[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VI: Phân hóa thể chế (Phần 4)
KHÔNG CÒN AI VIẾT THƯ TỪ VINDOLANDA
Năm 43 SCN, hoàng đế La Mã Claudius chinh phục nước Anh, nhưng không chinh phục được Scotland. Thống đốc La Mã Agricola ra sức thực hiện nỗ lực vô vọng cuối cùng rồi cũng đành từ bỏ để xây dựng một loạt pháo đài nhằm bảo vệ biên giới phía bắc của Anh vào năm 85 SCN. Một trong những pháo đài lớn nhất trong số đó là ở Vindolanda, cách 35 dặm về phía tây Newcastle và được mô tả trên bản đồ 11 về phía tây bắc Đế quốc La Mã. Về sau, Vindolanda được sáp nhập vào bức tường thành phòng thủ dài 85 dặm mà hoàng đế Hadrian xây dựng, nhưng vào năm 103 SCN, khi vị sĩ quan chỉ huy 100 binh sĩ Candidus đóng quân ở đó, nơi ấy chỉ là một pháo đài biệt lập. Candidus tham gia cùng với bạn ông, Octavius, cung cấp lương thực cho binh sĩ đồn trú La Mã; ông viết thư cho Octavius và nhận được hồi âm như sau:
Octavius gửi lời chào người anh em Candidus,
Tớ đã nhiều lần viết thư cho cậu rằng tớ đã mua khoảng 5.000 modii bông lúa, vì thế tớ cần tiền mặt. Trừ khi cậu gửi cho tớ một ít tiền mặt, ít nhất là 500 denarii, bằng không tớ sẽ mất số tiền tớ đã đặt cọc, khoảng 300 denarii, và tớ sẽ ngượng lắm. Vì thế, tớ xin cậu hãy gửi tiền cho tớ càng sớm càng tốt. Những tấm da cậu viết là ở Cataractonium mà cậu gửi cho tớ và chiếc xe kéo như cậu đã viết trong thư. Tớ sẵn sàng nhận chúng, ngoại trừ tớ không chịu trách nhiệm về việc gia súc bị thương vì đường xấu. Hãy lo liệu với Tertius về số tiền 8½ denarii mà cậu ấy nhận được từ Fatalis. Cậu ấy chưa gửi vào tài khoản của tớ. Nhớ gửi tiền cho tớ để tớ có lúa mà đưa vào sân đập đấy nhé. Gửi lời chào Spectacus và Firmus.
Tạm biệt.
Quan hệ thư từ giữa Candidus và Octavius minh họa một vài khía cạnh đáng kể của sự thịnh vượng kinh tế ở nước Anh thuộc La Mã: Nó phơi bày một nền kinh tế tiền tệ với các dịch vụ tài chính. Nó cho thấy sự xuất hiện của đường sá đã được xây dựng, cho dù đôi khi ở vào tình trạng xấu. Nó bộc lộ sự hiện diện của một hệ thống ngân sách, huy động thuế để trả lương cho Candidus. Rõ ràng nhất, nó cho thấy cả hai người đều biết chữ và có thể tranh thủ các loại dịch vụ bưu điện. Nước Anh thuộc La Mã cũng hưởng lợi từ việc sản xuất đại trà đồ gốm chất lượng cao, nhất là ở Oxfordshire; các trung tâm đô thị với phòng tắm và các tòa nhà công cộng; và các kỹ thuật xây dựng nhà ở sử dụng vôi vữa và gạch ngói để lợp mái.
Đến thế kỷ thứ 4, đế chế suy tàn trên mọi phương diện, và sau năm 411 SCN, Đế quốc La Mã từ bỏ nước Anh. Quân đội rút lui; những người còn lại không được trả lương, và khi nhà nước La Mã sụp đổ, những người cai trị bị dân bản xứ trục xuất. Đến năm 450 SCN, mọi biểu hiện huy hoàng của thời vàng son kinh tế đều biến mất. Tiền không còn được lưu thông. Người La Mã rời bỏ các thành phố, và các tòa nhà bị tháo gỡ gạch đá. Cỏ dại lan tràn trên khắp các ngả đường. Loại đồ gốm duy nhất còn được chế tạo là hàng thô sơ và làm bằng tay, chứ không còn chế tác nữa. Dân chúng quên không còn biết sử dụng vôi vữa như thế nào, và tỷ lệ biết chữ giảm mạnh. Mái nhà được lợp lá chứ không còn gạch ngói. Không còn ai viết thư từ Vindolanda.
