhiều quốc gia đến sự thịnh vượng ngày nay, và vẫn đang tiếp tục theo quỹ đạo vòng xoáy đi lên.

Vì những giá trị đáng xem xét đó của công trình này, Nhà xuất bản Trẻ cân nhắc và giới thiệu Tại sao các quốc gia thất bại trên cơ sở tôn trọng đầy đủ quan điểm của các tác giả - những quan điểm trong sách không phải là quan điểm của nhà xuất bản - để bạn đọc thận trọng nghiên cứu và rút ra những hiểu biết đúng đắn cho riêng mình.

 

LỜI TỰA CHO BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT NAM CỦA CÁC TÁC GIẢ

DARON ACEMOĞLU VÀ JAMES A. ROBINSON

VIỆT NAM là một trong những thành công về kinh tế trong 30 năm qua. Mặc dù hiện nay, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.400 đô-la theo sức mua tương đương, tuy chưa phải là một nước giàu, song Việt Nam đã đạt được những thành tích giảm nghèo nổi bật: chỉ trong vòng ba thập kỷ, biến một quốc gia trong đó tình trạng nghèo là phổ biến trở thành một quốc gia với tỷ lệ nghèo chỉ còn khoảng 10% theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Bản thân thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này.

Tại sao vào thời điểm năm 1980, Việt Nam lại nghèo như vậy? Tại sao sau đó Việt Nam lại phát triển nhanh chóng? Các nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau cho những sự kiện kiểu này. Một số người cho rằng sự thành công kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực được xác định bởi vị trí địa lý hay điều kiện sinh thái của nó. Các học giả này đặc biệt quan tâm đến việc một quốc gia có nằm trong khu vực nhiệt đới hay không. Theo họ, vì Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới giữa hạ chí tuyến và xích đạo nên tiềm năng kinh tế nội tại của nó chỉ có giới hạn. Nhưng sự thay đổi sâu sắc trong quỹ đạo kinh tế của việt Nam trong 30 năm qua không hề liên quan tới sự thay đổi vị trí địa lý. Một số người khác sẽ lập luận rằng văn hóa của một dân tộc, các chuẩn mực xã hội, các giá trị hay đạo đức làm việc sẽ quyết định sự thành công hay thất bại về kinh tế. Nhưng một lần nữa, văn hóa Việt Nam đã không thay đổi kể từ thập niên 1980 trở lại đây. Cuối cùng, nếu bạn tham dự các lớp kinh tế phát triển ở các khoa kinh tế học hàng đầu thế giới, bạn sẽ được học là chúng ta đơn giản không biết tại sao Việt Nam đã nghèo trong gần suốt lịch sử của mình nhưng gần đây lại tăng trưởng nhanh chóng. Có lẽ là do cuối cùng Việt Nam cũng có được những nhà kinh tế học tài ba, hoặc nhờ đổi mới tư duy, hoặc đơn giản chỉ là do may mắn.

Cuốn sách này cung cấp các công cụ thích hợp để hiểu tại sao Việt Nam đã từng rất nghèo và tại sao tình trạng nghèo này bắt đầu thay đổi từ thập niên 1980. Nó cũng giúp chúng ta hiểu được liệu những thay đổi diễn ra ở Việt Nam trong ba thập niên vừa qua có bền vững hay không. Lịch sử trì trệ và sự tăng trưởng gần đây ở Việt Nam không xuất phát từ các nguyên nhân địa lý hay văn hóa mà xuất phát từ những quy tắc - hay thể chế - mà bản thân xã hội Việt Nam đã tạo ra. Để thành công về kinh tế, xã hội cần phải tạo ra được một tập hợp các thể chế kinh tế có thể thúc đẩy tài năng, kỹ năng, sự sáng tạo và năng lượng của người dân, và những năng lực này được phân phối một cách rộng rãi trong toàn xã hội, nhờ đó tạo thành một đặc tính quan trọng - tính dung hợp - của tập hợp thể chế kinh tế có khả năng tạo ra sự thịnh vượng. Tính dung hợp của tập hợp thể chế này tạo ra các cơ hội bình đẳng về kinh tế cho tất cả mọi người, đem lại cho họ quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận với thị trường, cơ hội giáo dục và bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn như lịch sử nghèo đói của Việt Nam trong thời phong kiến hoặc dưới thời Pháp thuộc có thể được giải thích bằng thực tế là các thể chế kinh tế trong những thời kỳ này không có tính dung hợp mà có tính tước đoạt: những thể chế được thiết kế để hạn chế cơ hội, để tạo ra ân sủng và độc quyền cho một vài nhóm thiểu số và bắt đa số còn lại phải trả giá. Họ dập tắt cơ hội của nhiều người, trao đặc quyền cho một số thiểu số trong giới quyền thế bản địa hay cho thực dân Pháp.

