Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Kỹ sư và nhà hoạch định (Phần cuối)

Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Kỹ sư và nhà hoạch định (Phần cuối)

Lý tưởng về sự kiểm soát có ý thức các hiện tượng xã hội đã ảnh hưởng đáng kể tới lĩnh vực kinh tế1. “Hoạch định kinh tế” ngày nay đã trở thành khái niệm có tính đại chúng và hiện tượng này có thể truy nguyên trực tiếp tới sự thịnh hành của những tư tưởng duy khoa học mà chúng ta đang thảo luận. Bởi trong lĩnh vực này những lý tưởng duy khoa học hóa thân vào trong những hình thức cụ thể khiến nhà khoa học ứng dụng và đặc biệt người kỹ sư vội vã tin tưởng vào chúng, nên để thuận tiện chúng ta sẽ kết hợp cuộc thảo luận về sự ảnh hưởng này với việc xem xét những lý tưởng đặc trưng của tầng lớp kỹ sư. Rồi chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của cách tiếp cận có tính công nghệ của người kỹ sư, hay nhãn quan kỹ nghệ (engineering point of view), đối với những quan điểm hiện tại về các vấn đề tổ chức xã hội lớn hơn nhiều so những gì sơ bộ được thừa nhận. Hầu hết những phác đồ tổ chức lại toàn diện xã hội, từ tư tưởng xã hội không tưởng trước kia cho tới chủ nghĩa xã hội hiện đại, đều thực sự mang đậm dấu ấn của ảnh hưởng này. Trong những năm gần đây, mong muốn của người kỹ sư đối với việc ứng dụng kỹ nghệ để giải đáp các vấn đề xã hội đã trở nên rất rõ ràng2; “kỹ nghệ chính trị” và “kỹ nghệ xã hội” đã trở thành những khẩu hiệu hợp thời, thực sự trở thành - giống như việc họ ưa chuộng kiểm soát “có ý thức” - nét đặc trưng cho cách nhìn của thế hệ hiện tại; ở Nga, những nghệ sĩ thậm chí còn kiêu hãnh với danh hiệu “kỹ sư tâm hồn” do Stalin ban tặng. Những cụm từ này gợi đến một sự nhầm lẫn ở một quy mô lớn hơn về những khác nhau căn bản giữa nhiệm vụ của người kỹ sư và nhiệm vụ của các tổ chức xã hội. Đây chính là lý do khiến chúng ta xem xét chúng chi tiết hơn.

Ở đây chúng tôi tự giới hạn chỉ trình bày một vài điểm nổi bật nhất của các vấn đề đặc thù gắn liền với kinh nghiệm chuyên môn của người kỹ sư và quyết định nhãn quan của anh ta. Vấn đề đầu tiên là, bản thân những nhiệm vụ đặc thù của người kỹ sư thường hoàn chỉnh: anh ta luôn quan tâm tới một đích duy nhất, kiểm soát tất cả những nỗ lực dẫn đến đích đó, và quyết tâm đi tới đích đó dựa trên những nguồn lực hoàn toàn có sẵn. Điều này hàm ý nét đặc trưng nhất trong hành động của người kỹ sư là khả năng hoàn thành công việc, chí ít là trên nguyên tắc, theo nghĩa tất cả các khía cạnh trong tổ hợp các thao tác đều được người kỹ sư tính đến trước khi bắt đầu thực hiện, tức là tất cả những “dữ liệu” cần thiết cho công việc đều đã được đưa vào trong những tính toán ban đầu của người kỹ sư và được tổng hợp thành bản thiết kế kỹ thuật (blueprint) để định hướng việc thực thi toàn bộ công việc3. Nói cách khác, người kỹ sư kiểm soát toàn bộ thế giới nhỏ bé cụ thể mà anh ta quan tâm, xem xét tất cả những khía cạnh có liên quan của nó và chỉ phải xử lý “những đại lượng đã biết”4. Cho tới chừng nào anh ta còn bận tâm tới việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề kỹ thuật của mình, thì anh ta còn chưa tham gia vào quá trình xã hội nơi những người khác có khả năng đưa ra những quyết định độc lập. Anh ta vẫn sống trong một thế giới tách biệt của riêng mình. Việc ứng dụng những kỹ thuật mà anh ta làm chủ, những quy tắc chung mà anh ta đã được dạy, thực sự ngầm định sự tồn tại của một loại kiến thức hoàn chỉnh như thế về các sự kiện khách quan; những quy tắc đó đề cập tới các thuộc tính khách quan của sự vật và có thể được áp dụng chỉ sau khi tất cả những hoàn cảnh cụ thể của không gian và thời gian được tập hợp lại và đặt dưới sự chỉ huy của một bộ óc đơn lẻ. Kỹ năng của anh ta, nói theo cách khác, liên quan tới những tình huống tiêu biểu được xác định bằng các sự kiện khách quan, thay vì tới vấn đề làm thế nào để tìm ra đâu là những nguồn lực sẵn có hay ý nghĩa tương đối của các nhu cầu khác nhau là gì. Anh ta đã được đào tạo trong những khả năng khách quan, không phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể của không gian và thời gian, trong sự hiểu biết về những loại thuộc tính của những sự vật vốn luôn như nhau ở khắp mọi nơi và mọi thời điểm và không bị chi phối bởi ngữ cảnh con người.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý là quan điểm của người kỹ sư về công việc của mình như là một cái gì đó hoàn chỉnh tự thân, trong một chừng mực nào đó, là một ảo giác. Anh ta có thái độ đối với công việc của mình như vậy trong một xã hội cạnh tranh bởi vì anh ta có thể coi sự trợ giúp từ xã hội nói chung như là một loại dữ liệu đầu vào, như là thứ được cho sẵn đối với anh ta và chẳng đòi hỏi anh ta phải bận tâm về nó. Anh ta thường mặc định việc anh ta có thể mua những nguyên liệu và những dịch vụ từ những người anh ta cần theo một mức giá nhất định, việc nếu anh ta trả tiền cho những người làm công của mình thì họ sẽ cũng có thể mua thực phẩm và những vật dụng thiết yếu khác. Chính vì những kế hoạch của anh ta dựa trên những dữ liệu được thị trường mang đến, nên chúng mới khớp được vào bức tranh phức tạp rộng lớn hơn của các hoạt động xã hội; và bởi bản thân người kỹ sư không cần phải băn khoăn xem thị trường mang đến cho anh ta những thứ anh ta cần như thế nào, nên anh ta có thể coi công việc của mình như là một cái gì đó trọn vẹn tự thân. Chừng nào mà giá cả thị trường không bị đột biến, người kỹ sư vẫn sử dụng chúng như một chỉ dẫn trong những tính toán của mình và không cần suy nghĩ nhiều về vai trò của chúng. Nhưng, ngay cả khi anh ta bị ép buộc phải lưu ý đến chúng, thì chúng vẫn không phải là những thuộc tính của những sự vật thuộc những chủng loại mà anh ta có hiểu biết. Chúng không phải là những tính chất khách quan của sự vật, mà là những cân nhắc về một hoàn cảnh con người cụ thể ở một thời điểm và không gian xác định. Và bởi kiến thức của người kỹ sư không cho anh ta biết tại sao lại có những thay đổi đó trong giá cả khiến các kế hoạch của anh ta bị cản trở, nên đối với anh ta bất kỳ một trở ngại nào như vậy đều có vẻ là do những thế lực phi lý tính (nghĩa là, không được định hướng một cách có ý thức) gây ra, và người kỹ sư cảm thấy phẫn nộ khi phải quan tâm tới những đại lượng mà anh ta thấy vô nghĩa. Do vậy, nét đặc trưng và cố hữu của người kỹ sư là luôn đòi hỏi phải thay thế tính toán “nhân tạo” dưới dạng giá cả hay giá trị bằng tính toán tự nhiên (in natura)5, một loại tính toán xem xét những thuộc tính khách quan của sự vật một cách minh bạch.

