![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 1)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÚNG SỐ Ở ZIMBABWE
THÁNG 1/2000 Ở HARARE, Zimbabwe, Fallot Chawawa là người dẫn chương trình bốc thăm trúng thưởng xổ số quốc gia do Ngân hàng Zimbabwe (Zimbank) - trong đó nhà nước sở hữu một phần - tổ chức. Xổ số được mở cho mọi khách hàng có từ 5.000 đô-la Zimbabwe trở lên trong tài khoản tính đến tháng 12/1999. Khi Chawawa bốc thăm, ông lặng cả người. Theo phát biểu chính thức của Zimbank: “Người dẫn chương trình Fallot Chawawa không tin vào mắt mình khi tờ vé số trúng giải 100 nghìn đô-la Zimbabwe được trao cho ông và ông thấy tên ngài R.G Mugabe trên đó”.
Tổng thống Robert Mugabe, người từng sử dụng trăm phương nghìn kế để thống trị Zimbabwe và cai trị với bàn tay sắt từ năm 1980 đã trúng số trị giá 100 nghìn đô-la Zimbabwe, gấp khoảng năm lần thu nhập bình quân đầu người hằng năm của đất nước. Zimbank xác nhận rằng tên của Mugabe đã được rút ra từ hàng nghìn khách hàng tham gia. Quả là một người may mắn! Khỏi cần phải nói, ông thật sự không cần tiền. Quả thật, chỉ mới đây thôi ông đã tự ban thưởng cho mình và nội các của ông mức tăng lương đến 200%.
Vé số chỉ là một biểu hiện nữa của các thể chế chiếm đoạt ở Zimbabwe. Người ta có thể gọi đây là tham nhũng, nhưng nó chỉ là một triệu chứng của tình trạng khó chịu về thể chế ở Zimbabwe. Sự kiện Mugabe thậm chí có thể trúng số nếu ông muốn, cho ta thấy ông kiểm soát mọi việc ở Zimbabwe đến nhường nào, và cho thế giới một cái nhìn sơ bộ về mức độ chiếm đoạt của các thể chế ở đất nước này.
Lý do phổ biến nhất khiến các quốc gia ngày nay thất bại là bởi vì họ có các thể chế chiếm đoạt. Zimbabwe dưới thời Mugabe minh họa sinh động cho các hệ lụy kinh tế và xã hội. Mặc dù số liệu thống kê ở Zimbabwe không đáng tin cậy, ước lượng tốt nhất là thu nhập trên đầu người của Zimbabwe vào năm 2008 chỉ bằng một nửa so với khi đất nước giành độc lập vào năm 1980. Bất kể điều này nghe có vẻ ấn tượng đến mức nào, nó thật ra còn chưa thể hiện hết tình trạng suy sụp về mức sống ở Zimbabwe. Nhà nước đã sụp đổ và gần như không còn cung cấp bất kỳ dịch vụ công cộng cơ bản nào nữa. Những năm 2008-2009, hệ thống y tế xấu đi đã dẫn đến bùng phát dịch tả trên cả nước. Tính đến ngày 10/1/2010, đã có 98.741 ca báo cáo và 4.293 ca tử vong, làm cho nó trở thành nạn dịch tả gây chết người nhiều nhất bùng phát ở châu Phi trong 15 năm qua. Trong thời gian đó, tình trạng thất nghiệp cũng lên đến mức chưa từng thấy. Vào đầu năm 2009, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc xác nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến mức kinh ngạc là 94%.
Gốc rễ của các thể chế kinh tế và chính trị ở Zimbabwe, cũng như ở nhiều nơi vùng hạ Sahara châu Phi, đã có từ thời thuộc địa. Năm 1890, Công ty Nam Phi thuộc Anh của Cecil Rhodes phái một lực lượng Viễn chinh đến vương quốc Ndebele thời ấy, đóng quân ở Matabeleland và vùng lân cận Mashonaland. Vũ khí tân tiến giúp họ nhanh chóng trấn áp sự kháng cự của người châu Phi, và đến năm 1901, thuộc địa Nam Rhodesia, đặt theo tên của Rhodes, được thành lập ở nơi mà hiện nay là Zimbabwe. Bởi vì vùng này đã trở thành vùng đất nhượng quyền thuộc sở hữu tư nhân của Công ty Nam Phi thuộc Anh, nên Rhodes dự định kiếm tiền ở đó bằng cách thăm dò và khai thác kim loại quý. Các cuộc thăm dò không bao giờ gặt hái được thành công, nhưng vùng đất nông nghiệp trù phú bắt đầu thu hút dân nhập cư da trắng. Những người định cư chẳng mấy chốc đã thôn tính phần lớn đất đai. Năm 1923, họ tự giải phóng khỏi sự cai trị của Công ty Nam Phi thuộc Anh và thuyết phục chính phủ Anh cho họ tự trị. Những gì xảy ra sau đó cũng hệt như những gì đã xảy ra ở Nam Phi khoảng một thập niên trước đây. Năm 1913, Luật Đất đai bản xứ (chương 9) từng tạo ra một nền kinh tế đối ngẫu ở Nam Phi. Rhodesia thông qua những bộ luật tương tự, và được khơi nguồn cảm hứng từ mô hình Nam Phi, chẳng bao lâu sau năm 1923, nhà nước phân biệt chủng tộc của người da trắng ra đời.