Nhưng tại sao trong lịch sử Việt Nam, giống như phần lớn thế giới, lại tồn tại các thể chế kinh tế có tính chiếm đoạt? Có thể thấy điều này rõ nhất khi xem xét trường hợp của thực dân Pháp. Với công nghệ quân sự ưu việt và sự thống trị chính trị, người Pháp đã có thể áp đặt một tập hợp các quy tắc tạo đặc quyền cho chính họ và tay sai. Vì vậy, chìa khóa để nhận biết một thể chế kinh tế có tính dung hợp hay chiếm đoạt nằm ở bản chất của chính trị và quyền lực chính trị. Trong nhà nước thuộc địa Pháp, quyền lực chính trị đã được phân phối trong phạm vi hẹp, và nhà nước được sử dụng để ủng hộ các lợi ích đặc biệt - do vậy thể chế chính trị có tính chiếm đoạt. Người Việt Nam, mặc dù chiếm đa số, nhưng đã bị trục xuất ra khỏi địa hạt quyền lực chính trị và bị tước đoạt cơ hội kinh tế. Điều này trên thực tế cũng đã từng tồn tại, ngay cả trước khi thực dân Pháp xuất hiện, chỉ khác là quyền lực được trao cho giới quyền thế trong nước chứ không phải nước ngoài.

Trong cuốn sách này, chúng tôi chứng minh rằng trong hầu hết mọi trường hợp, một nước sở dĩ nghèo là do họ có các thể chế kinh tế chiếm đoạt, bắt nguồn từ các thể chế chính trị chiếm đoạt. Còn các nước giàu sở dĩ giàu là bởi vì họ có các thể chế chính trị dung hợp, với nhà nước mạnh và có trách nhiệm giải trình, và quyền lực chính trị được phân phối một cách rộng rãi, và nhờ đó tạo ra các thể chế kinh tế dung hợp.

Để trở nên giàu có, một nước nghèo phải chuyển đổi từ các thể chế chiếm đoạt sang dung hợp. Trong địa hạt kinh tế, đây chính là căn nguyên tạo ra tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gần đây. Sau khi đánh đổ chế độ thực dân và thống nhất đất nước, Việt Nam đã tạo ra một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong đó nhà nước sở hữu toàn bộ đất đai và hầu hết các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, các thử nghiệm với nền kinh tế chỉ huy trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đã cho thấy những hạn chế kinh tế nghiêm trọng của mô hình này. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình cho thấy rằng sự ra đời của các tổ chức kinh tế dung hợp hơn đã tạo ra tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn giữ được quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Chính sách Đổi mới của Chính phủ Việt Nam từ năm 1986 được đưa ra nhằm chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính sách kinh tế Đổi mới đã đem lại những khuyến khích có tính thị trường, giải tán nông nghiệp tập thể, loại bỏ kiểm soát giá cả hàng nông sản, và cho phép nông dân tiêu thụ hàng hóa của họ trên thị trường. Giống như Trung Quốc, phong trào chuyển sang các thể chế dung hợp này đã thành công và bắt đầu phát huy những tài năng tiềm ẩn to lớn nhưng chưa được giải phóng của người dân. Những cải cách này cùng với những cải cách sau đó đã khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Như vậy, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ thập niên 1980 đã được thúc đẩy bởi phong trào chuyển sang các thể chế kinh tế dung hợp hơn, mặc dù quá trình chuyển đổi này vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Việt Nam sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách một cách toàn diện nếu muốn duy trì được đà tăng trưởng hiện nay và gia nhập hàng ngũ những quốc gia giàu mạnh nhất thế giới.

 

LỜI NÓI ĐẦU CỦA TÁC GIẢ

QUYỂN SÁCH NÀY đề cập đến sự khác biệt to lớn về thu nhập và mức sống giữa những nước giàu trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh và Đức, với những nước nghèo như vùng hạ Sahara ở châu Phi, Trung Mỹ và Nam Á.

