[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VI: Phân hóa thể chế (Phần 2)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VI: Phân hóa thể chế (Phần 2)

LA MÃ MỘT THỜI HOÀNG KIM…

Tiberius Gracchus - vị quan hộ dân ở La Mã - bị các nguyên lão La Mã đánh bằng gậy cho đến chết vào năm 133 TCN và thi thể ông bị ném xuống sông Tiber không chút tiếc thương. Những kẻ giết ông là các quý tộc như chính bản thân Tiberius, trong khi vụ mưu sát được bố trí và chỉ đạo bởi người em họ Publius Cornelius Scipio Nasica. Tiberius Gracchus xuất thân từ một dòng dõi quý tộc hoàn hảo, là hậu duệ của một số vị lãnh tụ lừng lẫy của Cộng hòa La Mã, như Lucius Aemilius Paullus, vị anh hùng trong các cuộc chiến Illyria và Punic thứ II, và Scipio Africanus, vị tướng đã đánh bại Hannibal trong cuộc chiến tranh Punic thứ II. Tại sao các nguyên lão quyền lực ngày ấy, và ngay cả em họ của ông, đã quay ra chống lại ông?

Câu trả lời liên quan đến tình trạng căng thẳng ở Cộng hòa La Mã và các nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của nó sau này. Điều khiến cho Tiberius trở nên đối nghịch với các bậc nguyên lão quyền thế là việc ông sẵn lòng đứng lên chống lại họ vì một vấn đề thiết yếu thời ấy: việc phân bổ đất đai và quyền của những người dân thường La Mã.

Vào thời của Tiberius Gracchus, La Mã đã là một nền cộng hòa kỳ cựu. Các thể chế chính trị và công lao của các chiến binh - nhân dân - như thể hiện qua bức tranh nổi tiếng của Jacque Louis David Lời thề của Horatii (Oath of the Horatii), trình bày cảnh những người con thề với cha rằng họ sẽ bảo vệ Cộng hòa La Mã cho đến chết - vẫn được nhiều sử gia xem là nền tảng cho sự thành công của nhà nước cộng hòa. Người dân La Mã thành lập nền cộng hòa thông qua việc lật đổ hoàng đế Lucius Tarquinius Superbus, còn gọi là Tarquin Kiêu Hãnh, vào khoảng năm 510 TCN. Nhà nước cộng hòa đã khôn khéo thiết kế các thể chế chính trị với nhiều yếu tố dung hợp. Nhà nước được cai quản bởi các phán quan được “bầu chọn trong nhiệm kỳ một năm. Việc nhiều phán quan cùng được bầu chọn hằng năm làm giảm khả năng một người nào đó củng cố hay lợi dụng quyền hạn của mình. Các thể chế của nền cộng hòa bao gồm một hệ thống kiểm soát và đối trọng, giúp phân phối quyền lực tương đối rộng rãi. Điều này xảy ra ngay cả khi không phải tất cả công dân đều có người đại diện như nhau, vì việc bỏ phiếu là gián tiếp. Cũng có một lực lượng nô lệ đông đảo cần thiết cho hoạt động sản xuất ở phần lớn nước Ý, có lẽ vào khoảng 1/3 dân số. Lẽ dĩ nhiên, người nô lệ không có quyền, huống hồ là đại diện chính trị.

