[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VII: Về tính toàn quyền của phe đa số ở Hoa Kì và những tác động của nó (Phần 1)
VỀ TÍNH TOÀN QUYỀN CỦA PHE ĐA SỐ Ở HOA KÌ VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA NÓ
Sức mạnh tự nhiên của phe đa số trong các nền dân trị. − Phần lớn các Hiến pháp Mĩ đều làm gia tăng một cách nhân tạo cái sức mạnh tự nhiên đó. − Vì sao. − Những nhiệm kì áp đặt. − Quyền lực đạo đức của phe đa số. − Quan niệm về tính không thể sai lầm (infaillibilité) của nó. − Sự tôn trọng các quyền của phe đa số. − Điều gì làm cho ở Hoa Kì sự tôn trọng đó lại gia tăng.
Chính là do bản chất của các chính quyền dân trị mà ở đó quyền lực của phe đa số mang tính tuyệt đối. Vì trong các nền dân trị thì ngoài đa số ra chẳng có cái gì còn lại cả.
Phần lớn các bản Hiến pháp Mĩ vẫn còn tìm cách gia tăng một cách nhân tạo cái sức mạnh tự nhiên đó của đa số.
Trong tất cả các quyền lực chính trị, quyền lập pháp phục tùng phe đa số tự nguyện hơn cả. Người Mĩ muốn rằng các thành viên ngành lập pháp phải do nhân dân cắt cử ra một cách trực tiếp, và trong một nhiệm kì rất ngắn, đặng buộc họ phải tuân thủ không chỉ các quan điểm chung mà cả những đam mê thường nhật của những người đã bầu chọn ra họ.
Nhân dân đã chọn ra từ trong các tầng lớp ấy và cắt cử theo cùng một cách thức ấy những thành viên của hai Viện, sao cho những chuyển động của bộ máy lập pháp đều như nhau, nhanh chóng và không gì cưỡng lại nổi, thành thử hai Viện mà chỉ như một Viện vậy.
Nền lập pháp được dựng lên, song dựng theo cách ấy khiến cho nó chính là toàn bộ chính quyền của nhân dân rồi.
Luật pháp gia tăng sức mạnh cho các thế lực vốn dĩ tự nhiên đã mạnh, đồng thời càng lúc càng gây khó dễ đối với những thế lực vốn dĩ tự nhiên đã yếu. Các vị đại diện trong thế lực hành pháp không được luật pháp trao cho sự ổn định lẫn tính độc lập; và bằng cách bắt ngành hành pháp tuân thủ hoàn toàn vào những đòi hỏi khó khăn của nhà lập pháp, ngành hành pháp bị lấy đi mất một chút ảnh hưởng mà bản chất của chính quyền dân trị còn để lại cho nó.
Trong nhiều bang, quyền tư pháp hoàn toàn phụ thuộc vào việc được phe đa số bầu ra, và trong tất cả các bang, sự tồn tại của quyền tư pháp bị lệ thuộc vào quyền lập pháp khi để cho các vị dân biểu hàng năm lại có quyền ấn định lương của các quan toà.
Thực tế áp dụng còn đi xa hơn những gì luật pháp quy định.
Ở Hoa Kì, ngày càng lan rộng một tập tục làm triệt tiêu những bảo đảm của hình thức chính quyền đại diện: khi bầu ra một đại biểu, cử tri rất thường hay vạch sẵn cho vị đó một chương trình hành động và áp đặt cho đại biểu đó một số nghĩa vụ tích cực mà vị đó không thể nào đi chệch khỏi. Rất là cụ thể, hệt như là phe đa số đang bàn thảo giữa quảng trường vậy.
Còn có rất nhiều hoàn cảnh đặc thù ở Hoa Kì làm cho quyền lực của đa số không chỉ mang tính chế ngự mà còn mang tính chất bất khả kháng cự nữa.
Quyền lực tinh thần của phe đa số có phần nào dựa trên tư tưởng cho rằng tập hợp trí tuệ nơi số đông thì sáng suốt và khôn ngoan hơn là nơi một người, nơi số lượng những nhà lập pháp hơn là trong việc tinh tuyển họ. Đó là thứ lí thuyết về bình đẳng áp dụng vào trí khôn, lí thuyết này tấn công vào sự cao ngạo của con người vào hẳn nơi ẩn náu cuối cùng: vì vậy mà nó khó có thể được phe thiểu số chấp nhận; chỉ lâu dần thì phe thiểu số mới quen nổi với điều đó. Cũng giống như mọi thứ quyền lực khác, và có thể là hơn bất kì quyền lực nào trong đó, quyền lực của phe đa số như vậy cần tồn tại lâu dài để bộc lộ được tính chính đáng. Khi nó mới được dựng lên, nó bắt buộc mọi người phải tuân theo; chỉ sau khi sống lâu dưới các luật lệ của nó rồi, khi ấy con người mới biết đường tôn trọng nó.
