.jpg)
Comte và Hegel (Phần 1)
I.
Ở bất kỳ thời đại nào, trong các cuộc tranh luận đều tràn ngập những vấn đề được nhìn nhận theo các cách khác nhau bởi các trường phái tư tưởng hàng đầu của thời đại đó. Nhưng bầu không khí trí tuệ bao trùm của thời đại bao giờ cũng được quyết định bởi các quan điểm mà các trường phái tư tưởng đối lập nhau đồng tình. Chúng trở thành những giả định ngầm của mọi tư tưởng, và trở thành những nền tảng chung, được xem là đương nhiên cho tất cả các cuộc tranh luận diễn ra.
Khi chúng ta không còn chia sẻ những giả định ngầm của những thời kỳ trong quá khứ, việc nhận ra chúng thật tương đối dễ dàng. Nhưng tình thế lại khác khi chúng ta đụng chạm đến những ý tưởng nền tảng của tư duy trong những thời đại gần đây. Lúc này, chúng ta thường vẫn chưa nhận ra được những đặc điểm chung mà các hệ thống tư tưởng đối lập nhau chia sẻ, những ý tưởng mà vì một lý do nào đó thường không được nhận diện; chúng giành được địa vị thống trị nhưng lại không phải trải qua một quá trình sàng lọc nghiêm túc. Điều này rất nghiêm trọng bởi vì, như Benard Bosanquet đã từng chỉ ra rằng “những thái độ cực đoan về tư tưởng có thể dẫn đến sai lầm ngang bằng với khả năng khám phá ra sự thật”1. Những sai lầm này đôi lúc trở thành những giáo lý chỉ bởi vì chúng được công nhận bởi các nhóm [tư tưởng] khác nhau đang tranh cãi về tất cả các vấn đề thời sự, và chúng thậm chí có thể tạo ra các nền tảng ngầm cho tư duy trong trường hợp chúng ta quên lãng hầu hết các lý thuyết vốn là nguồn cơn gây ra sự chia rẽ giữa các nhà tư tưởng mà chúng ta chịu ơn.
Khi điều này xảy ra, lịch sử các ý tưởng trở thành chủ đề có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Nó có thể giúp chúng ta nhận thức được phần lớn những điều chi phối tư tưởng của chúng ta mà chính bản thân chúng ta rõ ràng không hay biết điều này. Nó cũng có thể phục vụ các mục đích của hoạt động phân tâm bằng cách phơi bày những nhân tố vô thức quyết định lập luận của chúng ta, và có lẽ giúp đỡ chúng ta tẩy rửa tâm trí khỏi những ảnh hưởng đã làm chúng ta lạc lối trong các vấn đề của thời đại chúng ta.
Mục đích của tôi là chỉ ra rằng chúng ta đang ở trong tình trạng như vậy. Luận đề của tôi là: không chỉ nửa sau của thế kỷ XIX mà cả thời đại của chúng ta, đa phần cách tiếp cận đặc trưng trong địa hạt tư tưởng xã hội dựa trên sự đồng tình của hai nhà tư tưởng thường được coi là có tư duy trái ngược nhau hoàn toàn: nhà “duy tâm” người Đức Georg Willhelm Friedrich Hegel và nhà “thực chứng” người Pháp Auguste Comte. Trong một vài lĩnh vực, hai người này thực sự đại diện cho các thái cực hoàn toàn trái ngược trong tư tưởng triết học đến mức họ cứ như là thuộc về các thời đại khác nhau và thậm chí họ còn rất ít khi bàn luận về cùng những vấn đề nào đó. Tuy nhiên, ở đây tôi không quan tâm nhiều lắm đến hệ thống tư tưởng triết học tổng thể của họ. Điều khiến tôi quan tâm chủ yếu là ảnh hưởng của họ đối với lý thuyết xã hội. Chính ở trong lĩnh vực này mà ảnh hưởng của các ý tưởng triết học có thể trở nên sâu sắc và bền vững nhất. Và có lẽ không có sự minh họa nào về các tác động sâu xa của các ý tưởng trừu tượng lại tốt hơn cái ảnh hưởng mà tôi sẽ trình bày ngay dưới đây.