Khi chúng tôi viết những dòng này, Bắc Phi và Trung Đông đang rung động bởi phong trào cách mạng nhân dân Ảrập (“Mùa xuân Ảrập”) khởi nguồn từ cuộc Cách mạng Hoa Nhài mà thoạt đầu được châm ngòi bởi cơn phẫn nộ của quần chúng trước việc tự thiêu của người bán hàng rong Mohamed Bouazizi vào ngày 17/12/2010. Ngày 14/1/2011, tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, người từng cai trị đất nước Tunisia suốt từ năm 1987, đã bị phế truất, nhưng nhiệt huyết cách mạng chống lại ách thống trị của các nhóm quyền thế đặc ân ở Tunisia vẫn không nguội đi mà ngày càng sôi sục và lây lan sang phần còn lại của Trung Đông. Hosni Mubarak, nguyên tổng thống từng cai trị Ai Cập với bàn tay thép gần 30 năm, bị trục xuất vào ngày 11/12/2011. Vận mệnh của chế độ ở Bahrain, Libya, Syria và Yemen vẫn chưa ngã ngũ khi chúng tôi viết xong phần mở đầu này.

Cội rễ của bất mãn ở những nước này nằm ở cảnh đói nghèo của họ. Mức thu nhập bình quân của người Ai Cập xấp xỉ 12% so với người Mỹ, còn tuổi thọ thì kém hơn 10 năm; 20% dân số Ai Cập sống trong cảnh bần cùng. Cho dù những sự khác biệt này rất đáng kể, nhưng chúng vẫn chẳng đáng là bao so với chênh lệch giữa Hoa Kỳ và những nước nghèo nhất thế giới như Bắc Triều Tiên, Sierra Leone và Zimbabwe, những nơi có hơn một nửa dân số sống trong đói nghèo.

Tại sao Ai Cập lại nghèo đến thế so với Mỹ? Những yếu tố ràng buộc nào khiến người Ai Cập không thể trở nên thịnh vượng hơn?

Phải chăng đói nghèo của Ai Cập là không thể cứu vãn, hay hoàn toàn có thể xóa bỏ được? Cách thức tự nhiên để bắt đầu suy nghĩ về điều này là thử nghe những điều mà chính bản thân người dân Ai Cập nói về những vấn nạn mà họ đang phải đương đầu và tại sao họ lại vùng lên chống lại chế độ Mubarak. Noha Hamed, một người lao động 24 tuổi đang làm việc cho một công ty quảng cáo ở Cairo, trình bày rõ ràng quan điểm của cô khi tham gia biểu tình ở quảng trường Tahrir: “Chúng tôi khốn khổ vì tham nhũng, áp bức và nền giáo dục yếu kém. Chúng tôi sống trong một hệ thống tham nhũng buộc phải thay đổi”. Một người khác trên quảng trường, Mosaab El, sinh viên khoa dược 21 tuổi, bày tỏ sự đồng tình: “Tôi hy vọng rằng đến cuối năm chúng tôi sẽ có một chính phủ được bầu, nền tự do phổ cập sẽ được áp dụng và chấm dứt nạn tham nhũng từng chiếm lĩnh đất nước này”. Những người phản kháng trên quảng trường Tahrir đồng thanh nói về tham nhũng của chính phủ, việc chính phủ không thể cung cấp các dịch vụ công, và cách biệt giàu nghèo về cơ hội trên đất nước họ. Họ đặc biệt than phiền về sự áp bức và tình trạng thiếu vắng các quyền chính trị. Như Mohamed ElBaradei, nguyên giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế viết trên mạng Twitter ngày 13/1/2011: “Tunisia: áp bức + thiếu công lý xã hội + bác bỏ các kênh thay đổi trong hòa bình = một quả bom hẹn giờ”. Người Ai Cập và người Tunisia đều cho rằng các vấn nạn kinh tế của họ có nguyên nhân cơ bản là do không có các quyền chính trị. Khi những người phản kháng bắt đầu trình bày những đòi hỏi của họ một cách hệ thống hơn, 12 nhu cầu đầu tiên tức thời được đưa ra bởi Wael Khalil, vị kỹ sư phần mềm và người viết blog này đã nổi lên như một trong những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng Ai Cập, tất cả đều tập trung vào sự thay đổi chính trị. Những vấn đề như tăng tiền lương tối thiểu xem ra chỉ nằm trong số những nhu cầu chuyển đổi có thể được thực hiện về sau.