Dầu sao đi nữa, giống như ở Venice, các thể chế chính trị La Mã cũng có những yếu tố đa nguyên. Người dân có cơ quan lập pháp riêng để bầu chọn các vị quan hộ dân, người có quyền phủ quyết các phán quyết của phán quan, và đề xuất luật pháp; cơ quan này được gọi là Hội đồng bình dân (Plebeian Assembly). Chính nhân dân đã bầu chọn Tiberius Gracchus làm quan hộ dân vào năm 133 TCN. Quyền lực của họ được hình thành thông qua việc “ly khai” (secession), một hình thức đình công của dân chúng, nhất là các chiến binh, khi họ lui về một ngọn đồi bên ngoài thành phố và từ chối hợp tác với các phán quan cho đến khi các yêu sách của họ được giải quyết. Mối đe dọa này dĩ nhiên đặc biệt quan trọng trong thời chiến tranh. Người ta cho rằng chính trong một cuộc ly khai như vậy vào thế kỷ thứ 5 TCN mà người dân đã giành được quyền bầu chọn các quan hộ dân và ban hành luật lệ cai quản cộng đồng. Sự bảo vệ luật pháp và chính trị của họ, cho dù bị giới hạn theo các tiêu chuẩn hiện nay, đã tạo ra các cơ hội kinh tế cho dân chúng và một mức độ dung hợp nhất định trong các thể chế kinh tế. Kết quả là hoạt động thương mại phát triển nhộn nhịp trên khắp Địa Trung Hải dưới thời Cộng hòa La Mã. Bằng chứng khảo cổ cho thấy, tuy mức sống của đa số quần chúng và nô lệ không cao lắm trên mức tồn tại tối thiểu, nhiều người La Mã, bao gồm một số dân thường, đã có thu nhập cao, được tiếp cận với các dịch vụ công như hệ thống thoát nước và đèn đường.

Ngoài ra cũng có bằng chứng cho thấy có sự tăng trưởng kinh tế nhất định dưới thời Cộng hòa La Mã. Chúng ta có thể lần theo dấu vết của những con tàu đắm để tìm hiểu thành tựu kinh tế của La Mã. Theo một ý nghĩa nào đó, Đế quốc La Mã được xây dựng như một mạng lưới của các thành phố cảng - từ Athens, Antioch và Alexandria ở phía đông; qua Rome, Carthage và Cadiz; kéo dài mãi đến Luân Đôn ở phía tây. Khi lãnh thổ La Mã mở rộng, hoạt động thương mại và vận chuyển cũng phát triển, được thể hiện qua dấu vết đắm tàu đã được các nhà khảo cổ phát hiện dưới đáy Địa Trung Hải. Các con tàu đắm này có thể được dò tìm niên đại theo nhiều cách. Các con tàu thường chở những vò chứa đầy rượu vang hay dầu ô-liu đi từ Ý đến Gaul, hay dầu ô-liu Tây Ban Nha để bán hay phân phối miễn phí ở Rome. Các vò chứa làm bằng đất nung được niêm kín, thường chứa đựng thông tin về thời điểm và những người đã làm ra chúng. Ngay gần con sông Tiber ở Rome có một ngọn đồi nhỏ Monte Testaccio, còn được gọi là Monte dei Cocci (“Núi gốm”) hình thành từ khoảng 53 triệu chiếc vò nung này. Sau khi được bốc dỡ khỏi các con tàu, những chiếc vò nung bị vứt đi, qua hàng thế kỷ tạo thành một ngọn đồi khổng lồ.

Các hàng hóa khác trên tàu và ngay chính các con tàu đôi khi cũng có thể cho ta biết niên đại thông qua phương pháp carbon phóng xạ, một kỹ thuật mà các nhà khảo cổ sử dụng để xác định tuổi của các cổ vật hữu cơ. Thực vật tạo ra năng lượng thông qua quang hợp, sử dụng năng lượng mặt trời để chuyển hóa C0 2 thành đường. Khi quá trình này diễn ra, thực vật hấp thu một lượng đồng vị phóng xạ xảy ra tự nhiên, carbon 14. Sau khi thực vật chết, carbon 14 phân hủy do hiện tượng phân rã phóng xạ. Khi các nhà khảo cổ tìm được một xác tàu đắm, họ có thể xác định niên đại gỗ của con tàu thông qua đối chiếu tỷ lệ carbon 14 còn lại trong đó với tỷ lệ dự kiến từ carbon 14 trong khí quyển. Điều này cho họ một giá trị ước lượng về thời điểm cây gỗ bị đốn hạ. Chỉ khoảng 20 xác tàu đắm có niên đại vào khoảng năm 500 TCN. Đây có lẽ không phải là tàu La Mã, và rất có thể là tàu của Carthage chẳng hạn. Nhưng sau đó, số lượng tàu đắm của La Mã tăng lên nhanh chóng. Vào khoảng thời gian Chúa Giê-xu ra đời, số lượng tàu đắm này đạt đỉnh điểm 180 chiếc.

