![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 2)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 2)
CUỘC THẬP TỰ CHINH CỦA TRẺ EM?
Vào ngày 23/3/1991, một nhóm vũ trang dưới sự lãnh đạo của Foday Sankoh vượt biên giới từ Liberia vào Sierra Leone và tấn công thị trấn biên giới phía nam Kailahun. Sankoh vốn là hạ sĩ trong quân đội Sierra Leone, từng bị bắt giam khi tham gia một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ Siaka Stevens vào năm 1971 nhưng đã sớm bị thất bại. Sau khi được phóng thích, cuối cùng ông đã đầu quân vào Libya, tham gia trại huấn luyện của đại tá độc tài Lybia Qaddafi dành cho những người châu Phi tình nguyện. Ở đó, ông gặp Charles Taylor, người vạch ra âm mưu lật đổ chính phủ ở Liberia. Khi Taylor thâm nhập Liberia vào đêm giáng sinh 1989, Sankoh đi cùng ông, và chính Sankoh đã thâm nhập Sierra Leone cùng một nhóm người của Taylor, chủ yếu là người Liberia và Burkina Faso. Họ tự xưng là Mặt trận cách mạng thống nhất (RUF), và tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ tham nhũng và bạo ngược của đảng Quốc hội toàn dân (APC).
Như chúng ta đã thấy trong chương trước, Siaka Stevens và đảng APC tiếp quản và tăng cường các thể chế chiếm đoạt từ thời thuộc địa ở Sierra Leone, hệt như Mugabe và đảng ZANU-PF ở Zimbabwe. Năm 1985, khi Stevens, ốm yếu vì bệnh ung thư, đưa Joseph Momoh lên thế chỗ ông, nền kinh tế đang sụp đổ. Dường như không chút châm biếm, Stevens thường sảng khoái trích dẫn câu cách ngôn: “Con bò ăn cỏ ở nơi nó được chăn thả”. Và ở nơi Stevens đã từng ăn, giờ đây Momoh ăn ngấu nghiến. Đường sá đổ nát và các trường học giải tán. Đài truyền hình quốc gia ngưng hoạt động vào năm 1987 khi Bộ Thông tin bán cả máy phát tín hiệu. Và vào năm 1989, đài tiếp sóng cho các khu vực ngoại vi Freetown sụp đổ, chấm dứt việc phát sóng ra ngoài phạm vi thủ đô. Một bài phân tích đăng trên một tờ báo ở thủ đô Freetown năm 1995 viết sự thật:
Vào cuối thời cai trị của Momoh, ông đã ngừng trả lương cho công chức dân sự, giáo viên và ngay cả các thủ lĩnh tối cao. Chính phủ trung ương sụp đổ, và lẽ dĩ nhiên biên giới đất nước bị xâm lược, quân phiến loạn và đủ loại vũ khí tự động rót vào biên giới từ Liberia. NPRC, dân chúng nổi loạn và quân đội nổi loạn đã gây ra tình trạng hỗn loạn mà người ta có thể dự đoán khi chính phủ biến mất. Không ai trong số họ là nguyên nhân gây ra các vấn nạn này, mà đó chỉ là triệu chứng.
Sự sụp đổ của nhà nước dưới thời Momoh, một lần nữa, là hậu quả của vòng xoáy đi xuống, được hình thành từ các thể chế mang tính chiếm đoạt cao độ dưới thời Stevens, có nghĩa là không có gì để ngăn chặn RUF xâm lược biên giới vào năm 1991. Nhà nước không có năng lực để chống lại. Stevens đã triệt hạ quân đội vì sợ quân đội sẽ lật đổ ông. Khi đó, chỉ một nhóm vũ trang tương đối nhỏ cũng có thể dễ dàng gây bạo loạn trên phần lớn đất nước. Họ thậm chí còn có một bản tuyên ngôn gọi là “Con đường đến dân chủ” bắt đầu bằng cách trích dẫn câu nói của nhà trí thức da màu Frantz Fanon: “Từ sự tối tăm tương đối, mỗi thế hệ phải khám phá ra sứ mệnh của mình, hoàn thành hay là phản bội sứ mệnh đó”. Phần nói về “Chúng ta chiến đấu vì điều gì?” bắt đầu như sau:
Chúng ta tiếp tục chiến đấu vì chúng ta phát chán phải là nạn nhân muôn đời của tình trạng đói nghèo và suy thoái con người do nhà nước gây ra qua những năm tháng cai trị chuyên quyền và chủ nghĩa quân phiệt. Nhưng chúng ta sẽ kiềm chế và tiếp tục chờ đợi một cách kiên nhẫn ở điểm hẹn của hòa bình. Chúng ta biết sự nghiệp của chúng ta là công lý, và Chúa Trời/Thánh Allah sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong cuộc chiến nhằm tái thiết một đất nước Sierra Leone mới.
Mặc dù Sankoh và các nhà lãnh đạo RUF khác có thể đã bắt đầu bằng cơn phẫn nộ chính trị và mối bất bình của dân chúng đang khốn khổ trong các thể chế chiếm đoạt của đảng APC, tình hình thay đổi nhanh chóng và vượt ra ngoài sự kiểm soát. “Sứ mệnh” của RUF đã dìm đất nước vào nỗi thống khổ cực độ, như chứng thực của một thiếu niên từ Geoma ở miền nam Sierra Leone:
Họ tập hợp chúng tôi lại… Họ chọn một số bạn bè của chúng tôi và giết các bạn ấy, hai người trong số đó. Đó là những bạn có bố là thủ lĩnh, là những người có giày lính và tài sản ở trong nhà. Các bạn ấy bị bắn, không vì lý do nào khác ngoài việc bị buộc tội là chứa chấp binh lính. Các thủ lĩnh cũng bị giết như một thành phần của chính phủ. Họ chọn một người làm thủ lĩnh mới. Họ vẫn nói họ đến để giải phóng chúng tôi khỏi đảng APC. Đến một lúc, họ không chọn người để giết nữa, họ chỉ cứ thế mà xả súng bắn người.
Trong những năm xâm lược đầu tiên, bất kỳ gốc rễ tri thức nào mà RUF có thể có đều bị dập tắt hoàn toàn. Sankoh hành quyết những người chỉ trích hành động hung bạo. Chẳng bao lâu, không còn ai tình nguyện tham gia RUF. Thay vào đó, họ chuyển sang tuyển lính một cách cưỡng bức, nhất là trẻ em. Thật ra, tất cả các bên đều làm điều này, kể cả quân đội. Nếu nội chiến Sierra Leone là một cuộc thập tự chinh để xây dựng một xã hội tốt hơn, thì rốt cuộc đó là một cuộc thập tự chinh của trẻ em. Xung đột gia tăng với những cuộc thảm sát và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm sự cưỡng đoạt ồ ạt, cắt tai và chặt tay. Khi RUF tiếp quản các vùng đất, họ cũng bắt đầu chiếm đoạt về kinh tế. Điều này xảy ra rõ nhất ở các khu khai thác kim cương, nơi họ cưỡng bức dân chúng phải khai thác kim cương, nhưng đồng thời cũng xảy ra phổ biến ở nhiều nơi khác.
RUF không đơn độc trong hành vi tàn bạo, trong các cuộc thảm sát và trong việc tổ chức lao động cưỡng bức. Chính phủ cũng có những hành động tương tự. Tình trạng sụp đổ luật pháp và trật tự khiến cho dân chúng không còn biết ai là binh lính chính phủ và ai là kẻ nổi loạn. Kỷ luật quân đội hoàn toàn biến mất. Khi nội chiến kết thúc vào năm 2001, đã có khoảng 80 nghìn người chết và đất nước bị tàn phá nặng nề. Đường sá, nhà cửa và công trình xây dựng bị hư hại hoàn toàn. Ngày nay, nếu bạn đến Koidu, một vùng khai thác kim cương chính ở miền đông, bạn sẽ thấy những dãy nhà cháy với những vết đạn lỗ chỗ.
Năm 1991, nhà nước ở Sierra Leone đã thất bại hoàn toàn. Ta hãy nghĩ về những gì Vua Shyaam từng bắt đầu với Bushong (chương 5): ông thiết lập các thể chế chiếm đoạt để củng cố quyền lực và chiếm đoạt sản lượng mà phần còn lại của xã hội sản xuất ra. Nhưng ngay cả các thể chế chiếm đoạt với chính quyền trung ương tập trung vào tay ông cũng vẫn còn tiến bộ hơn so với tình trạng không có luật pháp và trật tự, không có chính quyền trung ương hay quyền sở hữu như của xã hội Lele bên kia bờ sông Kasai. Tình trạng thiếu trật tự trị an và thẩm quyền trung ương là số phận của nhiều quốc gia châu Phi trong những thập niên gần đây, một phần là do quá trình tập trung hóa chính trị bị chậm trễ trong lịch sử ở nhiều nơi thuộc vùng Sahara châu Phi, đồng thời vòng xoáy đi xuống của các thể chế chiếm đoạt đã làm đảo ngược quá trình tập trung hóa nhà nước từng tồn tại, dẫn đến sự thất bại của nhà nước.
Sierra Leone suốt 10 năm nội chiến đẫm máu từ năm 1991 đến 2001 là ví dụ điển hình về một nhà nước thất bại. Đất nước này cũng bắt đầu hệt như bất kỳ một quốc gia nào khác bị thất bại bởi các thể chế chiếm đoạt, bất kể phi hiệu quả và xấu xa đến nhường nào. Nhà nước trở nên thất bại không phải vì yếu tố địa lý hay văn hóa, mà do di sản của các thể chế chiếm đoạt, tập trung quyền lực và của cải vào tay những người kiểm soát nhà nước, mở đường cho bạo loạn, xung đột và nội chiến. Các thể chế chiếm đoạt cũng góp phần trực tiếp vào sự thất bại dần dần của nhà nước thông qua việc bỏ bê đầu tư vào các dịch vụ công cộng cơ bản nhất, đúng như như những gì đã xảy ra ở Sierra Leone.
Những thể chế chiếm đoạt đã tước đoạt của cải, làm bần cùng hóa dân chúng và cản trở phát triển kinh tế khá phổ biến ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Charles Taylor đã giúp khởi động cuộc nội chiến ở Sierra Leone đồng thời châm ngòi cho sự xung đột man rợ ở Liebria dẫn đến thất bại nhà nước. Mô thức thể chế chiếm đoạt suy sụp thành nội chiến và thất bại nhà nước đã diễn ra ở những nơi khác ở châu Phi; ví dụ như ở Angola, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa dân chủ Congo, Mozambique, Cộng hòa Congo, Somalia, Sudan và Uganda. Sự chiếm đoạt lát đường cho xung đột, chẳng khác gì sự xung đột mà các thể chế chiếm đoạt cao độ của các thành bang Maya đã gây ra một nghìn năm trước đây. Xung đột đẩy nhanh sự thất bại của nhà nước. Vì thế, một lý do khác khiến các quốc gia ngày nay thất bại là vì nhà nước của họ đã thất bại. Điều này, đến lượt nó, là hậu quả của những thập niên cai trị trong các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)