Lý tưởng của người kỹ sư – điều khiến anh ta cảm thấy những tác lực kinh tế là “phi lý tính”, là thứ ngăn cản anh ta đạt được thành quả dựa trên nghiên cứu về những thuộc tính khách quan của sự vật – thường là một cái gì đó tối ưu thuần túy kỹ thuật và có tính hợp lệ tổng quát. Người kỹ sư hiếm khi nhận ra rằng việc anh ta ưu tiên sử dụng những phương pháp cụ thể này đơn thuần chỉ là hệ quả của loại vấn đề mà anh ta thường xuyên phải giải quyết nhất, và rằng hành động đó hợp lý chỉ trong những tình huống xã hội cụ thể. Bởi vấn đề chung nhất mà người chế tạo các loại máy phải đối mặt là tìm ra công suất tối đa từ những nguồn lực cho trước, với cơ cấu máy móc được đưa vào như là một biến số mà anh ta có thể kiểm soát, nên công suất sử dụng tối đa được đưa lên thành một lý tưởng cao nhất, một giá trị tự thân6. Nhưng dĩ nhiên, ở đó không có bất kỳ một cân nhắc đặc biệt nào đến việc: để tiết kiệm được một trong nhiều yếu tố hạn chế cái thành quả có thể đạt được thì sẽ phải hy sinh những yếu tố khác. “Bài toán kỹ thuật tối ưu” của người kỹ sư thường dẫn đến kết quả có dạng đơn giản rằng giải pháp đáng muốn áp dụng là giải pháp được thực hiện trong điều kiện có nguồn vốn không hạn chế, hay với tỉ lệ lãi suất bằng không; cái giải pháp đó thực chất là một trạng thái nơi chúng ta muốn có tỷ lệ chuyển đổi yếu tố đầu vào thành yếu tố đầu ra ở mức cao nhất có thể. Nhưng để coi đó như là một mục tiêu trước mắt thì phải xem nhẹ một thực tế rằng một tình trạng như vậy chỉ có thể đạt tới bằng cách duy trì trong một thời gian dài việc sử dụng sai lệch các nguồn lực để phục vụ các nhu cầu hiện tại về sản xuất thiết bị. Nói cách khác, lý tưởng của người kỹ sư được dựa trên sự phớt lờ cái thực tế kinh tế cơ bản nhất quyết định vị trí của chúng ta ở đây và bây giờ: sự khan hiếm vốn.