Tàu đắm là một phương thức hữu hiệu để theo dõi diễn biến kinh tế của Cộng hòa La Mã, và quả thật cho thấy bằng chứng về sự tăng trưởng kinh tế nhất định, nhưng điều này cần được xem xét thận trọng. Có lẽ 2/3 hàng hóa của con tàu là tài sản của nhà nước La Mã, thuế và cống vật mang từ các tỉnh về Rome, hay ngũ cốc và dầu ô-liu từ Bắc Phi về phân phối miễn phí cho người dân thành phố. Chính các thành tích chiếm đoạt này gần như đã dựng lên ngọn đồi Monte Testaccio.

Một phương thức thú vị khác để đi tìm bằng chứng về tăng trưởng kinh tế là từ dự án Lõi băng Greenland. Khi tuyết rơi, các bông tuyết mang theo những lượng ô nhiễm nhỏ trong khí quyển, đặc biệt là các kim loại như chì, bạc và đồng. Tuyết đông lại thành băng và tích tụ trên đỉnh băng hà những lượng tuyết đã rơi trong nhiều năm trước đó. Quá trình này diễn ra qua nhiều thiên niên kỷ, và mang lại một cơ hội không gì sánh nổi để các nhà khoa học tìm hiểu mức độ ô nhiễm khí quyển hàng nghìn năm trước đây. Năm 1990-1992, dự án Lõi băng Greenland đã khoan qua 3.030m băng bao trùm khoảng 250 nghìn năm lịch sử loài người. Một trong những phát hiện lớn của dự án này, và những dự án khác trước đó, là có sự gia tăng rõ rệt các chất ô nhiễm không khí bắt đầu vào khoảng năm 500 TCN. Lượng chì, bạc và đồng trong khí quyển khi đó tăng dần, đạt đỉnh cao vào thế kỷ thứ 1 SCN. Điều ấn tượng là: lượng chì trong khí quyển chỉ gia tăng trở lại vào thế kỷ 13. Các phát hiện này cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản của La Mã sôi động như thế nào so với trước và sau đó. Sự tăng vọt hoạt động khai thác khoáng sản cho thấy rõ ràng đã có sự mở mang kinh tế.

