![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 4)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 4)
“EL CORRALITO”
Argentina rơi vào khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2001. Trong ba năm, thu nhập giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, và nợ quốc tế trở nên chồng chất. Tình cảnh này xảy ra là do những chính sách đã được chính phủ Carlos Menem ban hành sau năm 1989 nhằm ngăn chặn siêu lạm phát và bình ổn nền kinh tế. Các chính sách đó đã thành công trong một thời gian.
Năm 1991, Menem neo chặt đồng peso Argentina vào đô-la Mỹ. Luật quy định một peso tương đương một đô-la Mỹ. Không có thay đổi gì về tỷ giá hối đoái. Chấm hết. Sự việc dường như khá ổn thỏa. Để làm cho dân chúng tin rằng chính phủ thật sự giữ vững quy định, chính phủ thuyết phục dân chúng mở tài khoản ngân hàng bằng đô-la Mỹ. Đô-la có thể sử dụng trong các cửa hiệu ở thủ đô Buenos Aires và rút từ các máy rút tiền ở khắp nơi trong thành phố. Chính sách này giúp bình ổn nền kinh tế, nhưng có một nhược điểm lớn. Nó làm cho hàng xuất khẩu Argentina trở nên đắt đỏ và hàng nhập khẩu từ nước ngoài trở nên rẻ. Xuất khẩu chựng lại trong khi nhập khẩu gia tăng. Cách duy nhất để chi trả cho hàng nhập khẩu là vay mượn. Đó là một tình huống không bền vững. Khi ngày càng có nhiều người bắt đầu lo lắng về tính không bền vững của đồng peso, họ chuyển sang nắm giữ tài sản trong các tài khoản ngân hàng bằng đô-la. Suy cho cùng, nếu chính phủ xé luật và phá giá đồng peso, họ sẽ an toàn với các tài khoản đô-la, phải không? Họ đã đúng khi lo lắng về đồng peso. Nhưng họ quá lạc quan về đồng đô-la.
Ngày 1/12/2001, chính phủ phong tỏa toàn bộ các tài khoản ngân hàng, thoạt đầu là trong thời gian 90 ngày. Dân chúng chỉ được rút ra một lượng nhỏ tiền mặt trên cơ sở hàng tuần. Thoạt tiên là 250 peso, lúc bấy giờ vẫn còn trị giá 250 USD; rồi đến 300 peso. Nhưng số tiền này chỉ được rút từ tài khoản peso. Không ai được phép rút tiền từ tài khoản đô-la, trừ khi họ đồng ý quy đổi từ đô-la sang peso. Không ai muốn làm điều đó. Argentina gọi tình hình này là El Corralito, nghĩa là “chiếc bẫy nhỏ”: người gửi tiền bị lùa vào một chiếc bẫy thú như những con bò, không chạy đi đâu được. Vào tháng 1, cuối cùng lệnh phá giá được ban hành, và thay vì duy trì tỷ giá một peso ăn một đô-la Mỹ, chẳng bao lâu 4 peso ăn một đô-la. Điều này lẽ ra là sự xác nhận cho những ai tưởng rằng họ nên tiết kiệm bằng đô-la. Nhưng không phải thế, vì khi đó chính phủ bắt buộc phải quy đổi toàn bộ tài khoản ngân hàng bằng đô-la sang peso, nhưng theo tỷ giá cũ 1:1. Những người có tiền tiết kiệm 1.000 USD bất thình lình nhận thấy họ chỉ còn một số tiền peso tương đương với 250 USD. Chính phủ đã chiếm đoạt 3/4 tiền tiết kiệm của dân chúng.
Đối với các nhà kinh tế, Argentina là một đất nước khó hiểu. Để minh họa cho mức độ khó hiểu của đất nước Argentina, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Simon Kuznets từng đưa ra nhận xét nổi tiếng rằng trên thế giới có bốn loại quốc gia: phát triển, kém phát triển, Nhật Bản và Argentina. Kuznets nghĩ thế là vì, vào thời điểm Thế chiến thứ nhất, Argentina là một trong những nước giàu nhất trên thế giới. Sau đó đất nước bắt đầu sa sút tương đối so với các nước giàu khác ở Tây Âu và Bắc Mỹ, rồi vào thập niên 1970 chuyển thành suy sụp tuyệt đối. Thoạt nhìn qua, kết quả kinh tế của Argentina thật rắc rối, nhưng lý do dẫn đến sa sút trở nên rõ ràng hơn khi ta xem xét qua lăng kính của các thể chế dung hợp và chiếm đoạt.