Tư tưởng về cái quyền của phe đa số được cai quản xã hội vì nó sáng láng được những cư dân đầu tiên đem tới mảnh đất Hoa Kì. Tư tưởng này, mà chỉ một mình nó là đủ để tạo ra một quốc gia tự do, giờ đây đã biến thành tập tục, và ta bắt gặp nó trong từng thói quen nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.
Dưới thời quân chủ xưa, người Pháp coi việc nhà vua không bao giờ sai lầm là chân lí bất biến; và khi nhà vua có làm chuyện xấu thì người Pháp đổ lỗi cho các quan tham mưu. Cách tư duy này tạo thuận lợi tuyệt vời cho sự phục tùng. Con người có thể làu bàu chống đối luật pháp mà vẫn không ngừng yêu quý và kính trọng kẻ lập pháp. Người Mĩ cũng có quan niệm như vậy đối với phe đa số.
Quyền lực tinh thần của phe đa số còn có phần nữa dựa trên nguyên lí coi trọng lợi ích của đa số hơn là lợi ích của thiểu số. Vậy là thật dễ hiểu khi việc quảng bá sự tôn trọng quyền của đa số tăng lên hoặc giảm đi một cách tự nhiên tuỳ theo tình hình các chính đảng. Khi một quốc gia bị chia sẻ giữa nhiều lợi ích không thể dung hoà với nhau, thì đặc quyền của đa số thường không được công nhận, bởi vì tuân thủ theo đó thật quá khó chịu.
Nếu như ở Mĩ có một tầng lớp công dân bị các nhà lập pháp tìm cách tước đoạt mất những ưu đãi nào họ đã có từ nhiều thế kỉ, và tìm cách cho các công dân đó phải từ chốn cao hạ xuống nơi ngang hàng với đại đa số công dân khác, chắc hẳn nhóm thiểu số đó chẳng dễ gì mà tuân thủ luật pháp của số đông.
Thế nhưng Hoa Kì là nơi của những con người bình đẳng sống chung với nhau, nên vẫn chưa có sự li khai tự nhiên và thường xuyên giữa các lợi ích của những cư dân các loại.
Có một thực trạng xã hội nơi đó những thành viên phe thiểu số đừng hòng mơ tưởng lôi kéo phe đa số về với mình, bởi vì muốn vậy thì phải từ bỏ chính mục đích của cuộc đấu tranh họ tiến hành chống lại phe đa số. Thí dụ, tầng lớp quý tộc làm sao có thể thành đa số khi vẫn khư khư giữ lấy các đặc quyền, mà nó cũng chẳng thể nào để tuột khỏi tay những đặc quyền ấy mà vẫn mãi mãi cứ là quý tộc cho được.
Ở Hoa Kì, những vấn đề chính trị không thể đem đặt ra một cách chung chung và tuyệt đối như thế, và tất cả các đảng đều sẵn sàng thừa nhận các quyền của phe đa số, bởi vì bọn họ chẳng trừ một ai đều hi vọng có một ngày lại thực thi các quyền đó có lợi cho mình.
Vậy là ở Hoa Kì phe đa số có một thế lực thực tế vô cùng lớn và một thế lực dư luận cũng to lớn không kém. Và khi nó được hình thành trên cơ sở một vấn đề đặt ra (để nó giải quyết), khi đó có thể nói là chẳng còn có trở ngại nào có thể ngăn chặn nó, thậm chí không làm chậm nổi bước đi của nó để nó có thời giờ lắng nghe những lời than vãn của những kẻ bị nó nghiền nát trên bước đường đi.
Những hệ quả của trạng thái đó thật xấu và nguy hiểm cho tương lai.
VÌ SAO SỰ TOÀN QUYỀN CỦA PHE ĐA SỐ Ở MĨ LẠI LÀM GIA TĂNG TÍNH BẤT ỔN ĐỊNH VỀ LẬP PHÁP VÀ HÀNH CHÍNH VỐN TỰ NHIÊN VẪN CÓ TRONG CÁC NỀN DÂN TRỊ
Vì sao người Mĩ gia tăng tính bất ổn định trong nền lập pháp, − vốn là điều tự nhiên đối với nền dân trị, − bằng cách hàng năm thay đổi người làm luật và giao cho người đó một quyền lực gần như vô hạn. − Cũng có tác động như thế đối với nền hành chính. − Ở Mĩ, những cải thiện xã hội có một sức mạnh vô cùng to lớn, nhưng lại kém liên tục so với bên châu Âu.
Trước đây tôi đã nói tới những tật xấu tự nhiên của chính quyền dân trị. Không có tật xấu nào lại không cùng mọc lên đồng thời với quyền lực của phe đa số.
Và đây là cái tật xấu rõ nhất:
Sự bất ổn định về lập pháp là một tật xấu cố hữu của chính quyền dân trị, bởi vì bản chất của nền dân trị là đưa những con người mới lên nắm chính quyền. Nhưng cái xấu đó to nhỏ còn tuỳ theo sức mạnh và phương tiện hành động người ta giao cho nhà lập pháp.
Ở Mĩ, người ta giao cho những con người và tổ chức làm ra luật pháp một quyền lực tuyệt đối. Nhanh chóng và không cưỡng nổi, bộ máy đó có thể lao vào thực hiện từng ý muốn, và hàng năm người ta lại đưa vào bộ máy đó những đại diện khác. Có nghĩa là người ta chọn đúng cái tổ hợp tối hảo cho sự bất ổn định dân chủ và cho phép nền dân trị áp dụng những đổi thay mãnh liệt nhằm vào những mục đích thuộc loại quan trọng nhất.
Vì vậy mà nước Mĩ giờ đây là đất nước trên thế giới luật pháp có đời sống ngắn ngủi hơn cả. Trong ba chục năm qua, hầu hết các bản hiến pháp ở Mĩ đều được sửa đổi thêm bớt. Và trong thời kì đó chẳng có một bang nào ở đây lại không thay đổi nguyên tắc luật pháp của mình.
Còn về bản thân luật pháp, ta chỉ cần liếc qua kho lưu trữ của các bang trong Liên bang để thấy rõ là ở Mĩ hành động của nhà lập pháp không khi nào giảm tốc độ hết. Không phải vì bản chất Nền dân trị Mĩ bất ổn định hơn nơi khác, mà vì người ta cho nó những phương tiện để tiếp tục khuynh hướng bất ổn định tự nhiên khi làm các bộ luật.
Ở Hoa Kì, tính toàn quyền của phe đa số và cách thức nhanh chóng và dứt khoát nó thực hiện các ý chí không chỉ làm cho luật pháp bất ổn định, mà còn tác động đến việc thi hành luật pháp và hoạt động cụ thể của nền hành chính công.
Phe đa số vốn dĩ là lực lượng duy nhất mà luật pháp cần phải thoả mãn, nên người ta nhiệt thành thực hiện các công trình do nó trù liệu. Nhưng ngay khi nào nó chuyển hướng chú ý thì mọi nỗ lực cũng ngừng luôn. Còn tại các nhà nước tự do của châu Âu, nơi quyền hành chính được độc lập và có một vị trí chắc chắn, ý chí của nhà lập pháp tiếp tục được thực hiện ngay cả khi nó chuyển hướng chú ý sang các đối tượng khác.
Ở Mĩ, người ta tiến hành những thay đổi với sự nhiệt tình và hành động cụ thể hơn hẳn mọi nơi khác.
Ở châu Âu người ta tiến hành thay đổi với một sức mạnh xã hội nhỏ hơn nhiều, nhưng lại liên tục hơn nhiều.
Nhiều năm trước, một số nhà hoạt động tôn giáo tính chuyện cải thiện tình trạng các nhà giam. Công chúng xúc động trước lời kêu gọi của các vị, và việc cải tạo các tội phạm hình sự trở thành công việc toàn dân tham gia.
Thế là nhiều nhà tù được xây mới. Lần đầu tiên tư tưởng cải tạo kẻ tội phạm đi vào ngục tù đồng thời với tư tưởng trừng phạt. Thế nhưng cái công cuộc tốt đẹp được công chúng tham gia với nhiệt tình nóng bỏng đến thế, và không gì cưỡng lại nổi những nỗ lực đồng loạt của các công dân, công cuộc đó lại không thực hiện nổi trong một lần.
Bên cạnh những trại giam mới mà ước vọng của phe đa số là phải xây sao cho nhanh, thì các nhà tù cũ vẫn còn đó và tiếp tục giam giữ vô số tội phạm. Những nhà tù cũ này dường như là càng trở nên độc hại hơn và đồi bại hơn cùng với việc những nhà giam mới mang tính cải cách hơn và lành mạnh hơn. Thật dễ hiểu vì sao lại có cái tác động kép đó: phe đa số, trong khi lao vào tạo ra công trình mới, đã bỏ quên cái đã có. Thế là mỗi người đều ngãng ra không dõi mắt vào cái mục tiêu không còn hấp dẫn mắt nhìn của ông chủ, rồi công việc thanh sát cũng ngừng luôn. Ta chứng kiến những mối dây liên hệ kỉ luật lành mạnh mới đầu chùng lại, sau đó thì đứt luôn. Bên cạnh nhà tù, cái tượng đài vĩnh cửu của sự hiền hoà và sáng láng mang tính thời đại, vẫn còn cái nhà ngục nhắc nhở ta cái thời man rợ Trung cổ xưa.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)