Đối với người Ai Cập, những yếu tố kềm hãm họ bao gồm một nhà nước tham nhũng và bất lực, và một xã hội trong đó họ không thể sử dụng tài năng, hoài bão, sự khéo léo và những gì họ đã học được. Nhưng họ cũng nhận ra rằng gốc rễ của những vấn đề này là chính trị. Tất cả những chướng ngại kinh tế mà họ phải đối mặt đều bắt nguồn từ cách thức thế lực chính trị ở Ai Cập đã phát huy và độc quyền hóa như thế nào bởi một nhóm đặc quyền. Họ hiểu, đó là điều đầu tiên phải thay đổi.

Vững tin vào điều đó, thế nhưng những người phản kháng ở quảng trường Tahrir lại có quan điểm khác xa với hiểu biết chung về chủ đề này. Khi lập luận về lý do khiến một đất nước như Ai Cập nghèo, hầu hết giới học thuật và những người bình luận nhấn mạnh vào các yếu tố hoàn toàn khác nhau. Một số người khẳng định rằng đói nghèo của Ai Cập chủ yếu là do yếu tố địa lý, do đất nước chủ yếu là sa mạc và thiếu mưa, đất đai và khí hậu không thuận lợi cho nông nghiệp. Những người khác nêu lên các đặc điểm văn hóa của dân Ai Cập có thể trở thành trở ngại đối với sự thịnh vượng và phát triển kinh tế. Họ lập luận, người Ai Cập thiếu kiểu đạo đức làm việc và đặc điểm văn hóa đã từng giúp người dân những nước khác trở nên thịnh vượng, và thay vào đó, họ chấp nhận những đức tin Hồi giáo không thích hợp cho sự thành công về kinh tế. Cách giải thích thứ ba, phổ biến trong giới các nhà kinh tế và các nhà bình luận chính sách, là dựa vào quan niệm cho rằng những người cai trị Ai Cập chỉ đơn thuần không biết những điều cần thiết để làm cho nước họ phồn vinh, và đã đi theo những đường lối chính sách và chiến lược không đúng đắn trong quá khứ. Trường phái này cho rằng, giá như những người cai trị đất nước nhận được những lời khuyên đúng đắn từ những cố vấn đúng đắn, thì đất nước sẽ thịnh vượng. Đối với giới học thuật và các nhà bình luận này, sự kiện Ai Cập được cai trị bởi những nhóm quyền thế tập trung vun vén cho cơ ngơi riêng của họ bằng tổn thất của xã hội dường như chẳng liên quan gì khi người ta tìm hiểu về các vấn nạn kinh tế của đất nước.

Trong quyển sách này, chúng tôi sẽ lập luận rằng, chính những người Ai Cập ở quảng trường Tahrir, chứ không phải hầu hết các nhà học thuật và giới phê bình, đã đúng. Thật vậy, Ai Cập nghèo chính là vì đất nước bị cai trị bởi một nhóm quyền thế tập trung, và những nhóm này đã tổ chức xã hội để phục vụ cho quyền lợi riêng của họ trong khi đại đa số quần chúng nhân dân phải trả giá. Quyền lực chính trị tập trung trong một nhóm nhỏ, được sử dụng để tạo ra tài sản khổng lồ cho những người nắm giữ quyền lực, chẳng hạn như gia sản tích lũy 70 tỉ USD của nguyên tổng thống Mubarak. Những người thiệt thòi là người dân Ai Cập, và họ quá hiểu điều đó.

Chúng tôi sẽ chứng minh rằng, cách lý giải đói nghèo của người Ai Cập, cách lý giải của nhân dân, hóa ra lại là một cách giải thích tổng quát về lý do tại sao các nước nghèo lại nghèo. Bất kể đó là Bắc Triều Tiên, Sierra Leone hay Zimbabwe, chúng tôi sẽ chứng minh rằng các nước nghèo họ nghèo vì cùng một lý do như Ai Cập. Những nước như Anh và Mỹ trở nên giàu có vì người dân nước họ lật đổ giới quyền thế, những người kiểm soát quyền lực, và tạo ra một xã hội trong đó các quyền chính trị được phân phối rộng rãi, trong đó chính phủ có trách nhiệm giải trình và phải đáp ứng trước công dân, và trong đó đại đa số quần chúng có thể tranh thủ các cơ hội kinh tế. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng, để tìm hiểu lý do tại sao có tình trạng cách biệt giàu nghèo như thế trong thế giới ngày nay, ta phải đào sâu vào quá khứ và tìm hiểu các yếu tố động học lịch sử của các xã hội. Ta sẽ thấy rằng, lý do khiến nước Anh giàu hơn Ai Cập là vì vào năm 1688, nước Anh đã có một cuộc cách mạng làm biến đổi nền chính trị và nhờ đó chuyển hóa nền kinh tế. Nhân dân đã đấu tranh và giành được nhiều quyền chính trị hơn, và họ sử dụng những quyền ấy để mở rộng cơ hội kinh tế của họ. Kết quả là một quỹ đạo kinh tế và chính trị khác cơ bản so với trước và đạt đến đỉnh cao trong cuộc Cách mạng công nghiệp.