Sau năm 411 SCN, nước Anh bị sụp đổ kinh tế và trở thành một vùng nghèo khổ không sinh khí - và đó không phải là lần đầu tiên. Trong chương trước, chúng ta đã thấy cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới bắt đầu ở Trung Đông vào khoảng năm 9500 TCN. Trong khi người dân Jericho và Abu Hureyra sống trong những thị trấn nhỏ và canh tác nông nghiệp thì dân Anh vẫn còn săn bắn hái lượm và vẫn tiếp tục như thế mãi đến ít nhất 5.500 năm sau. Thậm chí đến lúc ấy nước Anh cũng không phát minh ra việc trồng trọt hay chăn nuôi; hoạt động này được đưa vào Anh từ bên ngoài theo bước chân những người di cư từ Trung Đông lan ra châu Âu suốt hàng nghìn năm. Khi người Anh bắt kịp những đổi mới to lớn này, người Trung Đông đã dựng lên các thành phố, tạo ra chữ viết và đồ gốm. Đến năm 3500 TCN, những thành phố lớn như Uruk và Ur đã mọc lên ở Mesopotamia thuộc Iraq ngày nay. Uruk có thể có dân số khoảng 14 nghìn người vào năm 3500 TCN, và chẳng mấy chốc lên đến 40 nghìn người. Bàn xoay gốm được phát minh ở Mesopotamia gần như cùng lúc với việc giao thông vận chuyển bằng bánh xe. Thủ đô Ai Cập Memphis vươn lên như một thành phố lớn ngay sau đó. Chữ viết xuất hiện một cách độc lập ở cả hai nơi này. Trong khi người Ai Cập xây dựng các kim tự tháp vĩ đại Giza vào khoảng năm 2500 TCN, người Anh dựng đài kỷ niệm cổ đại nổi tiếng nhất của họ, các tảng đá quây tròn ở Stonehenge. Tuy không tệ theo tiêu chuẩn của Anh, nhưng thậm chí còn không đủ lớn để chứa một trong những chiếc thuyền nghi lễ được chôn dưới chân kim tự tháp của vua Khufu. Nước Anh tiếp tục tụt lại đằng sau và vay mượn từ Trung Đông cũng như phần còn lại của châu Âu mãi cho đến hết thời kỳ La Mã.
Bất chấp một lịch sử hẩm hiu như thế, chính tại nước Anh, một xã hội thật sự dung hợp đầu tiên đã ra đời và cuộc Cách mạng công nghiệp đã xảy ra. Chúng tôi đã lập luận trên đây rằng đó là kết quả của một loạt tương tác giữa những khác biệt thể chế nhỏ nhặt và các thời điểm quyết định - ví dụ như nạn dịch hạch và việc khám phá ra châu Mỹ. Sự phân hóa của Anh có cội rễ lịch sử, nhưng cái nhìn từ Vindolanda cho thấy rằng cội rễ này không ăn sâu lắm và chắc chắn không được lịch sử ấn định trước. Cội rễ này không được được gieo trồng trong cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới, hay thậm chí trong những thế kỷ người La Mã làm bá chủ. Đến năm 450 SCN, khởi điểm của thời kỳ mà các sử gia gọi Thời kỳ Đen tối (Dark Age), nước Anh rơi vào đói nghèo và hỗn loạn chính trị. Suốt hàng trăm năm, nước Anh không có nổi một nhà nước tập quyền hữu hiệu.
CÁC LỘ TRÌNH PHÂN HÓA
Sự vươn lên của các thể chế dung hợp và sự tăng trưởng công nghiệp tiếp theo ở Anh không xảy ra như một di sản trực tiếp của các thể chế La Mã hay trước đó. Điều này không có nghĩa là không có gì đáng kể xảy ra với sự suy tàn của Đế quốc Tây La Mã, vốn là một biến cố lớn ảnh hưởng đến hầu hết châu Âu. Vì các lộ trình khác nhau của châu Âu đều có chung một thời điểm quyết định, các thể chế này sẽ phân hóa theo một cách thức tương tự như nhau, có lẽ là một cách thức đặc trưng của châu Âu. Sự suy tàn của Đế quốc La Mã là một phần quan trọng của thời điểm quyết định chung này. Lộ trình của châu Âu tương phản với lộ trình ở các nơi khác trên thế giới, như vùng hạ Sahara châu Phi, châu Á và châu Mỹ, vốn phát triển một cách khác biệt, một phần do họ không đứng trước những thời điểm quyết định tương tự.
Nước Anh thuộc La Mã sụp đổ một cách đột ngột. Sự sụp đổ của Đế quốc La Mã ở Ý, xứ Gaul (nước Pháp hiện nay), hay ngay cả Bắc Phi cũng đỡ đột ngột hơn, khi nhiều thể chế cũ vẫn tiếp tục tồn tại dưới một hình thức nào đó. Thế nhưng, rõ ràng việc thay đổi từ sự thống trị của một nhà nước La Mã duy nhất chuyển sang trạng thái quá nhiều nhà nước được cầm đầu bởi các bộ tộc người Frank, Visigoth, Ostrogoth, Vandal và Burgundy đã có ý nghĩa quan trọng. Quyền lực của các nhà nước này yếu hơn nhiều, và họ bị vùi dập bởi hàng loạt những trận tấn công từ bên ngoài. Từ phía bắc là người Viking và Đan Mạch trên những con tàu lớn. Từ phương đông là binh mã của rợ Hung. Cuối cùng, sự vươn lên của thế giới Hồi giáo như một tôn giáo và một lực lượng chính trị sau cái chết của Mohammed vào năm 632 SCN dẫn đến sự ra đời của các nhà nước Hồi giáo mới trên khắp Đế quốc Byzantine, Bắc Phi và Tây Ban Nha. Các quá trình chung này làm châu Âu rung chuyển mạnh mẽ và tiếp đến là sự xuất hiện của một hình thức xã hội đặc thù, được gọi chung là xã hội phong kiến. Xã hội phong kiến có tính phân quyền, vì các nhà nước trung ương mạnh đã bị hao mòn, ngay cả khi một vài vị hoàng đế như Charlemagne cố gắng tái thiết chúng.
Các thể chế phong kiến, vốn dựa vào lao động cưỡng bức không có tự do (nông nô), rõ ràng là có tính chiếm đoạt, và tạo thành nền tảng cho một thời kỳ dài của sự tăng trưởng chậm và chiếm đoạt ở châu Âu thời Trung cổ. Nhưng các thể chế đó cũng đã để lại hệ lụy cho các diễn biến phát triển về sau. Ví dụ như, trong quá trình biến dân nông thôn thành thân phận nông nô, chế độ nô lệ đã biến mất khỏi châu Âu. Khi giới quyền thế có thể biến toàn bộ dân nông thôn thành nông nô, xem ra họ không cần có một tầng lớp nô lệ riêng như mọi xã hội trước đều có. Chế độ phong kiến cũng tạo ra một môi trường quyền lực tuyệt đối, trong đó giới quyền thế độc lập chuyên môn hóa sản xuất và thương mại có thể trở nên thịnh vượng. Nhưng khi cán cân quyền lực thay đổi sau nạn dịch hạch và chế độ nông nô bắt đầu sụp đổ ở Tây Âu, tình thế đã mở màn cho một xã hội đa nguyên hơn, không còn sự tồn tại của bất kỳ người nô lệ nào nữa.
Các thời điểm quyết định dẫn đến xã hội phong kiến rất đặc trưng, nhưng không hoàn toàn chỉ hạn chế trong phạm vi châu Âu. Thời điểm này cũng xảy ra tương tự với đất nước châu Phi hiện đại Ethiopia, hình thành và phát triển từ Vương quốc Aksum ra đời ở phía bắc đất nước vào khoảng năm 400 TCN. Aksum là một vương quốc tương đối phát triển thời bấy giờ và tham gia hoạt động thương mại quốc tế với Ấn Độ, Ảrập, Hy Lạp và Đế quốc La Mã. Trên nhiều phương diện, vương quốc này có thể sánh với Đế quốc Tây La Mã thời kỳ này. Họ sử dụng tiền, xây dựng các công trình tưởng niệm công cộng và đường sá, và có công nghệ tương tự, chẳng hạn như trong nông nghiệp và vận chuyển tàu thủy. Cũng có sự song hành thú vị về mặt hệ tư tưởng giữa Aksum và La Mã. Vào năm 312 SCN, hoàng đế La Mã Constantine cải sang đạo Thiên chúa giáo, cũng như Vua Ezana của Aksum vào khoảng thời gian này. Bản đồ 12 trình bày vị trí của nhà nước Aksum lịch sử ở đất nước Ethiopia và Eritrea thời hiện đại, với các tiền đồn băng qua Biển Đỏ ở Ảrập Xê-út và Yemen.
Bản đồ 12: Đế chế Aksum và các bộ tộc Somali (p.232)
Khi La Mã suy tàn, Aksum cũng thế, và sự suy tàn lịch sử của họ tuân theo một mô thức tương tự như của Đế quốc Tây La Mã. Vai trò của rợ Hung và người Vandals trong sự suy vong của La Mã được đảm trách bởi người Ảrập mà vào thế kỷ thứ 7, đã bành trướng vào Biển Đỏ xuống bán đảo Ảrập. Aksum mất các thuộc địa ở Ảrập và các lộ trình thương mại của họ. Sự suy sụp kinh tế diễn ra rất nhanh: tiền không còn được đúc nữa, dân số đô thị giảm nhanh, và có sự tái tập trung quyền lực nhà nước bên trong lãnh thổ đất nước đến vùng cao nguyên Ethiopia hiện đại.
Ở châu Âu, các thể chế phong kiến nổi lên theo sau sự sụp đổ của nhà nước tập quyền. Điều tương tự cũng xảy ra ở Ethiopia, dựa vào một hệ thống gọi làgult, liên quan đến việc cấp đất của nhà vua. Thể chế này được đề cập trong các bản viết tay thế kỷ 13, dù có thể có nguồn gốc sớm hơn. Thuật ngữ gult xuất phát từ một từ trong ngôn ngữ Amharic (ngôn ngữ chính của Ethiopia) có nghĩa là “người được phong thái ấp”. Nó cho thấy rằng, để được cấp đất, người giữ gult phải cung cấp dịch vụ cho nhà vua, đặc biệt là dịch vụ quân sự. Đổi lại, người giữ gult có quyền chiếm đoạt cống vật từ những người canh tác trên đất. Nhiều nguồn tư liệu lịch sử cho thấy rằng người giữ gult chiếm đoạt từ một nửa đến 3/4 sản lượng nông nghiệp của nông dân. Hệ thống này phát triển độc lập và có những điểm tương đồng rõ rệt với hệ thống phong kiến châu Âu, nhưng xem ra còn có tính chiếm đoạt nhiều hơn. Vào thời điểm cao trào của chủ nghĩa phong kiến ở Anh, nông nô đứng trước sự chiếm đoạt đỡ dã man hơn và mất khoảng một nửa sản lượng cho các lãnh chúa dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nhưng Ethiopia không đại diện cho châu Phi. Ở những nơi khác, chế độ nô lệ không được thay thế bằng chế độ nông nô; chế độ nô lệ châu Phi và các thể chế nâng đỡ nó vẫn tiếp tục tồn tại qua nhiều thế kỷ. Thậm chí lộ trình cuối cùng của Ethiopia cũng rất khác. Sau thế kỷ thứ 7, Ethiopia vẫn bị cô lập sau các rặng núi Đông Phi và tách biệt với những quá trình ảnh hưởng đến đường lối thể chế của châu Âu như sự nổi lên của các thành phố độc lập, sự giới hạn quyền lực triều đình mới manh nha và sự mở rộng hoạt động thương mại Đại Tây Dương sau khi khám phá ra châu Mỹ. Vì thế, phiên bản của các thể chế chuyên chế ở Ethiopia nhìn chung vẫn không bị thách thức. Lục địa châu Phi sau này tương tác với với châu Âu và châu Á theo một cách rất khác. Đông Phi trở thành nơi cung cấp nô lệ chính cho thế giới Ảrập, trong khi Tây và Trung Phi được lôi kéo vào nền kinh tế thế giới như những nguồn cung cấp nô lệ trong thời kỳ mở mang kinh tế của châu Âu gắn liền với hoạt động thương mại Đại Tây Dương. Cách thức hoạt động thương mại Đại Tây Dương dẫn đến các lộ trình phân hóa sâu sắc giữa Tây Âu và châu Phi lại là một ví dụ khác nữa về sự phân hóa thể chế hình thành từ sự tương tác giữa các thời điểm quyết định và những khác biệt thể chế hiện hữu. Trong khi ở nước Anh, lợi nhuận từ mua bán nô lệ giúp làm giàu cho những người chống đối chủ nghĩa chuyên chế, thì ở châu Phi, lợi nhuận này lại giúp tạo ra và củng cố chủ nghĩa chuyên chế.
Càng cách xa châu Âu, các quá trình phân hóa thể chế rõ ràng càng tự do đi theo lộ trình riêng của chúng. Ví dụ, ở châu Mỹ, vốn đã tách rời với châu Âu từ khoảng 15 nghìn năm TCN do hiện tượng tan băng từ Alaska đến Nga, đã có sự đổi mới thể chế tương tự như của người Natufian, dẫn đến đời sống định cư, tôn ti trật tự và cách biệt giàu nghèo - nói vắn tắt là các thể chế chiếm đoạt. Điều này trước tiên diễn ra ở Mexico, Bolivia và Peru thuộc vùng núi Andes, dẫn đến cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới ở châu Mỹ với việc thuần hóa cây ngô. Chính ở những nơi này mà các hình thức ban đầu của sự tăng trưởng chiếm đoạt diễn ra, như ta đã thấy ở các thành bang Maya. Thế nhưng, cũng giống hệt như những bước đột phá lớn hướng tới các thể chế dung hợp và tăng trưởng công nghiệp đã không diễn ra ở những nơi mà thế giới La Mã một thời hùng mạnh nhất, các thể chế dung hợp của châu Mỹ cũng không phát triển trên vùng đất của những nền văn minh đầu tiên này. Trên thực tế, như ta đã thấy trong chương 1, những nền văn minh một thời đông đúc dân cư này đã tương tác với chủ nghĩa thực dân châu Âu một cách tai hại để dẫn đến “sự đảo ngược vận mệnh”, làm cho những vùng tương đối giàu có trước đây ở châu Mỹ trở thành tương đối nghèo nàn. Ngày nay, chính Hoa Kỳ và Canada, những nơi từng tụt hậu so với các nền văn minh tinh xảo ở Mexico, Peru và Bolivia, đã trở nên giàu có hơn nhiều so với phần còn lại của châu Mỹ.
NHỮNG HỆ QUẢ CỦA SỰ TĂNG TRƯỞNG BAN ĐẦU
Trong khoảng thời gian dài kể từ cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới bắt đầu vào năm 9500 TCN cho đến Cách mạng công nghiệp Anh vào cuối thế kỷ 18 đã xuất hiện rải rác một số nỗ lực tăng trưởng kinh tế. Các đợt tăng trưởng này được châm ngòi bởi sự đổi mới thể chế để rồi cuối cùng trở nên chao đảo. Ở La Mã cổ đại, các thể chế của nền Cộng hòa từng tạo ra một mức độ phát triển kinh tế nào đó và giúp xây dựng một đế chế khổng lồ, đã bị xổ tung sau cuộc đảo chính của Julius Caesar và việc xây dựng đế quốc dưới thời Augustus. Phải mất nhiều thế kỷ thì Đế quốc La Mã mới biến mất, và sự lụi tàn mới bị phơi bày; nhưng một khi các thể chế cộng hòa tương đối dung hợp đã nhường chỗ cho những thể chế chiếm đoạt hơn của đế quốc thì sự thoái trào kinh tế trở nên gần như không thể tránh khỏi.
Diễn biến vận động của Venice cũng tương tự. Sự thịnh vượng kinh tế của Venice được hun đúc bằng những thể chế có các yếu tố dung hợp quan trọng, nhưng đã bị mai một khi giới quyền thế hiện hữu đóng cửa hệ thống đối với những người mới tham gia và thậm chí còn cấm đoán các thể chế kinh tế từng mang lại phồn vinh cho nền cộng hòa.
Bất kể thực tế trải nghiệm của La Mã có thể đáng kể đến đâu, thì di sản của La Mã cũng không phải nguồn gốc trực tiếp dẫn đến sự vươn lên của các thể chế dung hợp ở Anh và cuộc Cách mạng công nghiệp Anh. Các yếu tố lịch sử quả thật định hình cách thức phát triển thể chế, nhưng đây không phải là một quá trình tích lũy có tính chất tiền định và đơn giản. La Mã và Venice minh họa cách thức những tiến bộ ban đầu hướng tới tính dung hợp có thể bị đảo ngược như thế nào. Bối cảnh kinh tế và thể chế mà La Mã tạo ra trên khắp châu Âu và Trung Đông không tất yếu dẫn đến các thể chế dung hợp có gốc rễ vững chắc của những thế kỷ về sau. Trên thực tế, các thể chế này đã xuất hiện trước tiên và vững mạnh nhất ở Anh, nơi mà sự chiếm đóng của La Mã là yếu nhất và cũng tan biến dứt khoát nhất, gần như không để lại dấu vết vào thế kỷ thứ 5 SCN. Thay vì thế, như ta đã thảo luận trong chương 4, lịch sử đóng một vai trò to lớn thông qua sự phân hóa thể chế, để từ đó dẫn đến những khác biệt thể chế, cho dù đôi khi chỉ là nhỏ nhặt nhưng rồi trở nên lớn hơn khi chúng tương tác với các thời điểm quyết định. Điều này là vì những khác biệt thể chế này thường nhỏ bé và có thể bị đảo ngược dễ dàng và không nhất thiết là hệ quả của một quá trình tích lũy đơn giản.
Lẽ dĩ nhiên, La Mã có những ảnh hưởng lâu dài đối với châu Âu. Luật pháp và thể chế La Mã ảnh hưởng đến luật pháp và thể chế mà các vương quốc của các bộ tộc man di thiết lập sau khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ. Cũng chính sự suy tàn của La Mã đã tạo ra bối cảnh chính trị có tính phân quyền, để rồi từ đó phát triển thành trật tự phong kiến. Sự biến mất của chế độ nô lệ và sự ra đời của các thành phố độc lập là những sản phẩm phụ lâu dài và hiển hiện (dĩ nhiên là có tính chất tình cờ lịch sử) của quá trình này. Điều này sẽ trở nên có ảnh hưởng đặc biệt khi nạn dịch hạch làm rung chuyển xã hội phong kiến. Từ đống tro tàn của nạn dịch hạch đã vươn lên các thị trấn và thành phố vững mạnh hơn, tầng lớp nông dân không còn bị ràng buộc vào đất đai và được giải thoát khỏi các nghĩa vụ phong kiến. Chính thời điểm quyết định hình thành từ sự suy tàn của Đế quốc La Mã này đã dẫn đến sự phân hóa thể chế mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng đến toàn thể châu Âu theo một cách thức không giống với ở châu Phi vùng hạ Sahara, châu Á hay châu Mỹ.
Đến thế kỷ 16, châu Âu đã hết sức khác biệt về mặt thể chế so với vùng hạ Sahara châu Phi và châu Mỹ. Mặc dù không giàu có bằng những nền văn minh châu Á ấn tượng nhất như Ấn Độ hay Trung Quốc, nhưng châu Âu khác với các chính thể này trên những khía cạnh then chốt. Chẳng hạn như châu Âu đã phát triển các thể chế mang tính đại diện theo kiểu chưa từng thấy trước đây. Các thể chế này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển các thể chế dung hợp. Như ta sẽ thấy trong hai chương tiếp theo, những khác biệt thể chế nhỏ bé sẽ là những khác biệt thật sự có ý nghĩa quan trọng trong phạm vi châu Âu, và tạo điều kiện thuận lợi cho nước Anh, vì đó chính là nơi trật tự phong kiến đã tiến bộ một cách toàn diện nhất đối với các nhà nông có đầu óc thương mại cũng như các trung tâm đô thị độc lập, nơi các thương nhân và các nhà công nghiệp có thể làm ăn phát đạt. Các nhóm này sẽ đòi hỏi triều đình phải cho họ có quyền sở hữu bảo đảm hơn, các thể chế kinh tế khác và tiếng nói chính trị. Toàn bộ quá trình này sẽ lên đến cao trào vào thế kỷ 17.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)