Tất nhiên, lãi suất chỉ là một, dù là thứ ít được am tường nhất và vì thế ít được ưa thích nhất, trong số các loại giá cả, những thứ đóng vai trò như là những chỉ dẫn vô tư mà người kỹ sư phải tuân theo nếu anh ta còn muốn những kế hoạch của mình ăn khớp với khuôn dạng vận động của xã hội như là một tổng thể, nhưng ngược lại, chúng là thứ ràng buộc khiến anh ta phát cáu bởi vì chúng đại diện cho những lực lượng mà anh ta chẳng hiểu gì về nguyên do tồn tại của chúng. Giá cả là một trong những loại ký hiệu ghi lại một cách tự động (dù không hề vẹn toàn) cái liên hợp tổng thể tri thức con người cũng như mong muốn của con người, và là thứ mà một cá nhân phải quan tâm tới nếu anh ta muốn bắt nhịp với toàn bộ hệ thống. Nếu, thay vì sử dụng loại thông tin cô đọng này từ hệ thống giá cả, giả dụ anh ta phải quay trở lại chú tâm xem xét các thực tế khách quan cho mọi trường hợp, thì điều này có nghĩa là anh ta đã để tuột mất cái phương pháp giúp anh ta có thể chỉ cần quan tâm tới những bối cảnh trước mắt và thay vào đó là một phương pháp đòi hỏi tất cả lượng kiến thức này phải được tập trung lại tại một trung tâm và được đưa vào trong một kế hoạch đơn nhất một cách rõ ràng và có chủ ý. Việc ứng dụng phương pháp kỹ thuật cho tổng thể xã hội thực sự đòi hỏi người chỉ huy phải sở hữu một lượng tri thức hoàn chỉnh về toàn bộ xã hội giống như người kỹ sư sở hữu tri thức hoàn chỉnh về thế giới nhỏ bé của anh ta. Hoạch định kinh tế tập trung chẳng là gì khác ngoài việc áp dụng các nguyên lý kỹ thuật như vậy cho tổng thể xã hội dựa trên giả thiết có thể tập trung được đầy đủ tất cả các tri thức hữu quan7.

Trước khi xem xét tiếp ảnh hưởng của quan niệm này đối với việc tổ chức xã hội một cách có lý tính, chúng ta sẽ bổ sung vào bản phác họa nhãn quan đặc trưng của người kỹ sư một bản tóm tắt rất ngắn gọn về những chức năng của thương gia hay người kinh doanh. Điều này không chỉ làm sáng tỏ thêm bản chất của vấn đề sử dụng tri thức phân tán giữa rất nhiều người, mà còn giúp giải thích vì sao không chỉ người kỹ sư mà cả thế hệ chúng ta có thái độ không ưa thích đối với tất cả những hoạt động thương mại, và tại sao bây giờ người ta lại ưa thích hoạt động “sản xuất” hơn những hoạt động được gọi với cái tên “phân phối” vốn ít nhiều gây nhầm lẫn. 

So sánh với công việc của người kỹ sư, theo một nghĩa nào đó, công việc của một thương gia có tính “xã hội” nhiều hơn, nghĩa là, đan xen với các hoạt động tự do của những người khác. Thương gia góp tay vào quá trình hoàn thành một mục đích tại thời điểm này hay thời điểm khác, và hiếm khi tham gia vào toàn bộ một quá trình hoàn chỉnh phục vụ cho một nhu cầu cuối cùng. Điều khiến anh ta quan tâm không phải việc một quá trình hoàn chỉnh mà anh ta tham gia đóng góp đạt được một kết quả cuối cùng cụ thể nào đó, mà là cách thức sử dụng tốt nhất một phương tiện cụ thể nào đó mà anh ta biết. Tri thức đặc thù của anh ta chủ yếu là loại tri thức về những hoàn cảnh cụ thể theo không gian và thời gian, hay có thể là một kỹ năng xác quyết những hoàn cảnh đó trong một lĩnh vực đã biết. Nhưng dù loại tri thức này không phải là loại có thể được chuẩn thức thành những định đề phổ quát, hay có thể ghi nhớ một lần và dùng mãi mãi, và dù trong kỷ nguyên của Khoa-Học, vì lý do kể trên nó bị coi như là loại tri thức hạng hai, thì nó không hề kém phần quan trọng so với kiến thức khoa học nhằm đạt được các mục đích thực tiễn. Và trong khi có lẽ vẫn có thể tưởng tượng ra rằng tất cả kiến thức lý thuyết có thể được tổng hợp và chứa đựng trong đầu của một số chuyên gia và vì thế có thể chuyển được tới cho một cơ quan quyền lực trung ương duy nhất, thì loại kiến thức về những thứ cụ thể, về những hoàn cảnh thoáng qua trong khoảnh khắc, và về những điều kiện cục bộ này sẽ không bao giờ tồn tại dưới hình thức nào khác ngoài việc bị phân tán cho nhiều người. Kiến thức về khi nào một nguyên liệu hay máy móc cụ thể có thể được sử dụng hiệu quả nhất, hay ở đâu có thể kiếm được rẻ nhất và nhanh nhất một yếu tố đầu vào nào đó có vai trò quan trọng đối với việc giải quyết một vấn đề cụ thể hoàn toàn ngang bằng như kiến thức về đâu là loại nguyên liệu hay máy móc tốt nhất cho mục đích đó. Loại kiến thức đầu tiên ít liên quan tới các thuộc tính cố hữu của các nhóm sự vật mà người kỹ sư nghiên cứu, nhưng lại là loại kiến thức về ngữ cảnh cụ thể của con người. Và bởi là người có nhiệm vụ cân nhắc những thực tế này, nên thương gia luôn có xu hướng đối nghịch với những lý tưởng của người kỹ sư, người có những kế hoạch mà anh ta gây cản trở và người vì thế luôn không ưu thích anh ta8.