Khi các đế quốc thực dân châu Âu sụp đổ vào cuối thập niên 1950 và đầu những năm 1960, giới quyền thế da trắng ở Rhodesia, vốn chỉ chiếm khoảng 5% dân số, dưới sự lãnh đạo của Ian Smith đã tuyên bố độc lập khỏi nước Anh vào năm 1965. Ít có chính phủ nào trên thế giới công nhận nền độc lập của Rhodesia, và Liên hiệp quốc áp đặt sự trừng phạt kinh tế và chính trị đối với nó. Người da màu tổ chức một cuộc chiến tranh du kích từ căn cứ của các nước láng giềng Mozambique và Zambia. Áp lực quốc tế và bạo động từ hai nhóm chính - Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) của Mugabe và Liên minh Nhân dân châu Phi Zimbabwe (ZAPU) dưới sự lãnh đạo của Joshua Nkomo - đã dẫn đến sự kết thúc thời kỳ cai trị của người da trắng thông qua đàm phán. Nhà nước Zimbabwe ra đời vào năm 1980.
Sau khi độc lập, Mugabe nhanh chóng thiết lập sự kiểm soát cá nhân. Ông thẳng tay tiêu diệt các đối thủ hoặc thu nạp họ. Những hành động bạo lực tàn khốc nhất đã xảy ra ở Matabeleland, trung tâm đầu não ủng hộ ZAPU, khi có đến 20 nghìn người bị giết vào đầu thập niên 1980. Đến năm 1987, ZAPU được sáp nhập vào ZANU để tạo thành ZANU-PF, và Joshua Nkomo bị loại khỏi chính trường. Mugabe soạn thảo lại hiến pháp mà ông thừa kế như một phần của kết quả đàm phán độc lập, tự xưng làm tổng thống (ông bắt đầu với cương vị thủ tướng), xóa bỏ danh sách cử tri da trắng vốn là một phần của thỏa thuận độc lập, và cuối cùng vào năm 1990, ông tống khứ cả Thượng viện và đưa vào các vị trí trong bộ máy lập pháp mà ông có thể chỉ định. Trên thực tế, một nhà nước đơn đảng dưới sự lãnh đạo của Mugabe đã hình thành.
Sau khi độc lập, Mugabe tiếp quản một hệ thống thể chế kinh tế chiếm đoạt mà chế độ của người da trắng đã tạo ra. Hệ thống này bao gồm các quy định về giá cả và thương mại quốc tế, các ngành công nghiệp do nhà nước điều hành, và các ủy ban vật giá nông sản có tính cưỡng bức. Việc tuyển dụng nhân sự chính phủ mở rộng nhanh chóng, và các vị trí này được dành cho những người ủng hộ ZANU-PF. Sự điều tiết chặt chẽ của chính phủ đối với nền kinh tế phù hợp với giới quyền thế ZANU-PF vì nó cản trở sự vươn lên của một tầng lớp doanh nhân châu Phi độc lập, những người có thể thách thức độc quyền chính trị của giới quyền thế. Điều này rất giống tình huống mà chúng ta đã thấy ở Ghana vào thập niên 1960 trong chương 2. Lẽ dĩ nhiên, thật trớ trêu, điều này cũng làm cho những người da trắng trở thành tầng lớp doanh nhân chủ yếu. Trong thời kỳ này, lợi thế chủ yếu của nền kinh tế da trắng, nhất là lĩnh vực xuất khẩu nông sản năng suất cao, vẫn còn nguyên vẹn không suy suyển. Nhưng điều này chỉ kéo dài cho đến khi Mugabe trở nên không còn được ủng hộ nữa.
Mô hình điều tiết và can thiệp vào thị trường dần dần trở nên không bền vững, và một quá trình thay đổi thể chế với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế bắt đầu vào năm 1991 sau một cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng. Kết quả kinh tế xấu đi cuối cùng dẫn đến sự nổi lên của một đối thủ chính trị cạnh tranh khốc liệt với sự cai trị đơn đảng của ZANU-PF: Phong trào Thay đổi dân chủ (MDC). Cuộc bầu cử Quốc hội năm 1995 không hề có tính cạnh tranh. ZANU-PF thắng 81% số phiếu và giành được 118 trong số 120 ghế. 55 đại biểu Quốc hội được bầu mà không có đối thủ. Cuộc bầu cử tổng thống năm sau thậm chí còn cho thấy những dấu hiệu gian lận và bất thường nhiều hơn. Mugabe đắc cử với 93% số phiếu, nhưng hai đối thủ của ông, Abel Muzorewa và Ndabaningi Sithole, đã rút lui trước khi bầu cử, cáo buộc chính phủ áp bức và gian lận.
Sau năm 2000, bất chấp mọi hành động lũng đoạn, việc thâu tóm quyền lực của ZANU-PF suy yếu dần. Đảng chỉ chiếm được 49% số phiếu phổ thông và 63 ghế trong Quốc hội. Tất cả đều bị tranh đoạt bởi MDC, phe đối lập chiếm toàn bộ ghế ở thủ đô Harare. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, Mugabe chiến thắng chỉ với 56% số phiếu. Nhưng cả hai cuộc bầu cử chỉ đem lại thắng lợi cho ZANU-PF nhờ bạo lực và đe dọa, cùng với gian lận bầu cử.
Phản ứng của Mugabe trước nguy cơ đánh mất sự kiểm soát chính trị là tăng cường đàn áp và sử dụng chính sách nhà nước để mua chuộc sự ủng hộ. Ông khởi động một cuộc tấn công toàn lực đối với các chủ sở hữu đất da trắng. Bắt đầu vào năm 2000, ông khuyến khích và ủng hộ hàng loạt việc chiếm dụng và sung công đất đai một cách rộng khắp. Hành động này thường được dẫn đầu bởi các hội cựu chiến binh, các nhóm được cho là bao gồm những người từng chiến đấu trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Một phần đất đai sung công được cấp cho các nhóm này, nhưng phần lớn được cấp cho giới quyền thế ZANU-PF. Tình trạng không bảo đảm quyền sở hữu mà Mugabe và ZANU-PF gây ra đã dẫn đến sự sụp đổ sản lượng và năng suất nông nghiệp. Khi nền kinh tế vỡ vụn, phương án duy nhất còn lại là in tiền để mua chuộc sự ủng hộ, dẫn đến siêu lạm phát. Vào tháng 1/2009, việc sử dụng đồng tiền các nước khác như đồng rand Nam Phi trở nên hợp pháp, và đồng đô-la Zimbabwe biến mất trong lưu thông, chỉ còn là những mảnh giấy vô giá trị.
Những gì xảy ra ở Zimbabwe sau năm 1980 là chuyện thường tình ở vùng hạ Saharra châu Phi thời kỳ sau độc lập. Zimbabwe kế thừa một hệ thống thể chế chính trị và kinh tế có tính chiếm đoạt cao độ vào năm 1980. Trong một thập niên rưỡi đầu tiên, các thể chế này được duy trì tương đối nguyên vẹn. Trong khi các cuộc bầu cử diễn ra, các thể chế chính trị vẫn không hề có tính dung hợp. Các thể chế kinh tế có thay đổi đôi chút; ví dụ như không còn sự kỳ thị công khai chống lại người da màu nữa. Nhưng xét một cách tổng thể, các thể chế vẫn có tính chiếm đoạt, với điểm khác biệt duy nhất là, thay vì Ian Smith và người da trắng thực hiện việc chiếm đoạt, thì giờ đây Robert Mugabe và giới quyền thế ZANU-PF vơ vét đầy túi. Theo thời gian, các thể chế thậm chí còn trở nên có tính chiếm đoạt nhiều hơn, và thu nhập ở Zimbabwe sụp đổ. Thất bại kinh tế và chính trị ở Zimbabwe là một biểu hiện khác của quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ - trong trường hợp này, chế độ đàn áp và chiếm đoạt của Ian Smith được thay thế bởi chế độ đàn áp, chiếm đoạt và tham nhũng của Robert Mugabe. Việc trúng số gian lận của Mugabe năm 2000 chỉ đơn thuần là phần nổi của tảng băng thối nát đã được định hình trong lịch sử.
CÁC QUỐC GIA NGÀY NAY THẤT BẠI VÌ các thể chế kinh tế chiếm đoạt của họ không tạo ra động cơ cần thiết để khuyến khích dân chúng tiết kiệm, đầu tư và phát minh đổi mới. Các thể chế chính trị chiếm đoạt nâng đỡ cho các thể chế kinh tế này thông qua việc củng cố quyền lực của những người hưởng lợi từ sự chiếm đoạt. Các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt, tuy chi tiết của chúng có thể khác nhau trong các tình huống khác nhau, luôn là nguyên nhân gốc rễ của sự thất bại này. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, như ta sẽ thấy ở Argentina, Colombia và Ai Cập, sự thất bại này có hình thức của tình trạng thiếu hoạt động kinh tế, vì các chính khách quá hăng say chiếm đoạt nguồn lực hay dập tắt mọi hoạt động kinh tế độc lập đe dọa chính họ và giới quyền thế kinh tế. Trong một số trường hợp cực đoan, như ở Zimbabwe và Sierra Leone mà ta sẽ thảo luận tiếp theo, các thể chế chiếm đoạt lát đường cho sự thất bại nhà nước hoàn toàn, không chỉ tàn phá luật pháp và trật tự và còn làm triệt tiêu các động cơ kinh tế cơ bản nhất. Hậu quả là sự đình trệ kinh tế, và như thể hiện qua lịch sử gần đây ở Angola, Cameroon, Chad, Cộng hòa dân chủ Congo, Haiti, Liberia, Nepal, Sierra Leone, Sudan và Zimbabwe, nội chiến, những cuộc tản cư quy mô lớn, nạn đói và dịch bệnh làm cho những nước này ngày nay còn nghèo hơn so với thập niên 1960.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)