Cuộc Cách mạng công nghiệp và những công nghệ mà cuộc cách mạng đó mang lại đã không lan được tới Ai Cập vì nước này lúc bấy giờ đang chịu sự kiểm soát của Đế chế Ottoman, cũng cai trị Ai Cập hệt như cách của gia đình Mubarak sau này. Sự cai trị của Ottoman ở Ai Cập bị Napoleon Bonaparte lật đổ vào năm 1798, nhưng sau đó đất nước lại rơi vào sự kiểm soát của thực dân Anh, và cũng giống như Ottoman, gần như không quan tâm gì đến sự thịnh vượng của Ai Cập. Dẫu rằng Ai Cập đã tống khứ đế chế Ottoman và đế quốc Anh, và đến năm 1952, lật đổ cả nền quân chủ, thế nhưng đất nước không có được những cuộc cách mạng như cách mạng 1688 ở Anh, và thay vì chuyển biến chính trị cơ bản ở Ai Cập, họ lại đưa một nhóm quyền thế khác lên cầm quyền, và nhóm này cũng không quan tâm gì đến việc mang lại phồn vinh cho những người dân thường, chẳng khác gì Ottoman và Anh trước kia. Hậu quả là, cơ cấu cơ bản của xã hội vẫn không thay đổi, và Ai Cập vẫn nghèo.

Trong quyển sách này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem những diễn biến ấy tự tái diễn như thế nào theo thời gian và vì sao đôi khi những diễn biến ấy lại thay đổi, như ở Anh năm 1688 và ở Pháp với cuộc cách mạng năm 1789. Điều này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu xem liệu tình hình ở Ai Cập ngày nay có thay đổi hay không và liệu cuộc cách mạng lật đổ Mubarak có dẫn đến một hệ thống thể chế mới, có thể mang lại thịnh vượng cho những người dân thường Ai Cập hay không. Ai Cập đã có những cuộc cách mạng trong quá khứ mà không đem lại thay đổi nào, vì những người làm cách mạng chỉ đơn thuần tiếp quản sự thống trị từ những người bị họ hạ bệ và tái tạo một hệ thống tương tự. Quả thật, người dân thường khó mà đạt được quyền lực chính trị thực sự và thay đổi cách thức xã hội vận hành. Nhưng điều này là một việc khả thi, và ta sẽ tìm hiểu xem việc ấy đã xảy ra ở Anh, Pháp và Hoa Kỳ, cũng như ở Nhật Bản, Botswana và Brazil như thế nào. Về cơ bản, đó là sự chuyển đổi chính trị theo một cách thức cần thiết để một xã hội nghèo nàn trở nên giàu có. Có những bằng chứng cho thấy điều này xem chừng đang xảy ra ở Ai Cập. Reda Metwaly, một người phản kháng khác trên quảng trường Tahrir, lập luận: “Giờ đây bạn thấy người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo sát cánh với nhau, giờ đây bạn thấy già trẻ lớn bé đều kề vai nhau, tất cả đều mong muốn cùng một điều”. Ta sẽ thấy rằng một phong trào rộng lớn như thế trong xã hội là một phần then chốt của những gì từng xảy ra trong những cuộc chuyển đổi chính trị khác. Nếu ta biết khi nào và tại sao việc chuyển đổi đó xảy ra, ta sẽ ở vào vị thế tốt hơn để đánh giá khi nào ta có thể dự kiến những phong trào như thế sẽ thất bại như đã từng thất bại trong quá khứ và khi nào ta có thể hy vọng chúng sẽ thành công và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012) 

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh