[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VII: Bước ngoặt thể chế (Phần 3)
CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP
Cuộc Cách mạng công nghiệp được bộc lộ trong mọi khía cạnh của nền kinh tế Anh. Đã có những cải tiến lớn trong giao thông vận tải, luyện kim và năng lượng hơi nước. Nhưng lĩnh vực đổi mới quan trọng hơn cả là việc cơ giới hóa và sự hình thành các nhà máy (hay công xưởng) nhằm tổ chức sản xuất trong ngành dệt. Quá trình năng động này được cởi trói nhờ vào sự thay đổi thể chế hình thành từ cuộc Cách mạng Vinh quang. Quá trình này không chỉ đơn thuần là xóa bỏ các thế lực độc quyền trong nước, vốn đã đạt được từ năm 1640, hay các loại thuế khác nhau hay sự tiếp cận tài chính, mà còn là việc tổ chức lại một cách cơ bản các thể chế kinh tế thuận lợi cho các nhà phát minh và các nghiệp chủ, dựa vào sự hiện hữu của các quyền sở hữu tài sản bảo đảm hơn.
Chẳng hạn như việc cải thiện tính chắc chắn và hiệu quả của quyền sở hữu tài sản đóng vai trò quan trọng trong cuộc “cách mạng giao thông”, lát đường cho Cách mạng công nghiệp. Hoạt động đầu tư vào kênh đào và đường sá (đường thu phí) gia tăng ồ ạt sau năm 1688. Các hoạt động đầu tư này, thông qua việc giảm chi phí giao thông, đã tạo điều kiện tiên quyết cho cuộc Cách mạng công nghiệp. Trước năm 1688, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị cản trở bởi các đạo luật tùy tiện của các vị vua Stuart. Sự thay đổi thể chế sau năm 1688 được minh họa sống động qua câu chuyện dòng sông Salwerpe ở Worcestershire nước Anh. Năm 1662, Quốc hội thông qua một đạo luật khuyến khích đầu tư để làm cho sông Salwerpe trở nên thuận lợi cho tàu bè đi lại, và gia đình Baldwyn đã đầu tư 6.000 bảng vào mục đích này. Đổi lại, họ được quyền thu phí những người đi lại trên sông. Năm 1693, một dự luật được trình lên Quốc hội nhằm chuyển giao quyền thu phí lưu thông cho Bá tước xứ Shrewsbury và Lãnh chúa Conventry. Ngài Timothy Baldwyn chống đối bằng cách ngay lập tức gửi kiến nghị lên Quốc hội, cho rằng dự luật đề xuất sẽ tước đoạt công lao của cha ông, người đã đầu tư đáng kể vào con sông với dự kiến sẽ thu phí lưu thông sau đó. Baldwyn lập luận rằng “luật mới có xu hướng làm vô hiệu hóa đạo luật trước đây, và tước đoạt toàn bộ công trình và nguyên vật liệu đã đầu tư để theo đuổi mục đích này”. Việc phân bổ lại quyền thu phí như vậy giống hệt như kiểu hành động mà triều đình Stuart đã làm. Baldwyn viết: “Việc tước quyền của một người, mà quyền đó đã được mua theo một sắc luật của Quốc hội, và không có sự ưng thuận của họ, sẽ có một hệ lụy nghiêm trọng”. Trước tình thế đó, dự luật mới bị bác bỏ và quyền của Baldwyn được bảo toàn. Các quyền sở hữu tài sản trở nên bảo đảm hơn sau năm 1688, một phần vì việc bảo đảm quyền sở hữu là nhất quán với quyền lợi của Quốc hội và một phần vì các thể chế đa nguyên có thể chịu tác động của việc kiến nghị. Ở đây chúng ta thấy rằng sau năm 1688, hệ thống chính trị ở Anh trở nên đa nguyên hơn nhiều và tạo ra một sân chơi tương đối bình đẳng.
Các đạo luật của Quốc hội giúp thay đổi bản chất sở hữu tài sản đã đặt nền tảng cho cuộc cách mạng giao thông, và tổng quát hơn, cho việc bố trí lại đất đai diễn ra vào thế kỷ 18. Trước năm 1688, thậm chí còn có một quan niệm hoang đường về mặt pháp luật cho rằng toàn bộ đất đai ở Anh suy cho cùng là sở hữu của nhà vua, một di sản trực tiếp từ tổ chức xã hội phong kiến. Nhiều mảnh đất bị đè nặng bởi vô số hình thức quyền sở hữu cổ xưa và nhiều tranh chấp chồng chéo nhau. Phần lớn đất đai được chiếm hữu trong cái gọi là “bất động sản sở hữu”, có nghĩa là chủ sở hữu đất tuy có quyền sở hữu nhưng không được phép hưởng lợi bằng việc cầm cố, cho thuê hay bán đất. Đất chung thường chỉ được sử dụng cho các mục đích sử dụng truyền thống. Có vô số trở ngại đối với việc sử dụng đất theo những cách thức đáng mong đợi về mặt kinh tế. Quốc hội bắt đầu thay đổi điều này, cho phép các nhóm dân được kiến nghị với Quốc hội để đơn giản hóa và tổ chức lại các quyền sở hữu; những thay đổi này về sau được thể hiện qua hàng trăm đạo luật của Quốc hội.
Việc tổ chức lại các thể chế kinh tế này cũng được phản ánh qua sự ra đời của một chương trình hành động nhằm bảo hộ ngành dệt trước hàng nhập khẩu nước ngoài. Ta không ngạc nhiên khi thấy các đại biểu Quốc hội và cử tri không phản đối tất cả các hàng rào cản trở việc tham gia thị trường và thế lực độc quyền. Những người có thị phần và lợi nhuận gia tăng sẽ ủng hộ điều này. Tuy nhiên, điều quan trọng là các thể chế chính trị đa nguyên - sự kiện Quốc hội đại diện, trao quyền và lắng nghe những thành phần xã hội rộng lớn - có nghĩa là các rào cản gia nhập thị trường này sẽ không bóp nghẹt các nhà công nghiệp khác hay đóng cửa hoàn toàn với những người mới, như hiện tượng đóng cửa (serrata) ở Venice. Các nhà sản xuất len đầy quyền lực chẳng bao lâu đã cho chúng ta thấy điều này.
Năm 1688, một số mặt hàng quan trọng nhất nhập khẩu vào Anh là hàng dệt từ Ấn Độ, các loại vải nhẹ như calico và muslin, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt. Cũng quan trọng không kém là lụa từ Trung Quốc. Calico và lụa được nhập khẩu qua Công ty Đông Ấn, mà trước năm 1688 từng tận hưởng thế lực độc quyền theo lệnh của chính phủ trong hoạt động thương mại với châu Á. Vị thế độc quyền và quyền lực chính trị của Công ty Đông Ấn được duy trì thông qua việc hối lộ hậu hĩ cho vua James II. Sau năm 1688, Công ty ở vào vị thế dễ bị tổn thương và chẳng bao lâu đã bị tấn công. Sự tấn công xảy ra dưới hình thức đơn kiến nghị dồn dập gửi đến Quốc hội từ những nhà buôn trông chờ được giao thương với Viễn Đông và Ấn Độ, yêu cầu Quốc hội cho phép họ cạnh tranh với Công ty Đông Ấn, trong khi Công ty đáp trả bằng các kiến nghị ngược lại và đề xuất cho Quốc hội vay tiền. Công ty thua cuộc, và một Công ty Đông Ấn mới phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh ra đời. Nhưng các nhà sản xuất hàng dệt không chỉ muốn có nhiều cạnh tranh hơn trong việc giao thương với Ấn Độ. Họ còn muốn đánh thuế hay thậm chí cấm tiệt các loại vải nhẹ (calico) nhập khẩu từ Ấn Độ với giá rẻ. Các nhà sản xuất này đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Ấn Độ. Tại thời điểm này thì các nhà sản xuất nội địa quan trọng nhất đang sản xuất hàng dệt len, nhưng các nhà sản xuất vải bông trở nên ngày càng quan trọng hơn về mặt kinh tế và có quyền lực chính trị hơn.
Ngành len tăng cường nỗ lực tự bảo vệ mình ngay từ đầu thập niên 1660. Họ thúc đẩy luật hạn chế cá nhân chi tiêu xa hoa vì quyền lợi đất nước (Sumptuary Laws), cấm mặc những loại vải nhẹ, cùng những điều khoản khác. Họ cũng vận động Quốc hội thông qua các sắc luật vào năm 1666 và 1678 quy định việc khâm liệm tử thi bằng bất kỳ loại vải nào khác ngoài len là bất hợp pháp. Cả hai biện pháp đều giúp bảo hộ thị trường hàng dệt len và giảm sự cạnh tranh mà các nhà sản xuất Anh phải đương đầu từ châu Á. Tuy nhiên, giai đoạn này, Công ty Đông Ấn đã trở nên quá mạnh nên không thể hạn chế hàng dệt từ châu Á. Dòng nước đã đổi chiều từ sau năm 1688. Từ năm 1696 đến 1698, các nhà sản xuất len từ Đông Anglia và miền Tây đất nước liên minh với các công ty lụa từ Luân Đôn, Canterbury và Công ty Levant nhằm hạn chế hàng nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu lụa từ Levant, ngay cả khi mới vừa mất đi thế lực độc quyền, vẫn muốn loại trừ lụa châu Á để tạo ra một thị trường chuyên dành cho lụa từ Đế chế Ottoman. Liên minh này bắt đầu trình lên Quốc hội các dự luật hạn chế việc mặc trang phục bằng bông và lụa, đồng thời hạn chế việc nhuộm và in trên vải châu Á ở Anh. Năm 1701, cuối cùng Quốc hội đáp ứng bằng cách thông qua “luật về việc tuyển dụng hợp pháp người nghèo, thông qua khuyến khích các nhà sản xuất trong vương quốc”. Từ tháng 9/1701, Quốc hội ra nghị quyết: “Tất cả các loại lụa chế tác, bengal và chất liệu kết hợp với lụa hoặc thảo mộc sản xuất ở Ba Tư, Trung Quốc hay Đông Ấn Độ, tất cả các loại vải calico vẽ, nhuộm, in hay làm đổi màu ở đó, đang hay sẽ được nhập khẩu vào vương quốc, sẽ không được phép mặc”.
Giờ đây, việc mặc các loại lụa và vải calico châu Á ở Anh là bất hợp pháp. Nhưng vẫn có thể nhập khẩu chúng để tái xuất sang châu Âu hay các nơi khác, cụ thể như sang các thuộc địa châu Mỹ. Hơn nữa, vải calico trơn có thể được nhập và hoàn thiện ở Anh, và vải muslin không bị cấm. Sau một thời gian dài tranh đấu, các kẽ hở của luật này, theo quan điểm của các nhà sản xuất len nội địa, đã được lấp kín bằng Luật Calico năm 1721: “Sau ngày 25/3/1722 ở nước Anh, bất kỳ ai sử dụng hay mặc trang phục bằng vải calico in, vẽ hay nhuộm hay làm đổi màu đều không hợp pháp”. Mặc dù làm triệt tiêu sự cạnh tranh từ châu Á đối với vải len của Anh, luật này vẫn để lại một ngành vải bông và linen nội địa cạnh tranh sôi động với vải len: hỗn hợp sợi bông và linen tạo thành một loại vải được ưa chuộng gọi là fustian. Sau khi loại bỏ cạnh tranh từ châu Á, ngành len quay ra trấn áp vải linen. Linen chủ yếu được sản xuất tại Scotland và Ireland, điều đó mang lại cơ hội cho liên hiệp Anh yêu cầu loại trừ các nước này ra khỏi thị trường Anh. Tuy nhiên, có những hạn chế đối với quyền lực của các nhà sản xuất len. Các nỗ lực mới của họ vấp phải sự chống đối quyết liệt từ các nhà sản xuất vải fustian trong các trung tâm công nghiệp đang lớn mạnh ở Manchester, Lancaster và Liverpool. Các thể chế chính trị đa nguyên ngụ ý rằng tất cả các nhóm này giờ đây đều tiếp cận với quá trình chính sách trong Quốc hội thông qua bỏ phiếu, và quan trọng hơn, thông qua kiến nghị. Mặc dù các đơn kiến nghị đến từ cả hai phía, với chữ ký của cả những người ủng hộ lẫn chống đối, nhưng kết quả của cuộc xung đột này là thắng lợi của các nhóm lợi ích mới chống lại ngành len. Luật Manchester năm 1736 nhất trí rằng “lượng chất liệu khổng lồ làm từ sợi linen và bông đã được sản xuất trong nhiều năm qua, và đã được in và vẽ tại vương quốc Anh”. Sau đó, luật tiếp tục khẳng định rằng “không điều khoản nào trong luật trích dẫn trên đây [luật năm 1721] sẽ được áp dụng hay lý giải để cấm đoán việc mặc hay sử dụng trong trang phục, vật liệu gia đình, đồ gỗ nội thất hay các mục đích sử dụng khác, bất kỳ loại chất liệu nào làm bằng sợi linen và bông được chế tạo và in hay vẽ với bất kỳ màu sắc nào trong vương quốc Anh”.