II.
Trước hết tôi lưu ý ngay rằng việc tôi phát hiện ra những khía cạnh tương tự về ảnh hưởng của Hegel và Comte trong một bầu không khí vẫn còn tràn ngập niềm tin cho rằng giữa họ có sự đối lập hoàn toàn không phải là mới mẻ gì. Tôi có thể đưa ra cho bạn một danh sách dài và sẽ đề cập ngay tới một số các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng điển hình nổi bật, những người đã chỉ ra sự giống nhau như vậy. Thực tế đáng quan ngại là những nghiên cứu này hết lần này đến lần khác được tiến hành trong bầu không khí của sự ngạc nhiên và khám phá, và rằng những tác giả của chúng luôn cảm thấy một chút lo lắng về sự mạnh bạo của chính họ và luôn e ngại rằng họ sắp vượt ra ngoài khuôn khổ chỉ nêu ra một số điểm tương đồng riêng rẽ. Tuy nhiên, nếu như tôi không nhầm thì giữa hai nhà tư tưởng này có sự tương đồng lớn hơn nhiều, và những ảnh hưởng của họ trong khoa học xã hội thực sự kinh khủng hơn nhiều so với những gì ta hằng nhận thức được.
Nhưng trước khi xem xét một số các khía cạnh đã được phát hiện trước đây, tôi có trách nhiệm phải đính chính một sai lầm chung khiến cho vấn đề tổng thể bị sao lãng. Đó là quan điểm cho rằng sự giống nhau giữa họ là bởi vì Hegel đã ảnh hưởng tới Comte2. Người ta tin vào điều này là vì các ý tưởng của Comte được biến đến rộng rãi khi bộ sáu tập Cours de philosophie positive của ông ra mắt trong khoảng thời gian 1830-1842, còn Hegel thì lại mất vào năm 1831. Tuy nhiên, tất cả các ý tưởng quan trọng của Comte đã được trình bày ngay từ năm 1822 trong cuốn sách thời trai trẻ của ông System of Positive Policy3, và cái cuốn được xem như là opuscule fondamentale [sách yếu lược] này, như cách ông gọi sau này, cũng hiện diện như là một trong các tác phẩm chủ đạo của nhóm theo chủ nghĩa Saint-Simon và rõ ràng nó đã vươn tới một số lượng độc giả rộng lớn hơn và tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn so với bộ Cours trực tiếp tạo ra. Đối với tôi, nó dường như là một trong những tiểu luận có sức ảnh hưởng vào bậc nhất của thế kỷ XIX; nó rõ ràng xuất sắc hơn hẳn những tập Cours buồn tẻ được biến đến rộng rãi ngày nay. Nhưng thậm chí bộ Cours, tác phẩm không khác gì hơn là sự phức tạp hóa các ý tưởng được thu gọn trong bài tiểu luận nhỏ đó, đã được chuẩn bị ngay từ năm 1826 và được truyền đến cho những độc giả xuất chúng dưới dạng một loạt các bài giảng vào 18284. Vì vậy, so với các tác phẩm chính của Hegel liên quan đến chủ đề quan tâm ở đây, các ý tưởng chính của Comte được xuất bản trong cùng năm với Philosophy of Law [Triết học pháp quyền], trong vòng cùng vài năm với Encyklopaedie [Bách khoa toàn thư], và tất nhiên là trước Philosophy of History [Triết học lịch sử] vốn được xuất bản sau khi Hegel mất. Nói cách khác, mặc dù Comte thuộc lớp trẻ sau Hegel 28 năm, chúng ta vẫn cần coi họ như là những người cùng thời kỳ, và vì vậy hoàn toàn có đủ cơ sở khi cho rằng có thể Hegel chịu ảnh hưởng từ Comte ở mức độ tương đương như Comte chịu ảnh hưởng từ Hegel.
Dù cho hiện tại bạn có thể đánh giá tầm quan trọng của Hegel cao hơn, thậm chí trên nhiều phương diện coi ông là người xuất sắc nhất, thì mức độ giống nhau giữa họ cũng đã được thừa nhận. Vào năm 1824, học trò trẻ tuổi của Comte là Gustave d’Eichthal đến Đức học. Trong các bức thư gửi Comte, anh ta kể lại rất hào hứng những phát hiện của mình về Hegel5. Liên quan tới các bài giảng của Hegel về triết học lịch sử, anh ta viết “có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa các kết quả nghiên cứu của thầy [với của Hegel] mặc dù có sự khác biệt về các nguyên lý, ít nhất là ở vẻ bên ngoài”. Anh ta tiếp tục viết tiếp rằng “sự trùng hợp giữa các kết quả nghiên cứu hiện diện ngay cả đối với các nguyên lý thực tiễn, vì Hegel là người bảo vệ sự hiện diện của các chính phủ, nghĩa là ông ta là kẻ thù của những người theo trường phái tự do”. Một vài tuần sau, d’Eichthal báo lại rằng ông đã đưa bản sao bài luận của Comte cho Hegel và Hegel đã bày tỏ sự thích thú và khen ngợi phần đầu tiên mặc dù ông nghi ngờ ý nghĩa của phương pháp quan sát được đề cập trong phần hai. Và sau đó không lâu, Comte thậm chí bày tỏ niềm hy vọng ngây thơ rằng “đối với ông, Hegel dường như là người Đức có khả năng phát triển triết học thực chứng tốt nhất”6.
Như tôi đã nói, có rất nhiều các nghiên cứu sau này chỉ ra những nét tương tự giữa hai người. Tuy nhiên, mặc dù những tác phẩm được biết đến rộng rãi như Philosophy of History [Triết học lịch sử] của R. Flint7 và History of European Thought [Lịch sử tư tưởng châu Âu] của J. T. Merz8, và những học giả nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Alfred Fouillée9, Émile Meyerson10, Thomas Wittaker11, Ernst Troeltsch12 và Eduard Spranger13 đều có bình luận hay bàn luận về điều này – còn nhiều người khác nữa mà tôi đành phải đề cập đến tên của họ trong phần chú thích14 – thì hầu như chúng ta vẫn còn chưa thấy những nỗ lực tìm hiểu một cách có hệ thống những nét giống nhau này giữa Comte và Hegel. Ở đây, tôi cũng nên nhắc tới công trình của Friedrich Dittmann so sánh các triết luận về lịch sử giữa Comte và Hegel15, tác phẩm mà tôi sẽ khai thác ở một vài góc độ.
(còn nữa)
Chú thích:
(1) Bernard Bosanquet, The Meeting of Extremes in Contemporary Philosophy (London, 1921), p. 100.
(2) Xem Hutchinson Stirling, “Why the Philosophy of History Ends with Hegel and Not with Comte”, trong “Supplementary Note'' in trong A. Schwegler's Handbook of the History of Philosophy; and John Tulloch, trong Edinburgh Review 260 (1868). E. Troeltsch, Der Historismus und seine Probleme (Gesammelte Schriften III) (Tübingen, 1922), p. 24, có xu hướng cho rằng ngay cả ý tưởng nổi tiếng của Comte về quy luật ba giai đoạn là do ảnh hưởng của tư duy biện chứng của Hegel mặc dù quy luật này thực sự bắt nguồn từ Turgot. Xem thêm R. Levin, Der Geschichtsbegriff des Positivismus (Leipzig, 1935), p. 20.
(3) Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1822 trong Catéchisme des industrielles của H. de Saint-Simon với tiêu đề Plan for the Scientific Operations Necessary for Reorganizing Society và hai năm sau đó được xuất bản lại thành một ấn phẩm riêng rẽ với tiêu đề System of Positive Policy - “một tiêu đề vội vã nhưng phản ánh đúng tầm vóc” nỗ lực mà ông đã bỏ ra, như lời Comte nhận xét sau này khi ông tái xuất bản những tác phẩm ban đầu của mình như là một phụ lục của tác phẩm Système de politique positive. Bản dịch phụ lục này của D. H. Hutton được xuất bản vào năm 1911 dưới tiêu đề Early Essays in Social Philosophy do Routledge’s New Universal Library ấn hành, và các trích dẫn dưới đây liên quan đến các tiêu đề tiếng Anh được lấy từ ấn phẩm nhỏ bé này.