Vì thế, vấn đề làm thế nào để những nguồn lực của chúng ta được sử dụng hiệu quả về cơ bản được quy về vấn đề làm thế nào để tri thức về những hoàn cảnh tức thời, cụ thể có thể được sử dụng một cách hiệu quả nhất; và nhiệm vụ của người thiết kế một trật tự xã hội dựa trên lý tính là phải tìm ra một phương pháp mà qua đó khối tri thức được phân tán rộng rãi này có thể được đưa vào sử dụng một cách tốt nhất. Miêu tả nhiệm vụ này theo cách quen thuộc như là một cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực “sẵn có” để thỏa mãn những nhu cầu “hiện tại” là một điều đáng nghi vấn. Cả nguồn lực “sẵn có” và nhu cầu “hiện tại” đều không phải là những thực tế khách quan theo nghĩa đây là những thực tế mà người kỹ sư xử lý trong phạm vi nghề nghiệp của mình: một cơ quan hoạch định đơn nhất không thể nào trực tiếp biết được mọi chi tiết liên quan đến chúng. Sự tồn tại của các nguồn lực và các nhu cầu vì các mục đích thực tiễn chỉ được biến đến thông qua một vài người, và sẽ luôn luôn có vô vàn thứ được dân chúng, xét toàn bộ gộp lại, biết đến nhiều hơn so với cơ quan có thẩm quyền am tường nhất9. Do vậy, không thể trông đợi vào cơ quan có thẩm quyền chuyên xử lý trực tiếp các thực tế khách quan để đưa ra được một giải pháp thành công, mà phải dựa trên phương pháp sử dụng khối tri thức đang bị phân tán trong tất cả thành viên của xã hội, thứ tri thức mà trong bất kỳ hoàn cảnh cụ thể nào, chính quyền trung ương sẽ luôn không biết ai sở hữu nó cũng như liệu nó có tồn tại hay không. Vì thế, chúng ta không thể khai thác sử dụng được loại tri thức này bằng cách gắn kết nó một cách có chủ ý vào một tổng thể cố kết, mà chỉ bằng cách thông qua một cơ chế nhất định nào đó, cái cơ chế sẽ phó thác những quyết định cụ thể cho những người sở hữu nó, và vì mục đích đó sẽ cung cấp cho họ loại thông tin về bối cảnh chung mà sẽ cho phép họ có thể tận dụng tốt nhất những hoàn cảnh cụ thể vốn chỉ có họ mới biết được.

Đây chính xác là chức năng mà nhiều “thị trường” khác nhau cung cấp. Dù mỗi thành viên tham gia thị trường chỉ biết đến một bộ phận nhỏ trong số tất cả những nguồn cung cấp khả thể, hay nơi tiêu thụ khả thể, của một loại hàng hóa, bất kể trực tiếp hay gián tiếp, nhưng các thành viên tham gia lại có quan hệ tương tác với nhau đến nỗi các mức giá cả ghi nhận được những giá trị thực của tất cả những thay đổi ảnh hưởng tới cung hay cầu10. Các thị trường và các mức giá cả, nếu chúng ta muốn hiểu chức năng của chúng, phải được xem như là một công cụ dùng để truyền đạt các loại thông tin hữu quan dưới dạng cô đọng và súc tích cho tất cả những ai quan tâm tới một loại mặt hàng cụ thể. Chúng giúp tri thức của nhiều người được sử dụng mà không cần trước đó phải tập trung tri thức của họ vào một cơ quan duy nhất, và nhờ đó, khiến cho việc kết hợp các quyết định phân tán cũng như sự điều chỉnh lẫn nhau giữa những quyết định này trong một hệ thống cạnh tranh trở nên khả thể.

Khi hướng tới một kết quả mà chúng ta phải dựa vào tri thức riêng rẽ của rất nhiều người thay vì trông đợi vào một hệ thống tri thức hay lý luận nhất quán do nhà thiết kế sở hữu, thì nhiệm vụ tổ chức xã hội sẽ khác một cách cơ bản so với nhiệm vụ tổ chức những nguồn lực vật chất có sẵn. Bởi không một tâm trí cá nhân nào có thể biết nhiều hơn một phần nhỏ những gì toàn bộ các tâm trí cá nhân biết đến nên sự định hướng có ý thức để cải thiện những kết quả do các quá trình xã hội vô nhân tính mang lại sẽ bị giới hạn. Con người không chủ ý chế tác quá trình này; anh ta bắt đầu tìm hiểu nó chỉ sau khi nó đã thành hình. Nhưng việc một cái gì đó không những có thể tự vận hành không cần đến sự kiểm soát có ý thức, mà thậm chí còn không được chế tác một cách có chủ ý, vẫn đem lại những kết quả đáng mong muốn mà chúng ta không thể có được bằng bất kỳ cách nào khác, là một kết luận mà nhà khoa học tự nhiên thấy khó có thể chấp nhận. 

Đó là bởi lĩnh vực khoa học luân lý có chiều hướng chỉ ra cho chúng ta những giới hạn như vậy đối với sự kiểm soát có ý thức của chúng ta, trong khi tiến bộ của lĩnh vực khoa học tự nhiên lại luôn mở rộng phạm vi của sự kiểm soát có ý thức, vì thế nhà khoa học tự nhiên thường xuyên thấy mình cần phải đấu tranh chống lại sự giảng giải của khoa học luân lý. Kinh tế học nói riêng, sau khi bị kết tội vì sử dụng những phương pháp nghiên cứu khác với các phương pháp của các nhà khoa học tự nhiên, bị kết tội thêm một lần nữa vì nó tuyên bố đã chỉ ra được những giới hạn cho phương pháp mà các nhà khoa học tự nhiên sử dụng trong việc mở rộng liên tục khả năng chinh phục và làm chủ tự nhiên của con người.

Chính sự xung khắc này cùng với bản tính [ham thích] chinh phục của con người, vốn được nhân lên gấp bội trong con người của nhà khoa học và kỹ sư, khiến người ta không hứng thú lắm với hoạt động giảng dạy khoa học luân lý. Như Bertrand Russel đã miêu tả rất hay về tình cảnh này: “Làm việc theo kế hoạch tạo cho người ta cảm giác sung sướng; nó trở thành một trong những động lực mạnh nhất của con người biết kết hợp trí thông minh với sức lực; con người luôn gắng sức xây dựng bất cứ thứ gì miễn là theo kế hoạch… Sự khao khát sáng tạo bản thân nó không có tính duy tâm bởi nó là một biểu hiện của tình yêu quyền lực, và khi quyền năng sáng tạo còn tồn tại thì sẽ có những con người khát khao sử dụng quyền năng này, dù rằng một kết quả tự nhiên không cần sự can thiệp có thể còn tốt hơn kết quả tạo ra từ chủ ý”11. Tuy nhiên, lời tuyên bố này được đưa ra ở phần đầu của một chương có tựa đề rất ấn tượng “Những xã hội nhân tạo” (“Artificially created societies”) mà ở đó bản thân Russel tỏ ra ủng hộ khi lập luận rằng “không xã hội nào có thể được coi là thực sự khoa học trừ khi nó được tạo ra một cách có chủ ý theo một cấu trúc nhất định để đạt được những mục đích nhất định.”12 Lời tuyên bố này, do hầu hết độc giả đều có thể hiểu, truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng triết lý duy khoa học, thông qua những nhà truyền bá nổi tiếng của mình, đã góp phần vào việc hình thành khuynh hướng hiện tại thiên về chủ nghĩa xã hội nhiều hơn tất cả những cuộc xung đột giữa những lợi kinh tế, những thứ dù có làm nảy sinh vấn đề, nhưng không đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể. Đối với đa số những thủ lĩnh trí thức của các phong trào xã hội chủ nghĩa, thật chẳng sai chút nào khi nói rằng họ là những người theo chủ nghĩa xã hội bởi đối với họ chủ nghĩa xã hội, như A. Bebel, lãnh tụ của phong trào dân chủ xã hội Đức nhận định cách đây sáu năm, là “khoa học áp dụng, với nhận thức rõ ràng và có cái nhìn đầy đủ, vào mọi lĩnh vực của hoạt động con người”13. Để chứng tỏ rằng cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội thực sự bắt nguồn từ loại triết lý duy khoa học này, chúng ta cần tiến hành những nghiên cứu lịch sử chi tiết riêng biệt khác. Hiện tại mối quan tâm chủ yếu của chúng ta là chỉ ra mức độ mà sai lầm thuần túy trí tuệ trong lĩnh vực này có khả năng gây tác động sâu sắc đến những viễn cảnh tương lai của loài người như thế nào.

Những người không muốn từ bỏ bất kỳ quyền năng kiểm soát có ý thức nào sẽ không thể lĩnh hội được điều sau: đối với xã hội như là một tổng thể, sự khước từ quyền năng có ý thức này – cái thứ quyền năng luôn là quyền năng của người này áp đặt lên những con người khác – chỉ là một sự rút lui hiển nhiên, là một sự tự phủ quyết mà các cá nhân nên thực hiện để gia tăng sức lực cho cuộc chạy đua, nhằm giải phóng tri thức và năng lượng của vô số các cá nhân, những thứ vốn không bao giờ được dùng đến trong một xã hội được định hướng một cách có ý thức từ bên trên. Điều bất hạnh lớn của thế hệ chúng ta là: sự tiến triển kỳ diệu của các ngành khoa học tự nhiên khiến cho sự định hướng ngày càng được quan tâm, nhưng sự định hướng không phải là thứ trợ giúp cho chúng ta nhận thức thấu đáo về một quá trình lớn hơn, ở đó, trong vai trò là những cá nhân, chúng ta chỉ là một bộ phận, và nó cũng không giúp chúng ta trong việc hiểu được quá trình tại đó chúng ta liên tục đóng góp cho nỗ lực chung mà chẳng cần ai phải chỉ đạo hay chẳng cần phục tùng mệnh lệnh kẻ khác. Để thấy được điều đó cần một loại nỗ lực trí tuệ có đặc điểm khác so với loại nỗ lực cần cho sự kiểm soát những vật hữu hình, một nỗ lực mà ở đó nền giáo dục truyền thống trọng “nhân văn” ít nhất đã thử nghiệm, nhưng dường như lại không được mấy quan tâm trong hình thức giáo dục đang phổ biến hiện nay. Nền văn minh kỹ thuật của chúng ta ngày càng tiến bộ và vì thế, việc nghiên cứu các sự vật như là một bộ môn tách biệt khỏi việc nghiên cứu con người cũng như những ý tưởng con người ngày càng khẳng định được vai trò và ảnh hưởng của mình, thì lằn phân tách giữa hai loại tâm trí sau đây ngày càng trở nên sâu rộng hơn: một loại tâm trí được đại diện bởi người có ham muốn tột cùng là biến thế giới xung quanh thành một cỗ máy khổng lồ, mọi bộ phận của cỗ máy đó, khi được ấn nút, sẽ chuyển động theo ý muốn của anh ta; và loại tâm trí thứ hai được đại diện bởi người có mong muốn làm giàu tâm trí con người trên tất cả mọi khía cạnh, bởi người, dù nghiên cứu lịch sử hay văn học, nghệ thuật hay luật pháp, đã học được cách nhìn cá nhân như là một bộ phận của một quá trình trong đó sự đóng góp của anh ta không phải được điều khiển mà là tự phát, và ở đó anh ta hỗ trợ việc tạo ra một số thứ vĩ đại hơn những gì anh ta hay bất kỳ bộ óc cá nhân nào khác có thể vạch ra. Nền giáo dục chỉ dựa trên các ngành Khoa-Học hay công nghệ có vẻ như thất bại hoàn toàn trong việc truyền tải nhận thức về cá nhân như là một bộ phận của quá trình xã hội và nhận thức về cách thức mà những hoạt động cá nhân tương tác với nhau. Không hề ngạc nhiên khi có nhiều bộ óc tài năng trong số những bộ óc được đào tạo theo kiểu đó sớm hay muộn sẽ dùng bạo lực để phản ứng, chống lại những khiếm khuyết mà nền giáo dục đó mang lại cho họ, và rồi họ nuôi dưỡng tham vọng áp đặt lên xã hội cái thứ trật tự mà họ không thể tìm ra bằng những phương pháp quen thuộc.

Để kết luận, có lẽ vẫn hữu ích khi tôi nhắc lại cho độc giả một lần nữa rằng tất cả những gì chúng ta nói đến ở đây chỉ nhằm chống lại cách ứng dụng Khoa-Học sai lầm, tức thay vì chống lại nhà khoa học hoạt động trong đúng lĩnh vực chuyên sâu nơi anh ta am tường, chúng ta chống lại việc áp dụng những thói quen suy nghĩ của nhà khoa học này vào những lĩnh vực mà anh ta không am tường. Không có sự mâu thuẫn nào giữa những kết luận của chúng ta và các kết luận của khoa học chính thống. Bài học chủ yếu mà chúng ta có được thực ra giống hệt như bài học mà một trong những nghiên cứu viên xuất sắc nhất về phương pháp khoa học đúc kết từ một khảo cứu trong tất cả các lĩnh vực tri thức luận: “bài học vĩ đại về sự khiêm cung mà khoa học dạy chúng ta, rằng chúng ta không bao giờ có thể có quyền năng tuyệt đối hay thông suốt mọi sự, cũng chính là bài học mà tất cả những tôn giáo lớn thuyết giảng: con người không phải và sẽ không bao giờ là chúa trời, người mà khi đối mặt anh ta cần phải biết cúi đầu”.14

Chú thích: 

(1) Đối với những người muốn theo đuổi những chủ đề đã thảo luận trong chương trước, có thể tham khảo thêm một số tác phẩm liên quan được công bố sau khi bài luận này ra mắt lần đầu tiên. Ngoài cuốn Selected Writings of Edward Sapir đã được đề cập ở trên, do D. G. Mandelbaun biên tập (Berkeley: University of Carlifornia Press, 1949, esp. pp. 46f., 104, 162, 166, 546 ff. và 553), người đọc đặc biệt nên tham khảo thêm G. Ryle, “Knowing How and Knowing That”, Proceedings of the Aristotelian Society, n.s., vol. 46 (1945), và những bài viết tương ứng trong cuốn The Concept of Mind (London, 1949) của cùng tác giả; K. R. Popper, The Open Society and Its Enemies (London, 1946); và M. Polyani, The Logic of Liberty (London, 1951).

(2) Một lần nữa, K. Mannheim, Man and Society in an Age of Reconstruction (1940), esp. pp. 240-44, lại được đưa ra như là một trong những minh họa tốt nhất cho xu hướng này, ở đó ông giải thích rằng “chức năng luận (functionalism) xuất hiện lần đầu tiên trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, và có thể được miêu tả như một nhãn quan kỹ thuật. Chỉ gần đây nó mới được đưa sang lĩnh vực xã hội... Một khi cách tiếp cận kỹ thuật này được chuyển giao từ khoa học tự nhiên sang những vấn đề con người, nhất định nó sẽ mang đến một sự thay đổi sâu sắc cho con người... Cách tiếp cận theo chức năng không còn coi các ý tưởng và giá trị đạo đức như là những giá trị tuyệt đối, mà là những sản phẩm của một quá trình xã hội, và nếu cần thiết, có thể được thay đổi bởi chỉ dẫn khoa học kết hợp với thực tiễn chính trị... Sự mở rộng học thuyết về quyền năng tối cao của kỹ thuật mà tôi biện hộ trong cuốn sách này, theo quan điểm của tôi, là không thể tránh được... Tiến bộ trong phương pháp tổ chức không là gì khác ngoài việc áp dụng những khái niệm kỹ thuật vào các hình thức hợp tác. Một con người, với tư cách như là một bộ dục và đào tạo để căn chỉnh cách phản ứng của anh ta, và tất cả những hoạt động mà anh ta được yêu cầu thực hiện cần được phối hợp bên trong một cơ cấu có tổ chức dựa trên một nguyên lý hiệu quả xác định”.

(3) Tôi tìm thấy một miêu tả tốt nhất cho thuộc tính này của cách tiếp cận kỹ thuật của người kỹ sư trong một bài phát biểu của kỹ sư quang học nổi tiếng người Đức Ernst Abbe: “Giống như người kiến trúc sư, trước khi bắt tay vào việc thực hiện công việc, đã hình dung ra công trình xây dựng trong đầu mình và chỉ cần đến cây bút và tờ giấy để ghi lại ý tưởng, thì [người kỹ sư quang học] cũng đã hình dung đầy đủ trong đầu mình cấu hình phức tạp của thủy tinh và kim loại, nghĩa là cố gắng hình dung về mọi thành tố nhất thiết phải tham gia và các quy định ràng buộc chúng thông qua việc thấu hiểu về mặt lý thuyết các tác động lên mọi bộ phận trước khi những bộ phận ấy tham gia vào các quá trình biến đổi vật chất thực sự. Như thế, bàn tay lao động không có chức năng nào hơn là thực hiện chính xác những hình mẫu và đại lượng của mọi yếu tố kết cấu đã được tính toán; và kinh nghiệm thực hành cũng không có nhiệm vụ nào khác hơn là làm chủ các phương pháp và phương tiện phụ trợ thích hợp cho việc thực hiện chúng dưới góc độ vật lý” (trích trong Franz Schnabel, Deutsche Geschichte im neunzehnten Jahrbundert [1934], vol. 3, p. 222 – một kho thông tin về chủ đề này cũng như về tất cả những chủ đề khác liên quan đến lịch sử trí tuệ của nước Đức thế kỷ XIX).

(4) Tại sao sự uỷ thác hay phân công lao động, bất kể việc có năng lực tạo ra một bản thiết kế kỹ thuật cho hoạt động này hay không, lại rất hạn chế và khác biệt căn bản so với sự phân hữu tri thức mà sự vận hành của các quá trình xã hội phi nhân dựa vào? Trả lời đầy đủ câu hỏi trên là quá dài dòng nhưng sẽ là đủ khi chỉ ra rằng để có thể thực hiện sự uỷ thác lao động như thế, người ta không những phải duy trì được tính chính xác của kết quả để sao cho bất cứ ai có nhiệm vụ thực hiện một phần của bản kế thiết kế kỹ thuật đều chắc chắn hoàn thành, mà còn phải biết được việc đạt được cái kết quả đó phải có cái giá không nhiều hơn một khoản chi phí tối đa nào đó.

(5) Người cổ vũ kiên trì nhất cho cách tính toán in natura như vậy là Dr. Otto Neurath, người giữ vai trò chủ đạo của “chủ nghĩa duy vật lý” và “chủ nghĩa khách quan” hiện đại.

(6) Tham khảo một đoạn đặc sắc trong The Anatomy of Modern Science của B. Bavinck , do H.S. Hatfield dịch từ ấn bản tiếng Đức in lần thứ 4 (1932), tr. 564: “Khi công nghệ của chúng ta vẫn tiếp tục phải quan tâm đến vấn đề chuyển đổi nhiệt năng thành công năng theo một cách thức sao cho tốt hơn so với cách chúng ta có thể đạt được thông qua các động cơ hơi nước ngày nay cũng như các động cơ dùng nhiệt khác... thì điều này không trực tiếp là để giảm chi phí sản xuất năng lượng, mà trước tiên là bởi vì bản thân nó là cái đích nhằm nâng hiệu quả nhiệt của động cơ dùng nhiệt lên càng nhiều càng tốt. Nếu phạm vi vấn đề là phải chuyển đổi nhiệt năng thành công năng, thì đòi hỏi này phải được thực hiện theo một cách thức sao cho lượng nhiệt năng phải được chuyển đổi ở mức nhiều nhất có thể... Vì thế, lý tưởng của nhà thiết kế những cỗ máy như vậy là tính hiệu quả của chu kỳ Carnot, cái quá trình lý tưởng đem lại hiệu quả lớn nhất về lý thuyết.”

Dễ dàng nhận ra tại sao phương pháp tiếp cận này, cùng với khát khao có được một sự tính toán tự nhiên, dẫn những người kỹ sư tới việc xây dựng những hệ thống “duy năng lượng học” (energetics) thường xuyên tới mức người ta đã nhận xét một cách rất công bằng rằng: “Thế giới quan của người kỹ sư có đặc điểm là thế giới quan duy năng lượng” (L.Brinkmann, Der Ingenieur [Frankfurt, 1908], p.16). Chúng ta đã đề cập (pp. 77-79) tới biểu thị đặc trưng này của “chủ nghĩa khách quan” duy khoa học, và ở đây chúng ta không xem xét chi tiết lại vấn đề. Tuy nhiên, nét đặc trưng, sự lan truyền, và ảnh hưởng mạnh mẽ của quan điểm này ra sao lại đáng để lưu ý. E. Solvay, G. Ratzenhofer, W. Ostwald, P. Geddes, F. Soddy, H. G. Wells, những “nhà kỹ trị” cùng với L. Hogben chỉ là một vài trong số những tác giả có ảnh hưởng ít nhiều đề cao vai trò thống trị của duy năng lượng học trong những tác phẩm của mình. Có một số nghiên cứu về phong trào này viết bằng tiếng Pháp và tiếng Đức (Nyssens, L’énergetique [Brussels, 1908]; G. Barnich, Principes de politique positive basée sur l’énergetique sociale de Solvay [Brussels, 1918]; Shnehen, Energetische Weltanschauung [1907]; A. Dochman, F. W. Ostwald’s Energetik [Bern, 1908]; và nghiên cứu tốt nhất, Max Weber, “Energetische Kulturtheorien” [1909], tái bản trong Gesammelte Aufsätze zur Wissenschaftslehre [1922]), nhưng trong số đó không có nghiên cứu nào thỏa đáng, và theo hiểu biết của tôi, không có cuốn nào được dịch ra tiếng Anh.

Phần tác phẩm của Bavinck mà chứa trích đoạn trên trình bày cô đọng ý chính của kho tư liệu khổng lồ, hầu hết bằng tiếng Đức, về “triết học công nghệ” vốn đã được lưu hành rộng rãi, và trong số đó, E. Zschimmer, Philosophie der Technick, 3d ed. (Stuttgart, 1933) được biết đến nhiều nhất. (Những tư tưởng tương tự hiện diện khắp trong những tác phẩm nổi tiếng của Lewis Mumford, người Mỹ). Tác phẩm tiếng Đức này được biết đến như là một nghiên cứu tâm lý, mặc dù nó còn bàn về sự pha trộn buồn thảm nhất của tính vô vị tầm thường và hành động vô cảm mà tác giả này đã từng nghiên cứu kỹ. Đặc điểm khái quát của nó là tình trạng thù hằn đối với tất cả những nghiên cứu kinh tế, việc cố gắng chứng minh sự tồn tại của những lý tưởng kỹ thuật thuần khiết, và sự ca ngợi việc tổ chức cả tổng thể xã hội theo cùng cái nguyên lý dùng để vận hành một nhà máy đơn nhất. (Về luận điểm cuối cùng, xem cụ thể F. Dessauer, Philosophie der Technik [Bonn, 1927], p. 129.) 

(7) Luận điểm này đã được những người tán thành nó công nhận hoàn toàn và điều này được thể hiện qua việc tất cả những người theo Chủ nghĩa xã hội từ Saint-Simon tới Marx và Lenin luôn thích thú ví von rằng toàn bộ xã hội nên được vận hành theo đúng như cách vận hành của một nhà máy đơn lẻ. Cf., V. I. Lenin, The State and Revolution, Little Lenin Library (1933), p. 78: “Toàn bộ xã hội sẽ trở thành một cơ quan đơn nhất và một phân xưởng đơn nhất, nơi có công việc và tiền công bình đẳng”; và về Simon và Marx, tham khảo trang 242, chú thích 18, tại cuốn sách này.

(8) Về vấn đề này, xem bài luận của tôi nhan đề “The Use of Knowledge in Society”, American Economic Review 35, No. 4 (Sep., 1945), được in lại trong Individualism and Economic Order (Chicago: University of Chicago Press, 1948), pp. 77-91.

(9) Liên quan đến điểm này, điều quan trọng cần nhớ là những số gộp thống kê mà chính quyền trung ương dựa vào để ra quyết định như người ta thường gợi ý luôn được hình thành bằng cách chủ động phớt lờ những hoàn cảnh đặc thù của thời gian và không gian.

(10) Liên quan đến luận điểm này tham khảo gợi ý trong K. F. Mayer, Goldwanderungen (Jena, 1935), pp. 66-68, và cả bài viết của tôi “Economics and Knowledge,” Economica (Feb. 2, 1937), được in lại trong Individualism and Economic Order (Chicago: University of Chicago Press, 1948), pp. 33-56.

(11) Scientific Outlook, 1931, p. 211.

(12) Ibid. Đoạn được trích dẫn có thể được giải thích theo một nghĩa không thể phản bác nếu cụm từ “những mục đích nhất định” được sử dụng không phải để chỉ những kết quả cụ thể được quyết định trước, mà là để chỉ khả năng cung cấp những thứ các cá nhân mong muốn vào bất cứ thời điểm nào – tức là, nếu cái được lên kế hoạch là một bộ máy có thể phục vụ cho rất nhiều mục đích và tiếp đó không cần phải được định hướng “một cách có chủ ý” để hướng tới một mục đích cụ thể.

(13) A. Bebel, Die Frau und der Sozialismus, 13th ed. (1892), p. 376: “Chủ nghĩa xã hội là khoa học được áp dụng, với nhận thức rõ ràng và có cái nhìn đầy đủ, vào mọi lĩnh vực của hoạt động con người”. Tham khảo cả E. Ferri, Socialism and Positive Science (dịch từ ấn bản tiếng Italia). Luận điểm này được trình bày rõ ràng lần đầu tiên có lẽ là M. Ferraz, Socialisme, naturalisme et positivisme (Paris, 1877).

(14) M. R. Cohen, Reason and Nature (1931), p. 449. Đáng lưu ý là một trong những thành viên lãnh đạo của phong trào mà chúng ta đang quan tâm, triết gia người Đức Ludwig Feuerbach, dứt khoát chọn nguyên lý đối lập, homo homini Deus [Con người là Thượng Đế của con người – ND], như là châm ngôn định hướng của mình.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007