Luật Manchester là một thắng lợi to lớn đối với các nhà sản xuất bông non trẻ. Nhưng tầm quan trọng lịch sử và kinh tế của nó thật ra còn lớn hơn nhiều. Thứ nhất, nó minh họa cho giới hạn đối với những hàng rào cản trở thị trường mà các thể chế trị đa nguyên của nước Anh lập hiến sẽ cho phép. Thứ hai, qua nửa thế kỷ sau, đổi mới công nghệ trong công nghiệp chế tạo vải bông sẽ đóng vai trò trọng tâm trong cuộc Cách mạng công nghiệp và làm chuyển hóa xã hội một cách cơ bản với việc xuất hiện hệ thống nhà máy.
Sau năm 1688, mặc dù đã có một sân chơi bình đẳng trong nước, Quốc hội vẫn cố gắng kéo lệch sân chơi quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện rõ rệt qua Luật Calico mà còn bộc lộ qua các bộ luật hàng hải; luật thứ nhất trong số đó được thông qua năm 1651, và các bộ luật vẫn có hiệu lực với một vài sửa đổi suốt 200 năm sau. Mục đích của luật này là tạo điều kiện thuận lợi cho sự độc quyền hóa của Anh trong thương mại quốc tế - mặc dù đây không phải là độc quyền hóa của nhà nước mà là của khu vực tư nhân. Nguyên tắc cơ bản là: hàng hóa thương mại của Anh phải được vận chuyển bằng tàu Anh. Luật làm cho những con tàu nước ngoài chở hàng hóa từ bên ngoài châu Âu đến Anh hay các nước thuộc địa đều trở thành bất hợp pháp, và cũng bất hợp pháp tương tự đối với tàu của các nước thứ ba chở hàng từ một nước bên ngoài châu Âu đến Anh. Một cách tự nhiên, lợi thế này giúp tăng lợi nhuận của các thương nhân và các nhà sản xuất của Anh và có thể khuyến khích đổi mới hơn nữa trong các hoạt động mới và có lợi nhuận cao này.
Đến năm 1760, sự kết hợp các yếu tố này - các quyền sở hữu mới và được cải thiện, cơ sở hạ tầng tốt hơn, cơ chế ngân sách thay đổi, tiếp cận tài chính nhiều hơn, và sự tích cực bảo hộ các nhà buôn và nhà sản xuất - bắt đầu có tác dụng. Sau năm 1760, số lượng bằng phát minh tăng vọt, và sự thay đổi công nghệ - vốn là trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp - bừng nở và ngày càng trở nên rõ nét. Hoạt động phát minh đổi mới diễn ra trên nhiều mặt trận, phản ánh môi trường thể chế được cải thiện. Một lĩnh vực trọng yếu là năng lượng, nổi tiếng nhất là những chuyển biến trong việc sử dụng động cơ hơi nước, kết quả của các ý tưởng của James Watt vào thập niên 1760.
Đột phá đầu tiên của Watt là giới thiệu một buồng ngưng tụ hơi nước riêng để xi-lanh chứa piston có thể giữ nhiệt liên tục, thay vì phải làm nóng và làm nguội. Sau đó, ông phát triển nhiều ý tưởng khác, như các phương pháp hiệu quả hơn để chuyển hóa chuyển động của động cơ hơi nước thành nguồn năng lượng hữu ích, đáng chú ý nhất là hệ thống bánh răng “mặt trời và các hành tinh”. Trong tất cả các lĩnh vực này, đổi mới công nghệ được xây dựng trên công trình trước đó của những người khác. Trong bối cảnh động cơ hơi nước, các công trình này bao gồm nghiên cứu trước đó của nhà phát minh người Anh Thomas Newcomen và Dionysius Papin, nhà vật lý và nhà phát minh người Pháp.
Câu chuyện phát minh của Papin là một ví dụ khác về cách thức sự đe dọa của phá hủy sáng tạo đã cản trở thay đổi công nghệ như thế nào trong các thể chế chiếm đoạt. Papin sáng chế ra “nồi áp suất” và đến năm 1679 ông phát triển nó thành một động cơ piston. Năm 1705, ông sử dụng động cơ thô sơ này để làm chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới. Lúc bấy giờ Papin là một giáo sư toán ở Đại học Marburg thuộc bang Kassel nước Đức. Ông quyết định chạy thử con tàu xuôi dòng sông Fulda đến sông Weser. Bất kỳ tàu nào đi theo lộ trình này cũng đều phải dừng lại ở thành phố Münden. Thời đó, lưu thông đường thủy trên sông Fulda và Weser là độc quyền của một phường hội tàu thủy. Papin ắt hẳn đã ý thức rằng chuyện này có thể gây rắc rối. Bạn ông và cũng là người thầy thông thái, nhà vật lý học người Đức nổi tiếng Gottfried Leibniz, gửi kiến nghị cho thủ hiến bang Kassel, xin cho Papin được phép “…đi qua mà không bị cản trở…” trên lãnh thổ Kassel. Thế nhưng kiến nghị của Leibniz bị từ chối và ông nhận được câu trả lời cộc lốc rằng: “Hội đồng thủ hiến nhận thấy những trở ngại nghiêm trọng trong việc chấp thuận kiến nghị nói trên, và không cho biết lý do, họ đã chỉ đạo tôi thông báo quyết định cho ông, và vì thế, yêu cầu này không được Thủ hiến tối cao chấp thuận”. Không nao núng, Papin quyết định dù thế nào cũng thực hiện cuộc hành trình. Khi chiếc tàu hơi nước của ông đến Münden, thoạt tiên phường hội tàu thủy cố gắng thuyết phục một thẩm phán địa phương chặn con tàu nhưng không thành công. Sau đó phường hội tấn công và phá tan thành từng mảnh cả con tàu cùng với động cơ hơi nước. Papin chết trong nghèo túng và được chôn trong một nấm mồ vô danh. Dưới thời Tudor hay Stuart ở Anh, Papin ắt hẳn cũng nhận được sự đối xử thù địch tương tự, nhưng điều này thay đổi hoàn toàn sau năm 1688. Thật ra, Papin đã dự định đưa chiếc tàu đến Luân Đôn trước khi nó bị phá hủy.
Trong ngành luyện kim, các đóng góp then chốt trong thập niên 1780 là của Henry Cort, người đã du nhập các kỹ thuật mới để xử lý tạp chất trong sắt, giúp sản xuất sắt chế tác chất lượng cao hơn nhiều. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc sản xuất các linh kiện, máy móc, đinh và công cụ. Việc sản xuất số lượng lớn sắt chế tác bằng các kỹ thuật của Cort được tạo điều kiện thuận lợi thông qua phát minh của Abraham Darby và các con ông, những người đi tiên phong trong việc sử dụng than để nung chảy sắt từ năm 1709. Quá trình này được thúc đẩy vào năm 1762 khi John Smeaton ứng dụng năng lượng hơi nước để vận hành các xi-lanh trong việc chế tạo than cốc. Sau đó, than củi không còn được sử dụng để sản xuất sắt, mà được thay thế bằng than đá rẻ và sẵn có hơn.
Mặc dù rõ ràng là có tính chất tích lũy, hoạt động phát minh đổi mới vẫn tăng tốc một cách rõ rệt vào giữa thế kỷ 18. Không lĩnh vực nào thể hiện điều này rõ hơn so với ngành dệt. Hoạt động cơ bản nhất trong ngành dệt là xe sợi, liên quan đến việc lấy sợi thực vật hay động vật, như bông hay len, rồi xe sợi lại thành chỉ. Sau đó, chỉ này được dệt thành vải. Một trong những đổi mới công nghệ vĩ đại của thời Trung cổ là guồng xe sợi, thay cho việc xe sợi thủ công. Phát minh này xuất hiện vào khoảng năm 1280 ở châu Âu, có lẽ lan truyền từ Trung Đông. Các phương pháp xe sợi không thay đổi cho đến thế kỷ 18. Những đổi mới quan trọng bắt đầu vào năm 1738, khi Lewis Paul được cấp bằng phát minh về một phương pháp mới để xe sợi bằng các con lăn thay cho việc dùng tay kéo sợi đang xe. Tuy nhiên, cỗ máy vận hành không trôi chảy và chính các phát minh của Richard Arkwright và James Hargreaves mới thật sự cách mạng hóa hoạt động xe sợi.
Năm 1769, Arkwright, một trong những nhân vật lỗi lạc của cuộc Cách mạng công nghiệp, được cấp bằng phát minh cho “guồng quay nước” (water frame), một sự cải tiến vĩ đại so với cỗ máy của Lewis. Ông thành lập một công ty hợp danh với Jedediah Strutt và Samuel Need, vốn là các nhà sản xuất hàng dệt kim. Năm 1771, họ xây dựng một trong những nhà máy đầu tiên trên thế giới ở Cromford. Các cỗ máy mới chạy bằng nước, nhưng về sau, Arkwright thực hiện sự cải tiến quan trọng để chuyển sang sử dụng năng lượng hơi nước. Đến năm 1774, công ty của ông tuyển dụng 600 công nhân, và nhanh chóng mở rộng hoạt động, cuối cùng đã xây dựng nhà máy ở Manchester, Matlock, Bath và New Lanark ở Scotland. Các phát minh của Arkwright được bổ trợ bằng các sáng kiến của Hargreaves vào năm 1764 về máy se nhiều sợi cùng một lúc (spinning jenny), rồi lại được Samuel Crompton phát triển vào năm 1779 thành máy kéo sợi (mule) và về sau, Richard Roberts lại cải tiến thành máy kéo sợi tự hành. Các phát minh này thật sự đã làm nên một cuộc cách mạng trong ngành dệt: vào đầu thế kỷ, những người se sợi thủ công phải mất 50.000 giờ để xe được một lượng bông nặng 100 pound (khoảng 45 kg). Guồng quay nước của Arkwright có thể làm điều này trong 300 giờ, và máy kéo sợi tự hành chỉ mất 135 giờ.
Cùng với việc cơ giới hóa hoạt động xe sợi là cơ giới hóa hoạt động dệt vải. Bước tiến quan trọng đầu tiên là phát minh con thoi của John Kay vào năm 1733. Mặc dù thoạt đầu nó chỉ đơn thuần giúp tăng năng suất dệt thủ công, tác động lâu dài nhất của nó là mở đường cho việc cơ giới hóa hoạt động dệt vải. Xây dựng trên con thoi, Edmunnd Cartwright du nhập khung cửi dệt vải chạy bằng năng lượng vào năm 1785, bước tiến đầu tiên trong hàng loạt phát minh dẫn đến máy móc thay thế kỹ năng thủ công trong việc dệt vải như đang xảy ra đối với hoạt động xe sợi.
Ngành dệt của Anh không chỉ là động lực nằm đằng sau cuộc Cách mạng công nghiệp mà nó còn cách mạng hóa nền kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Anh, dẫn đầu là vải bông, tăng gấp đôi từ năm 1780 đến 1800. Chính sự tăng trưởng trong lĩnh vực này đã kéo toàn bộ nền kinh tế đi theo. Sự kết hợp của đổi mới tổ chức và công nghệ đã mang lại mô hình tiến bộ kinh tế giúp chuyển đổi các nền kinh tế thế giới để trở nên giàu có.
Những con người mới với ý tưởng mới có ý nghĩa quan trọng trong sự chuyển đổi này. Hãy xem sự đổi mới trong ngành giao thông. Ở Anh đã có những làn sóng đổi mới như thế: trước tiên là kênh đào, rồi đến đường bộ, và cuối cùng là đường sắt. Trong từng làn sóng này, những người phát minh đều là những con người mới. Kênh đào bắt đầu phát triển ở Anh sau năm 1770, và đến năm 1810, mạng lưới kênh đào đã kết nối nhiều khu vực sản xuất quan trọng nhất. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp mở ra, kênh đào đóng vai trò quan trọng giúp giảm chi phí vận chuyển các hàng hóa công nghiệp mới và cồng kềnh như vải bông và các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất như sợi bông thô và than để chạy động cơ hơi nước. Các nhà phát minh đầu tiên trong hoạt động xây dựng kênh đào là những người như James Brindley, đã được Công tước Bridgewater thuê để xây dựng kênh Bridgewater, giúp nối liền thành phố công nghiệp then chốt Manchester với cảng Liverpool. Chào đời ở vùng nông thôn Derbyshire, Brindley vốn dĩ là một người thợ cối xay. Danh tiếng của ông trong việc tìm ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề kỹ thuật đã thu hút sự chú ý của ngài công tước. Ông không có kinh nghiệm từ trước trong các vấn đề giao thông, và điều này cũng là thực tế đối với các kỹ sư kênh đào vĩ đại khác như Thomas Telford, vốn khởi nghiệp trên cương vị một người thợ xây đá, hay John Smeaton, một kỹ sư và người chế tạo công cụ.
Hệt như các kỹ sư kênh đào vĩ đại không có kinh nghiệm trước trong ngành giao thông, các kỹ sư đường bộ và đường sắt vĩ đại cũng thế. John McAdam, người phát minh ra vật liệu đá giăm trộn với nhựa đường vào khoảng năm 1816, là con thứ hai của một quý tộc nhỏ. Chiếc tàu hỏa chạy bằng hơi nước đầu tiên là do Richard Trevithick chế tạo vào năm 1804. Cha của Trevithick khai thác khoáng sản ở Cornwall, Richard tham gia vào công việc này trong những năm đầu đời, và trở nên bị mê hoặc bởi các động cơ hơi nước dùng để bơm hút khoáng sản. Đáng kể hơn là phát minh của George Stephenson, con trai của những người không biết chữ và là người phát minh ra chiếc tàu hỏa nổi tiếng “Tên lửa”, từng bắt đầu làm việc với vai trò thợ bảo trì động cơ ở một mỏ than.
Những con người mới cũng lèo lái ngành dệt bông quan trọng. Một số người tiên phong trong ngành sản xuất mới mẻ này là những người trước đây từng tham gia vào công việc sản xuất và buôn bán vải len. Ví dụ như John Foster, người đã tuyển dụng 700 thợ dệt cửi trong ngành len vào thời điểm ông chuyển sang bông và thành lập nhà máy Black Dyke vào năm 1835. Nhưng những người như Foster chỉ là thiểu số. Chỉ có khoảng 1/5 các nhà công nghiệp hàng đầu thời kỳ này là những người đã từng liên quan đến bất kỳ hoạt động sản xuất công nghiệp từ trước. Điều này không phải lạ thường vì lẽ ngành bông phát triển ở các thị trấn mới ở miền bắc nước Anh. Nhà máy là một phương thức hoàn toàn mới mẻ để tổ chức sản xuất. Ngành len từng được tổ chức theo một phương thức rất khác, cụ thể là giao nguyên liệu cho các cá nhân mang về nhà tự xe sợi và dệt. Do đó, hầu hết những người hoạt động trong ngành len không được trang bị tốt để chuyển sang bông như Foster. Cần phải có những con người mới để phát triển và sử dụng công nghệ mới. Sự mở rộng nhanh chóng của ngành bông đã gây thiệt hại cho ngành len, đó là sự phá hủy sáng tạo.
Sự phá hủy sáng tạo không chỉ phân phối lại thu nhập và của cải, mà còn phân phối lại quyền lực chính trị, như William Lee đã nhận ra khi ông thấy chính quyền không chấp nhận phát minh của ông vì họ lo sợ các hệ lụy chính trị của nó. Khi nền kinh tế công nghiệp mở mang ở Manchester và Birmingham, các chủ sở hữu nhà máy mới và tầng lớp trung lưu xuất hiện xung quanh họ bắt đầu phản đối việc tước quyền bầu cử và các chính sách nhà nước đi ngược lại quyền lợi của họ. Một trong những chính sách đó là Luật Ngũ cốc cấm nhập khẩu tất cả các loại ngũ cốc - kể cả dạng hạt và bột dinh dưỡng, nhưng chủ yếu là lúa mì - nếu giá xuống quá thấp, qua đó bảo đảm rằng lợi nhuận của các chủ sở hữu đất lớn luôn được duy trì ở mức cao. Chính sách này rất có lợi cho các chủ sở hữu đất lớn sản xuất lúa mì, nhưng gây thiệt hại cho các nhà sản xuất vì họ phải trả lương cao hơn để đền bù cho giá bánh mì cao.
Với người lao động tập trung vào các nhà máy mới và các trung tâm công nghiệp, việc tổ chức và gây rối trở nên dễ dàng hơn. Đến thập niên 1820, việc tước quyền chính trị của các nhà sản xuất mới và các trung tâm công nghiệp trở nên không thể chấp nhận được nữa. Ngày 16/8/1819, một cuộc biểu tình để phản đối hệ thống chính trị và các chính sách nhà nước được lên kế hoạch tổ chức ở cánh đồng St. Peter, Manchester. Người tổ chức là Joseph Johnson, một nhà sản xuất bàn chải địa phương và một trong những người sáng lập tờ báo cấp tiến Manchester Observer. Những người tổ chức khác bao gồm John Knight, nhà sản xuất bông và nhà cải cách, và John Thacker Saxton, chủ bút tờ Manchester Observer. 60 nghìn người phản đối tập hợp lại, nhiều người giương cao biểu ngữ như “Bãi bỏ Luật Ngũ cốc”, “Bầu cử phổ thông” và “Bỏ phiếu kín” (có nghĩa là việc bỏ phiếu phải thực hiện kín, riêng tư, chứ không lộ liễu như vào năm 1819). Chính quyền rất lo lắng về cuộc biểu tình và một lực lượng 600 kị binh của đoàn kị binh châu Âu thứ 15 đã được tập hợp. Khi các bài diễn văn bắt đầu, một thẩm phán địa phương quyết định ban hành lệnh bắt giữ các diễn giả. Khi cảnh sát cố gắng thi hành lệnh bắt giữ, họ va phải sự chống đối của đám đông, và xô xát nổ ra. Đến lúc này thì kị binh tấn công đám đông. Chỉ trong vài phút hỗn loạn, đã có 11 người thiệt mạng và khoảng 600 người bị thương. Tờ Manchester Observer gọi đây là cuộc thảm sát Peterloo.
Nhưng ứng với những thay đổi đã diễn ra trong các thể chế kinh tế và chính trị, sự trấn áp dài hạn không phải là một giải pháp ở Anh. Trận chiến Peterloo vẫn là một sự cố hy hữu. Sau vụ bạo loạn, các thể chế chính trị ở Anh đã nhường bước trước áp lực và mối đe dọa làm mất ổn định từ những vụ náo động xã hội sâu rộng hơn, nhất là sau cuộc cách mạng năm 1830 ở Pháp chống lại Vua Charles X,
người ra sức phục hồi chế độ chuyên chế từng bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Năm 1832, chính phủ thông qua Luật cải cách thứ nhất. Luật trao quyền bầu cử cho Birmingham, Leeds, Manchester và Sheffield, đồng thời mở rộng cơ sở bầu cử để các nhà sản xuất có thể được đại diện trong Quốc hội. Sự dịch chuyển quyền lực chính trị tiếp theo đã đưa đường lối chính sách đi theo chiều hướng thuận lợi cho các nhóm lợi ích mới được đại diện; năm 1846, họ xoay sở để Luật Ngũ cốc đáng ghét bị hủy bỏ, một lần nữa cho thấy sự phá hủy sáng tạo không chỉ có nghĩa là tái phân phối thu nhập mà còn dẫn đến tái phân phối quyền lực chính trị. Và lẽ tự nhiên, những thay đổi trong phân phối quyền lực chính trị đúng lúc sẽ dẫn đến tái phân phối thu nhập hơn nữa.
Chính bản chất dung hợp của các thể chế ở Anh đã cho phép quá trình này diễn ra. Những người lo sợ sự phá hủy sáng tạo và khốn khổ vì nó không thể ngăn chặn nó được nữa.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)