(4) Về giai đoạn đầu của Comte và mối quan hệ của ông với Saint-Simon, xem thêm phân tích hoàn chỉnh của H. Gouhier, La jeunesse d'Auguste Comte et la formation du positivisme, 3 vols. (Paris, 1933-40).
(5) Các bức thư Gustave d’Eichthal gửi Auguste Comte đề ngày 18/11/1824 và 12/01/1825. Lafitte, “Matériaux pour servir à la biographie d'Auguste Comte: Correspondance, d'Auguste Comte avec Gustave d'Eichthal”, La Revue Occidentale, 2d ser. 12 (19 année, 1891), pt. 2, pp. 186ff.
(6) Lettres d'Auguste Comte à divers (Paris, 1905), vol. 2, p. 86 (11 tháng 4 năm 1825).
(7) R. Flint, Philosophy of History in Europe (1874), vol. 1, pp. 262, 267, 281.
(8) J. T. Merz, History of European Thought (1914), vol. 4, pp. 186, 481 ff., 501-3.
(9) A. Fouillée, Le Mouvement positiviste (1896), pp. 268, 366
(10) E. Meyerson, L'explication dans les sciences (1921), vol. 2, pp. 122-38
(11) T. Wittaker, Reason: A Philosophical Essay with Historical Illustrations (Cambridge, 1934), pp. 7-9.
(12) Troeltsch, op. cit., p. 408
(13) E. Spranger, “Die Kulturzyklentheorie und das Problem des Kulturverfalles'', Sitzungsberichte der Preussischen Akademie der Wissenschaften, Phiosophisch-Historische Klasse (1926), pp. x1ii ff.
(14) W. Ashley, Introduction to English History and Theory, 3d ed. (1914), vol. 1, pp. ix–xi. A. W. Benn, History of British Rationalism (1906), vol. 1, pp. 412, 449; vol. 2, p. 82. E. Caird, The Social Philosophy and Religion of Comte, 2d ed. (1893), p. 51. M. R. Cohen, “Causation and Its Application to History'', Journal of the History of Ideas 3 (1942): 12. R. Eucken, “Zur Würdigung Comte's und des Positivismus'', trong Philosophische Aufsätze Eduard Zeller gewidmet (Leipzig, 1887), p. 67, và cũng trong Geistige Strdmungen der Gegenwart (1904), p. 164. K. R. Geijer, “Hegelianism och Positivism'', Lunds Universitets Arsskrfit 18 (1883). G. Gourvitch, L'idée du droit social (1932), pp. 271, 297. H. Hoeffding, Der menschliche Gedanke (1911), p. 41. M. Mandelbaum, The Problem of Historical Knowledge (New York, 1938), pp. 312 ff. G. Mehlis, “Die Geschichtsphilosophie Hegels und Comtes'', Jamb für Soziologie 3 (1927). J. Rambaud, Histoire des doctrines economiques (1899), pp. 485, 542. E. Rothacker, Einleitung in die Geisteswissenschaften (1920), pp. 190, 287. A. Salomon, “Tocqueville's Philosophy of Freedom'', Review of Politics 1 (1939): 400. M. Schinz, Geschichte der französischen Philosophie (1914), vol. 1, p. 2. W. Windelband, Lehrbuch der Geschichte der Philosophie, new ed. (1935), pp. 554 f. Tôi chỉ biết đến bài luận của G. Salomon-Delatour, “Hegel ou Comte'', trong Revue positiviste internationale 52 (1935) và 53 (1936), khi bài luận của tôi đã được chuyển đến nhà xuất bản để in.
(15) E. Dittmann, “Die Geschichtsphilosophie Comtes und Hegels'', Vierteljahrsschrfit für wissenschaftliche Philosophie und Soziologie 38 (1914), 39 (1915).
Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007