Quả đúng là trước năm 1914, Argentina trải qua khoảng 50 năm tăng trưởng kinh tế, nhưng đây là một trường hợp tăng trưởng kinh điển trong các thể chế chiếm đoạt. Thời bấy giờ Argentina được cai trị bởi một nhóm quyền thế thiểu số đầu tư mạnh vào nền kinh tế nông nghiệp xuất khẩu. Nền kinh tế tăng trưởng thông qua xuất khẩu thịt bò, da sống và ngũ cốc vào giữa thời kỳ bùng phát giá thế giới của các nông sản này. Cũng như tất cả các kinh nghiệm tăng trưởng khác trong các thể chế chiếm đoạt, nó không liên quan đến sự phá hủy sáng tạo, không có phát minh đổi mới, và không thể duy trì bền vững. Vào thời điểm Thế chiến thứ nhất, bất ổn chính trị gia tăng và bạo loạn có vũ trang buộc giới quyền thế Argentina phải cố gắng mở rộng hệ thống chính trị, nhưng điều này dẫn đến sự huy động những lực lượng mà họ không thể kiểm soát được, và năm 1930 đã xảy ra vụ đảo chính quân sự đầu tiên. Từ đó đến năm 1983, Argentina không ngừng thay đổi qua lại giữa chế độ độc tài và dân chủ cũng như giữa các thể chế chiếm đoạt khác nhau. Đã có sự đàn áp ồ ạt dưới chế độ cai trị quân sự, lên đến đỉnh điểm vào thập niên 1970 với ít nhất 9.000 người bị hành quyết trái phép. Hàng trăm nghìn người bị bắt giam và tra tấn.
Trong những thời kỳ cai trị dân sự, đã có những cuộc bầu cử như một nền dân chủ. Thế nhưng hệ thống chính trị vẫn không có tính dung hợp. Từ khi Perón lên cầm quyền vào thập niên 1940, đất nước Argentina dân chủ bị thống lĩnh bởi đảng chính trị do ông thành lập, đảng Partido Justicialista, nhưng thường được gọi là “đảng của Perón”. Đảng của Perón đắc cử nhờ vào cỗ máy chính trị hùng hậu, giành thắng lợi bằng cách mua chuộc phiếu bầu, phân phát ô dù bảo trợ và tham nhũng, trong đó có các hợp đồng và việc làm trong chính phủ, để đổi lấy sự ủng hộ chính trị. Theo một ý nghĩa nào đó, đây là một nền dân chủ nhưng không có tính đa nguyên. Quyền lực tập trung cao độ trong tay đảng của Perón và gần như họ có thể làm mọi điều mà không bị giới hạn, chí ít trong thời kỳ quân đội chưa lật đổ họ. Như ta đã thấy trên đây (chương 11), nếu Tòa án Tối cao thách thức một chính sách, thì kết cục xấu hơn có thể xảy ra với Tòa án Tối cao.
Vào thập niên 1940, Perón đã ấp ủ phong trào lao động như một cơ sở chính trị. Khi phong trào này suy yếu do sự đàn áp của quân đội vào thập niên 1970 và 1980, đảng của ông chuyển sang mua chuộc phiếu bầu từ những thành phần khác. Các chính sách và thể chế kinh tế được thiết kế để mang lại thu nhập cho những người ủng hộ đảng, chứ không tạo ra một sân chơi bình đẳng. Khi tổng thống Menem đứng trước quy định giới hạn nhiệm kỳ ngăn không cho ông tái tranh cử vào thập niên 1990, điều đó cũng không có tác dụng gì: ông cho viết lại hiến pháp và xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ. Như El Corralito cho thấy, ngay cả khi Argentina có tuyển cử và có chính phủ được bầu cử phổ thông, thì chính phủ vẫn có thể khống chế các quyền sở hữu và chiếm đoạt của người dân mà không bị trừng phạt. Gần như không có sự kiểm soát đối với tổng thống Argentina và giới quyền thế chính trị, và chắc chắn không có chủ nghĩa đa nguyên.
Điều làm Kuznets cảm thấy khó hiểu, và rõ ràng làm cho nhiều người khác đến Buenos Aires cũng cảm thấy khó hiểu, là thành phố dường như rất khác so với Lima, Guatemala hay thậm chí thành phố Mexico. Bạn không thấy người dân bản xứ và bạn không thấy hậu duệ của những người nô lệ xưa kia. Chủ yếu bạn thấy những công trình kiến trúc huy hoàng và nhà cửa tráng lệ vươn lên từ thời hoàng kim tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt. Nhưng ở Buenos Aires, bạn chỉ mới thấy một phần của Argentina. Ví dụ như Menem không phải là người Buenos Aires. Ông chào đời ở Anillaco, tỉnh La Rioja ở vùng núi xa mãi về phía tây bắc Buenos Aires, và ông giữ cương vị thống đốc tỉnh này trong ba năm. Vào thời điểm người Tây Ban Nha chinh phục châu Mỹ, đây là một vùng xa xôi hẻo lánh của đế chế Inca và có mật độ dân cư bản xứ đông đúc (xem bản đồ 1 chương 1). Người Tây Ban Nha xây dựng hệ thống cai trị encomienda ở đây, và một nền kinh tế mang tính chiếm đoạt cao độ đã phát triển với hoạt động trồng cây lương thực và chăn nuôi la phục vụ cho các thợ mỏ ở thành phố Potosí phía bắc. Trên thực tế, La Rioja giống như Potosí ở Peru và Bolivia hơn, chứ không giống như Buenos Aires. Vào thế kỷ 19, La Rioja đã sản sinh ra vị thủ lĩnh quân sự nổi tiếng Facundo Quiroga, người cai trị và cát cứ vùng này một cách trái phép, và từ đó kéo quân về Buenos Aires. Sự phát triển các thể chế chính trị Argentina là một câu chuyện về cách thức các tỉnh vùng sâu vùng xa như La Rioja đã đi đến thỏa thuận với Buenos Aires như thế nào. Các thỏa thuận này là một thỏa ước ngừng bắn: các thủ lĩnh cát cứ của La Rioja đồng ý để yên cho Buenos Aires kiếm tiền. Đổi lại, giới quyền thế Buenos Aires sẽ không cải cách thể chế của các “vùng sâu vùng xa”. Vì thế, thoạt nhìn qua, Buenos Aires như thể một thế giới riêng biệt so với Peru hay Bolivia, nhưng thật ra nó không khác lắm nếu bạn rời khỏi những đại lộ huy hoàng ở Buenos Aires. Chính sở thích và nền chính trị của các vùng sâu vùng xa biểu hiện trong các thể chế của Argentina là lý do khiến đất nước trải qua một lộ trình thể chế hết sức tương tự như các nước châu Mỹ La-tinh có tính chiếm đoạt khác.
Các nước châu Mỹ La-tinh là một ví dụ điển hình về việc các cuộc bầu cử không mang lại các thể chế chính trị hay kinh tế dung hợp hơn. Ở Colombia, lực lượng bán quân sự có thể quyết định 1/3 kết quả bầu cử quốc gia. Cũng như ở Argentina, ở Venezuela ngày nay, chính phủ bầu cử dân chủ của Hugo Chávez tấn công phe đối lập, truất phế họ khỏi các vị trí trong chính phủ, đóng cửa những tờ báo nào có những bài xã luận mà chính phủ không thích, và sung công tài sản. Trong mọi hành động của Chávez, ông đều có quyền lực nhiều hơn và ít bị giới hạn hơn so với ngài Robert Walpole ở Anh vào thập niên 1720, khi ông không thể kết án John Huntridge theo Đạo luật Đen (chương 11). Nếu sống ở đất nước Venezuela hay Argentina ngày nay thì chắc là số phận của John Huntridge sẽ đen đủi hơn nhiều.
Trên nguyên tắc, nền dân chủ đang vươn lên ở châu Mỹ La-tinh sẽ đối lập hoàn toàn với sự cai trị của giới quyền thế, và trong hành động cũng như trong tuyên truyền, nền dân chủ đó sẽ cố gắng tái phân phối các quyền và các cơ hội ít nhất từ một phần trong giới quyền thế, thế nhưng cội rễ của nó vẫn cắm sâu trong các thể chế chiếm đoạt theo hai cách. Thứ nhất, tình trạng không công bằng tồn tại dai dẳng qua nhiều thế kỷ trong các thể chế chiếm đoạt làm cho các cử tri trong các nền dân chủ mới nổi bỏ phiếu ủng hộ những chính khách có các chính sách cực đoan. Chẳng phải người Argentina ngây thơ và cho rằng Juan Perón hay các chính khách theo đường lối Perón gần đây như Menem hay Kirchner sẽ vị tha và hành động vì lợi ích của họ, hay người Venezuela trông cậy vào sự cứu rỗi của Chávez. Thay vì thế, nhiều người Argentina và Venezuela nhận thấy rằng tất cả các chính khách và các đảng phái khác từ lâu đã không mang đến cho họ tiếng nói, không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản nhất như đường sá và giáo dục, và bảo vệ họ trước sự bóc lột của giới quyền thế địa phương. Vì thế, nhiều người Venezuela ngày nay ủng hộ những chính sách mà Chávez đang ban hành ngay cả khi chúng đi kèm với tham nhũng và lãng phí, giống như nhiều người Argentina đã ủng hộ các chính sách của Perón vào thập niên 1940 và 1970. Thứ hai, một lần nữa, chính các thể chế chiếm đoạt nền tảng đã làm cho chính trị trở nên hấp dẫn và thiên lệch về phía những kẻ cơ bắp như Perón và Chávez nhiều hơn so với một hệ thống đảng phái hữu hiệu tạo ra các phương án đáng mong đợi hơn về mặt xã hội. Perón, Chávez và hàng chục kẻ vũ lực khác ở châu Mỹ La-tinh chỉ là một khía cạnh của quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ, và như thể hiện qua tên gọi đó, cội rễ của quy luật sắt này nằm ở chế độ nền tảng do giới quyền thế kiểm soát.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)