Nhưng tăng trưởng của La Mã thì không bền vững và xảy ra trong những thể chế vừa có tính dung hợp vừa có tính chiếm đoạt. Cho dù người dân La Mã có các quyền chính trị và kinh tế, chế độ nô lệ vẫn lan rộng và có tính chiếm đoạt cao độ, đồng thời giới quyền thế và tầng lớp nguyên lão chi phối cả kinh tế lẫn chính trị. Bất chấp sự hiện diện của Hội đồng nhân dân và các quan hộ dân, quyền lực thực tế vẫn thuộc về Viện nguyên lão mà các thành viên xuất thân từ các chủ sở hữu đất lớn. Theo nhà sử học La Mã Livy, Viện nguyên lão do vị hoàng đế đầu tiên của La Mã Romulus thành lập và bao gồm 100 người. Các hậu duệ của họ tạo thành tầng lớp nguyên lão, cho dù cũng có những dòng tộc mới được bổ sung. Việc phân phối đất đai hết sức không công bằng và rất có thể đã trở nên bất công hơn vào thế kỷ thứ 2 TCN. Đây là nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề mà Tiberius Gracchus đã vạch trần trên cương vị một quan hộ dân. Khi tiếp tục bành trướng trên khắp Địa Trung Hải, La Mã trở nên thịnh vượng. Nhưng của cải bị thâu tóm hầu hết bởi một nhóm nhỏ dòng tộc giàu có thuộc tầng lớp nguyên lão, và sự cách biệt giàu nghèo gia tăng. Các nguyên lão trở nên giàu có không chỉ nhờ vào việc kiểm soát các tỉnh thành màu mỡ mà còn nhờ vào các điền trang bạt ngàn của họ trải rộng trên khắp nước Ý. Các điền trang này được phục dịch bởi các nhóm nô lệ, thường bị bắt trong các cuộc chiến tranh của La Mã. Nhưng nguồn gốc của những vùng đất này cũng có ý nghĩa không kém. Quân đội La Mã dưới thời cộng hòa bao gồm các chiến binh - nhân dân, vốn là các chủ đất nhỏ, thoạt đầu ở Rome và về sau ở cả những nơi khác trên nước Ý. Theo truyền thống, họ chiến đấu trong quân đội khi cần thiết rồi sau đó quay về với đất đai ruộng vườn của mình. Khi La Mã mở rộng và chiến tranh trở nên kéo dài hơn, mô hình này không còn tác dụng. Mỗi lần ra đi kéo dài nhiều năm, và đất đai của các chiến binh không có người canh tác. Các gia đình chiến binh đôi khi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và trên bờ vực chết đói. Do đó, đất đai của họ dần dần trở nên hoang phế, bị sáp nhập vào điền trang của các nguyên lão. Khi tầng lớp nguyên lão trở nên ngày càng giàu có, đông đảo người dân không có đất tụ tập ở Rome, thường là sau khi trở về từ quân đội. Không có đất để quay về, họ đi tìm việc làm ở Rome. Vào cuối thế kỷ thứ 2 TCN, tình thế trở nên sục sôi nguy hiểm, do khoảng cách giàu nghèo gia tăng đến mức chưa từng thấy và do quần chúng bất mãn ở Rome sẵn sàng nổi dậy phản ứng với tình trạng bất công và chống lại giới quý tộc La Mã. Nhưng quyền lực chính trị lại thuộc về các chủ sở hữu đất lớn và tầng lớp nguyên lão giàu có, những người hưởng lợi từ những thay đổi vốn đã tiếp diễn từ hai thế kỷ trước đó. Đa số họ không có ý định thay đổi hệ thống đã phục vụ họ đắc lực đến thế.

Theo nhà sử học La Mã Plutarch, khi đi qua Etruria, một vùng thuộc miền trung nước Ý hiện nay, Tiberius Gracchus trở nên giác ngộ với nỗi khổ mà các gia đình chiến binh - nhân dân đang gánh chịu. Bất kể do nhận thức này hay do những bất đồng khác với các nguyên lão quyền thế thời bấy giờ, chẳng bao lâu ông bước vào một kế hoạch táo bạo nhằm thay đổi việc phân bổ đất đai ở Ý. Ông trở thành quan hộ dân vào năm 133 TCN, sau đó ông sử dụng cương vị này để đề xuất cải cách ruộng đất: một ủy ban sẽ điều tra xem đất công có bị chiếm dụng bất hợp pháp hay không và sẽ tái phân phối đất đai vượt hạn điền 300 mẫu cho những người dân La Mã không có đất. Trên thực tế, hạn mức 300 mẫu là quy định trong một bộ luật cũ, nhưng đã bị bỏ qua và không được thực hiện trong nhiều thế kỷ. Đề xuất của Tiberius Gracchus gây ra một làn sóng phản kháng trong các nguyên lão, những người có thể ngăn chặn việc thực hiện cải cách của ông trong một thời gian. Sau khi Tiberius xoay sở sử dụng sức mạnh của quần chúng ủng hộ ông để hạ bệ một quan hộ dân khác, người đe dọa phủ quyết cải cách ruộng đất, thì ủy ban cải cách cuối cùng cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, Viện nguyên lão cản trở việc thực hiện cải cách bằng cách không cấp ngân sách cho ủy ban.

Tình thế càng thêm gay go khi Tiberius Gracchus đòi phải cấp cho ủy ban cải cách ruộng đất khoản tiền mà vua của thành phố Pergamum (Hy Lạp) để lại cho nhân dân La Mã. Ông cũng cố gắng tiếp tục làm quan hộ dân lần thứ hai, một phần vì ông sợ sự bức hại của Viện nguyên lão sau khi ông rút khỏi cương vị này. Điều này khiến các nguyên lão có cớ để cáo buộc rằng Tiberius đang ra sức tự xưng vương. Ông và các thuộc hạ bị tấn công, và nhiều người bị giết. Chính Tiberius Gracchus là một trong những người đầu tiên ngã xuống, thế nhưng cái chết của ông cũng không giải quyết được vấn đề, và những người khác lại ra sức cải tổ việc phân phối đất đai cùng các khía cạnh khác của nền kinh tế và xã hội La Mã. Nhiều người đã chịu chung số phận. Ví dụ như Giaus, em trai của Tiberius Gracchus, cũng bị các chủ sở hữu đất giết sau khi ông đảm nhận nhiệm vụ của anh mình.

Tình trạng căng thẳng lặp đi lặp lại trong thế kỷ tiếp theo, dẫn đến cuộc “Chiến tranh xã hội” từ năm 91 đến năm 87 TCN. Người tích cực bảo vệ quyền lợi của các nguyên lão, Lucius Cornelius Sulla, không chỉ đàn áp dã man các yêu cầu thay đổi mà còn khống chế nghiêm ngặt quyền lực của các quan hộ dân. Chính những vấn đề này là nhân tố quan trọng dẫn đến sự ủng hộ mà người dân La Mã dành cho Julius Caesar trong cuộc chiến chống lại Viện nguyên lão.

Các thể chế chính trị tạo thành cốt lõi của Cộng hòa La Mã bị Julius Caesar lật đổ vào năm 49 TCN khi ông đưa quân băng qua Rubicon, con sông ngăn cách Ý với các tỉnh xứ Gaul thuộc La Mã phía nam dãy Alps. La Mã rơi vào tay Caesar, và một cuộc nội chiến khác nổ ra. Cho dù Caesar chiến thắng, ông bị ám sát bởi những nguyên lão bất mãn do Brutus và Cassius cầm đầu vào năm 44 TCN. Cộng hòa La Mã không bao giờ được tái lập. Một cuộc nội chiến mới bùng phát giữa các kẻ thù của Caesar và những người ủng hộ ông, đặc biệt là Mark Anthony và Octavian. Sau khi Anthony và Octavian chiến thắng, họ đấu đá lẫn nhau cho đến khi Octavian giành thắng lợi trong trận chiến Actium vào năm 31 TCN. Một năm sau, và suốt 45 năm kế tiếp, Octavian, người mà sau năm 28 TCN được gọi là Augustus Caesar, đã một mình cai trị La Mã. Octavian thành lập Đế quốc La Mã, cho dù ông thích dùng danh xưng “nguyên thủ” (princep), một kiểu “đứng đầu giữa mọi người,” và gọi đây là “chế độ nguyên thủ” (Principate). Bản đồ 11 trình bày Đế quốc La Mã trong thời kỳ bành trướng nhất vào năm 117 SCN với dòng sông Rubicon định mệnh mà Caesar đã băng qua.

Bản đồ 11: Đế quốc La Mã năm 117 SCN (p.217)

Chính sự chuyển đổi từ nền cộng hòa sang chế độ nguyên thủ, rồi sau đó là một đế quốc trần trụi, đã gieo rắc mầm mống cho sự suy tàn của La Mã. Các thể chế chính trị dung hợp một phần, từng đặt nền tảng cho sự thành công kinh tế, dần dần bị mai một. Ngay cả khi Cộng hòa La Mã tạo ra một sân chơi nghiêng về phía tầng lớp nguyên lão và những người La Mã giàu có khác thì đó cũng không phải là một chế độ chuyên chế và không bao giờ tập trung quá nhiều quyền lực vào một chức vụ. Sự thay đổi mà Augustus tạo ra, cũng hệt như việc đóng cửa Venice, thoạt tiên là trên phương diện chính trị nhưng rồi đã có những hệ lụy kinh tế đáng kể. Như một hệ quả của sự thay đổi này, cho đến thế kỷ thứ 5 SCN, Đế quốc Tây La Mã, được gọi là “Tây” sau khi tách khỏi phương Đông, đã sa sút về kinh tế và quân đội, và ở bên bờ vực của sự sụp đổ.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh